Để ngành du lịch đạt mục tiêu đề ra trong năm 2024 cũng như khôi phục các thị trường, doanh nghiệp và địa phương cần phải chung tay xây dựng sản phẩm mới và tích cực xúc tiến.
>>Mở rộng dư địa du lịch sức khỏe tại Quảng Nam
Năm 2023, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh đạt 7.550.000 lượt, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 3.870.000 lượt, tăng 5,6 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Thêm sản phẩm mới
Theo số liệu của UBND tỉnh Quảng Nam, trong tháng 2/2024 doanh thu lưu trú của địa phương ước đạt hơn 247 tỷ đồng (giảm 3,4% so với tháng trước và tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng lượt khách tham quan, lưu trú trong tháng 2 ước đạt 580.000 lượt khách (tăng 35% so với cùng kỳ). Doanh thu dịch vụ lữ hành tháng 2 đạt 37 tỷ đồng (giảm 2,6% so với tháng 1).
Về mục tiêu 2024, ngành du lịch Quảng Nam phấn đấu đạt các chỉ tiêu như tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 7,6 triệu lượt, trong đó khách quốc tế ước đạt 3,9 triệu lượt và khách nội địa ước đạt 3,7 triệu lượt. Doanh thu du lịch năm 2024 ước đạt 8.500 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 19.900 tỷ đồng.
Để tạo “lực hút” cho du lịch, cộng đồng doanh nghiệp cùng các địa phương tại Quảng Nam đang tích cực xây dựng sản phẩm mới, tăng dịch vụ, đãi ngộ cũng như hỗ trợ du khách trong thời gian lưu trú, tham quan. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đã đề xuất địa phương cần có thêm giải pháp cải thiện môi trường, tăng cường sản phẩm mới để tạo điểm nhấn trong mắt du khách, đặc biệt là tại vùng lõi Hội An ngoài những sản phẩm truyền thống đã có từ lâu.
Theo ông Lê Quốc Việt – Giám đốc Santa Sea Villa Hội An với những tiềm năng và lợi thế biển, TP. Hội An cần quy hoạch xây dựng một công viên bảo tồn biển và nghề cá Quảng Nam. Theo ông Việt, tại đây có thể bố trí thêm nhà hát trình diễn các tác phẩm dân ca dân vũ Quảng Nam. Vị trí có thể tại khu cồn cát gần góc đường Hai Bà Trưng - Lạc Long Quân.
“Với hoạt động thể thao nước, nên phát triển các môn thể thao cảm giác mạnh như lướt sóng tại khu vực Nam Hội An, biến những hạn chế mùa đông thành lợi thế của du lịch biển vì thời điểm này sóng lớn phù hợp môn thể thao lướt sóng, giúp thu hút khách đến Hội An, Quảng Nam nhiều hơn”, ông Việt đề xuất.
Tương tự, bà Phạm Quế Anh – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Hoi An Express cho hay tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư và cũng đã đầu tư kinh phí hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối các khu nghỉ dưỡng ven biển với sân bay, cảng, bãi biẻn. Theo vị này, Hội An có vị trí địa lý thuận lợi, cảnh quan tự nhiên trong lành và có đầy đủ cơ sở vật chất, nguồn lực phục vụ cả khách nội địa và nước ngoài về mảng du lịch biển.
“Tại đây còn có có cộng đồng người nước ngoài và từ các địa phương khác có nhiều kinh nghiệm, ý tưởng khai thác du lịch nên đã có nhiều sản phẩm đặc sắc, thu hút được du khách. Tuy nhiên đến nay các sản phẩm vẫn chưa đồng bộ trong các điều kiện hướng về du lịch xanh, chưa có các hoạt động thể thao biển chỉnh chu”, bà Quế Anh nói.
Theo vị này, với khách nội địa du lịch biển có thể phục vụ cho các tour trong giai đoạn nghỉ hè, học tập về du lịch xanh, hoạt động team building,… Với khách quốc tế có thể xây dựng thêm sản phẩm nghỉ dưỡng, du lịch biển, du lịch xanh, trải nghiệm,...
