Trong những năm tới, thành phố tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng.
Từ năm 2016 đến 2020, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 112 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trung bình mỗi năm tăng 9,7%, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên hơn 292 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động, thu hút nguồn lực lớn để đầu tư.
Trong những năm tới, thành phố tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng.
Trong những năm qua, thành phố Hà Nội xác định việc khơi dậy và phát huy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Chính quyền thành phố đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”.
Các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp được tập trung hoàn thiện; cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, nền hành chính công hiện đại được tăng cường đã góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển.
Thành phố đã xây dựng nhiều giải pháp đột phá nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động như khai trương Cổng thông tin Hệ sinh thái khởi nghiệp (StartupCity.vn) vào năm 2017; phê duyệt Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020 với nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Năm 2019, với mục tiêu xây dựng Hà Nội thành Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước, nơi kết nối các nguồn lực của hệ sinh thái, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng, thành phố tiếp tục phê duyệt Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025 với nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù được ban hành như: hỗ trợ thực hiện các hoạt động truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp; thực hiện các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo; phát triển kết cấu hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức các sự kiện kết nối mạng lưới, kết nối hệ sinh thái, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm; hỗ trợ tiếp cận tài chính và thúc đẩy hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; hình thành trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội.
Song song với việc ban hành chính sách, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp như: cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian khởi sự doanh nghiệp và đẩy mạnh đăng ký kinh doanh qua mạng; giảm thời gian, chi phí thực hiện các quy định của nhà nước trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh như đất đai, hải quan, thuế, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng...
Nhờ đó, số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn thành phố liên tục tăng trong các năm gần đây. Từ năm 2016 đến 2020, thành phố có hơn 112 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trung bình mỗi năm tăng 9,7%, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên hơn 292 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động (đứng thứ hai về số lượng doanh nghiệp trên cả nước). Bình quân cứ 35 người dân có 1 doanh nghiệp được đăng ký thành lập, cao gấp 3,8 lần mức bình quân chung cả nước.
Riêng công tác thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả vượt bậc. Năm 2019, vốn đăng ký đạt 8,05 tỷ USD, cao nhất sau hơn 30 năm hội nhập. Giai đoạn 2016 - 2019, thành phố thu hút 22,1 tỷ USD, gấp 3,5 lần giai đoạn 2011 - 2015. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, chỉ số PCI tăng liên tiếp trong 2 năm 2018 - 2019 đều xếp thứ 9/63, thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.
Thành phố Hà Nội xác định, một trong những mục tiêu quan trọng của thành phố giai đoạn 2021 - 2025 là tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tận dụng tối đa thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động; thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân để tạo động lực phát triển kinh tế.
Để đạt được mục tiêu trên thành phố cần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng.
Trong thời gian tới, thành phố nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, các thủ tục hành chính thuộc các ngành như: xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường, y tế. Thúc đẩy khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp được ban hành tại Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn Thành phố đến năm 2020 và Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025.
Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Nghiên cứu, xây dựng Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025.
Cải thiện tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất, tạo điều kiện để phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có quy mô hợp lý và giá thuê đất phù hợp với khả năng của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong các ngành có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao, tham gia mạng lưới liên kết sản xuất, chuỗi giá trị sản phẩm định hướng xuất khẩu và phát triển công nghiệp hỗ trợ và chuỗi giá trị toàn cầu.