Việc kết nối các doanh nghiệp đầu tàu với địa phương thí điểm để tạo đột phá về chính sách, thể chế thu hút đầu tư tư nhân mô hình PPP tạo dòng đầu tư lớn và nhiều chuỗi ngành hàng thành công.
Qua 7 năm thực hiện, chuỗi ngành hàng cà phê do Cty Néstle làm hạt nhân phối hợp với Chính phủ thực hiện đã hình thành được những vùng sản xuất nguyên liệu với tổng diện tích 97.000 ha. 80.000 hộ nông dân tham gia đã học được kỹ thuật canh tác nâng cao năng suất và tốt cho môi trường.
Điển hình thành công từ chuỗi ngành cà phê
Được biết, nhóm PPP cà phê đã triển khai được 256 mô hình vườn mẫu và 3 hợp tác xã PPP tại 4 tỉnh là Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Gia Lai. Năng suất cà phê trong nhóm này tăng hơn 17% trong giai đoạn 2015 – 2016. Mức thu nhập trung bình của người nông dân trồng cà phê tăng lên khoảng 14%.
Để đạt được thành công này, năm 2016, nhóm ngành hàng cà phê đã tập trung vào triển khai các mô hình mẫu. Năm 2017, chuyển đổi mô hình theo liên kết chuỗi để gia tăng giá trị cà phê Việt Nam với tham vọng Việt Nam thành điểm tham chiếu của thế giới về cà phê robusta toàn cầu.
Cũng phải nói thêm, sự thành công của chuỗi ngành hàng này còn phải kể đến sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn như GCP, IDH, Yara, Bayer, EDE, ACOM…
Không riêng ngành hàng cà phê, ngành hàng chè cũng đánh dấu sự thành công bước đầu với sự tham gia của Unilever- một trong những thành tố hạt nhân phối kết hợp rất tốt cùng các doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam. Mô hình hợp tác công – tư trong ngành hàng chè ở Tuyên Quang đã khẳng định hiệu quả kinh tế rõ nét. Đặc biệt, thực hiện được hầu hết quản trị về thuốc bảo vệ thực vật, giảm đáng kể đến việc dùng hóa chất nhưng lại tăng được năng suất, hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
17:51, 11/09/2018
10:16, 11/09/2018
10:05, 09/09/2018
17:08, 31/08/2018
Như vậy, với 7 nhóm ngành hàng được hoạt động theo mô hình đối tác công - tư (PPP) trong ngành nông nghiệp, đã có những điển hình kể trên đánh dấu thành công bước đầu, thay đổi hình thức sản xuất theo hướng tạo chuỗi đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Nói như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: “ Trong mô hình đối tác công-tư, các nhà đầu tư hạt nhân, các doanh nghiệp Việt Nam đang làm tốt chức năng hướng dẫn kỹ thuật, hướng dẫn quản trị, thu mua nông sản, tổ chức chế biến và phân phối chuỗi giá trị”.
Cũng theo Bộ trưởng, triển khai từ năm 2010, mô hình PPP đã thu hút nhiều tập đoàn lớn, các doanh nghiệp phối kết hợp giữa Chính phủ với người dân và doanh nhân. Nhờ đó, đã đạt được nhiều kết quả, thứ nhất, khai thác được tiềm lực về mặt tư bản. Thứ hai, tổ chức quản trị một cách chặt chẽ. Thứ ba, nâng cao được thu nhập cho người dân.
“Đặc biệt, tạo ra chuỗi nông sản theo ý đồ chúng ta mong muốn là sạch, hiệu quả, phân phối lợi ích đều giữa người nông dân, doanh nghiệp và tổ chức thương mại toàn cầu”, Bộ trưởng khẳng định.
"Lực hút" dòng đầu tư
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn rằng trong 7 nhóm, mới chỉ có 2 nhóm ngành hàng thu được kết quả bước đầu. Ngay tại nhóm ngành hàng được cho là thành công như ngành chè, tỷ lệ chè đạt chất lượng được Unilever mua để xuất khẩu sang các thị trường như EU chưa nhiều.
Nhóm hàng thủy sản, dù được đánh giá là ngành hàng trọng tâm nhưng lại bị lùi một bước so với các nhóm ngành hàng khác.
Như vậy, mô hình hợp tác PPP dù được kỳ vọng thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhưng qua 10 năm triển khai vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Thực tế đầu tư của xã hội cho nông nghiệp nông thôn chỉ chiếm tỷ trọng 5% tổng đầu tư cả nước.
Theo các doanh nghiệp, thiếu cơ chế chính sách, thiếu tính liên kết và đặt biệt là khó gom được đất đai là rào cản lớn nhất. Nói như một đại diện nhóm hàng chè, đất đai manh mún khiến doanh nghiệp khó ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. “Nhiều doanh nghiệp đã thuê đất của nông dân và sau đó thuê nông dân làm việc trên chính mảnh đất của họ. Như vậy, nông dân có hai phần thu nhập, từ cho thuê đất và làm thuê, doanh nghiệp thì kinh doanh hiệu quả trên mảnh đất đó. Do đó, đề nghị sự hỗ trợ của chính quyền các địa phương trong việc thuyết phục nông dân cho thuê đất dài hạn”, đại diện nhóm ngành chè kiến nghị.
Trong khi đó, đại diện Cty Đạm Phú Mỹ, thành viên của nhóm hóa chất cho rằng, cần phải đo lường đất đai để biết dinh dưỡng đất như thế nào và theo đó đưa ra khuyến cáo sử dụng phân bón sao cho hợp lý, tránh lãng phí. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước sử dụng rất nhiều phân bón với liều lượng cao nhưng hiệu quả sử dụng rất thấp.
Các doanh nghiệp đồng thời cho rằng, nếu có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ phía cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương thì doanh nghiệp sẽ bớt khó khăn hơn rất nhiều.
Thừa nhận thực tế này, ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, việc kêu gọi các doanh nghiệp Việt đang gặp khó khăn do chưa có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Doanh nghiệp vẫn phải tự tìm hiểu để rồi tự liên kết với nông dân.
Dù sao, cũng phải khẳng định mô hình PPP là một giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp. Nói như Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Khoa học - công nghệ và đầu tư theo mô hình PPP sẽ là hai nhân tố giúp hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững của Việt Nam.
Chủ trương ưu tiên thu hút đầu tư theo hình thức PPP cũng đã được Chính phủ thể chế hóa bằng các chính sách trong kế hoạch hành động triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Việt Nam đến năm 2020.
Do đó, thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết, nhóm công tác PPP sẽ kết nối các doanh nghiệp đầu tàu với một số địa phương thí điểm để tạo đột phá về chính sách, thể chế để thu hút đầu tư tư nhân. Các doanh nghiệp với vai trò dẫn dắt này sẽ tạo "lực hút" dòng đầu tư và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo ra nhiều chuỗi ngành hàng thành công, nâng cao giá trị nông sản Việt.