Vì vậy, bà Quế Anh kiến nghị địa phương đề xuất tỉnh Quảng Nam xem xét sớm quy hoạch và triển khai lại hoạt động thể thao biển. Đồng thời, duy trì các hoạt động chợ phiên, duy tu các mô hình tái chế, bổ sung thùng rác công cộng có phân loại rác và vận động hoạt động kéo lưới rùng thường xuyên để du khách có thể ngắm hoặc tham gia được cùng với người dân.
Tăng cường xúc tiến thị trường trọng điểm
Là điểm đến hàng đầu của khách quốc tế, tuy nhiên trong thời gian qua Quảng Nam vẫn đứng ngoài tốp 10 địa phương có doanh thu từ du lịch nhiều nhất cả nước. Vì vậy, cần có thêm giải pháp tạo chi tiêu cho du khách trong kích cầu du lịch để cải thiện giá trị gia tang.
Được biết, trong tháng 3/2024, chương trình kích cầu du lịch Quảng Nam sẽ được triển khai. Đây là một điểm mới của du lịch địa phương khi triển khai kích cầu sớm thay vì bắt đầu vào mùa hè như trước. Và các sản phẩm kích cầu sẽ xoay quanh thông điệp “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh” với sản phẩm chủ lực là nghỉ dưỡng biển cao cấp - MICE - golf, sản phẩm/tour du lịch xanh, sản phẩm vui chơi giải trí, các dịch vụ trải nghiệm…
Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho hay Quảng Nam đang tập trung quảng bá và phát triển các loại hình như du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch bền vững,… Vị này cũng cho hay địa phương đang nổ lực đa dạng hóa các thị trường khách quốc tế, hạn chế phụ thuộc vào một số thị trường và tiếp tục khai thác thị trường khách truyền thống: Châu Âu, Úc, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, trong đó tập trung vào phân khúc khách chất lượng cao và lưu trú dài ngày, mở rộng khai thác thị trường mới tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông, Nam Mỹ,...
Theo ông Hồng, ngành du lịch đã đặt ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm tổ chức khảo sát, nghiên cứu và phân tích thị trường, quảng bá, xúc tiến du lịch gắn sản phẩm với từng thị trường cụ thể. Đặc biệt là đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến du lịch phù hợp với xu hướng thời đại cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin cùng với đẩy mạnh ứng dụng E-marketing, công tác truyền thông qua internet, các trang mạng xã hội, qua nhân vật có sức ảnh hưởng giúp quảng bá rộng rãi, nhanh và hiệu quả.
“Ngành du lịch sẽ đổi mới về nội dung, hình thức tổ chức và tham gia các sự kiện, hội chợ để mang lại hiệu quả quảng bá điểm đến và quảng bá dịch vụ, sản phẩm của doanh nghiệp. Ngoài ra còn có hoạt động kết nối doanh nghiệp du lịch tổ chức đánh giá các hoạt động quảng bá, xúc tiến hằng năm và xây dựng, công bố kế hoạch, chương trình tổ chức các hoạt động, sự kiện cho các năm tiếp theo. Tiếp tục tăng cường liên kết, hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế trong quảng bá, xúc tiến du lịch”, ông Hồng nói.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành du lịch đẩy mạnh việc xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của các thị trường khách cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng. Trong đó, nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cấp hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông phục vụ khách du lịch.
Ông Bửu lưu ý ngành du lịch tập trung đẩy mạnh việc chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả hệ thống phần mềm du lịch thông minh tỉnh Quảng Nam. Đồng thời, xây dựng chương trình kích cầu du lịch năm 2024, tăng cường công tác quảng bá xúc tiến trên các báo, đài, tạp chí trong nước và nước ngoài,
“Cùng với đó là tổ chức chương trình xúc tiến du lịch tại 2 thị trường Úc và Đài Loan, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trọng điểm du lịch, với các ngành, lĩnh vực như hàng không, truyền thông, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường...”, ông Bửu thông tin.
Có thể bạn quan tâm