Thông tin chính thức, Đà Nẵng sẽ đón nhận dự án đầu tư với số vốn 170 triệu USD từ một tập đoàn Hoa Kỳ. Mục tiêu dự án là sản xuất linh kiện máy bay.
Ngày 27/2, xác nhận với Phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Huỳnh Liên Phương – Phó Giám đốc Phụ trách Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư (IPA) Đà Nẵng cho biết: “Đà Nẵng sẽ đón nhận dự án đầu tư với số vốn 170 triệu USD từ một tập đoàn Hoa Kỳ. Mục tiêu dự án là sản xuất linh kiện máy bay. Dự án sẽ được trao Giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 1/3 tại sự kiện Tọa đàm Mùa Xuân sắp tới”.
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đồng thời xác nhận thông tin này. Theo đó, “UAC (Universal Alloy Corporation) - một tập đoàn của Hoa Kỳ là nhà đầu tư của dự án, doanh nghiệp này đã liên hệ thành phố để xúc tiến dự án như nói trên, dự kiến vào Khu công nghệ cao”.
Thông tin cụ thể, vị này cho biết, Universal Alloy Corporation (UAC) là nhà sản xuất linh kiện máy bay hàng đầu thế giới cho các công ty hàng không như Boeing, Airbus, Embraer, Bombardier và các chuỗi cung ứng liên quan của họ. UAC thường cung cấp hợp đồng dài hạn cho: Boeing 787, 777, 767 và 737; Airbus từ A350, A330, A320, A220 và ATR; Embraer E195; và máy bay Bombardier CRJ.
Trụ sở chính của UAC, được đặt bên ngoài thủ đô Atlanta bang Georgia, Hoa Kỳ. UAC vận hành các cơ sở ở Bắc Mỹ, châu Âu, và tiếp theo là châu Á với cơ sở sẽ được xây dựng tại Đà Nẵng, Việt Nam. UAC trực thuộc Montana Tech Components AG với 6000 nhân viên làm việc tại Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Á và Nam Mỹ.
Vào năm 2014, UAC được trao giải thưởng là Nhà cung cấp hàng đầu trong năm cho Công ty Boeing; và vào năm 2015, UAC được trao giải là nhà cung cấp hàng đầu trong năm của Airbus.
Pháp nhân đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng là UAC Singapore.
Vị lãnh đạo này cho biết, UAC Việt Nam ban đầu sẽ cung cấp các bộ phận thân máy bay cho các máy bay Boeing Boeing 787, 777 và 737; và động cơ cho Rolls Royce tại Đà Nẵng. Dự kiến sẽ sản xuất hơn 4000 bộ phận khác nhau và sẽ được xuất khẩu hoàn toàn sang Bắc Mỹ, EU và Malaysia.
Về chính sách đầu tư, UAC sẽ đầu tư 170 triệu USD vào các cơ sở sẽ được xây dựng tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Tập đoàn sẽ “gia công, xử lý bề mặt và lắp ráp các bộ phận từ ép đùn nhôm sản xuất sẵn và tấm nhôm nhập khẩu”.
Dự án sẽ tạo ra một cơ hội việc làm lớn cho người lao động địa phương nói riêng và cả nước nói chung khi trong kế hoạch, UAC sẽ tuyển dụng từ 650 đến 1200 nhân sự tại Khu công nghệ cao. Một số lượng lớn các kỹ sư sẽ cần để hỗ trợ sản xuất UAC, với trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực Cơ khí, Điện, Tự động hóa, Chất lượng, Công nghiệp, CAD / CAM, Thử nghiệm không phá hủy. Công việc sản xuất sẽ đòi hỏi đào tạo và nhân viên có tay nghề cao cam kết chất lượng theo yêu cầu của ngành hàng không vũ trụ.
Có thể bạn quan tâm
11:01, 25/02/2019
08:20, 27/02/2019
07:55, 27/02/2019
01:48, 26/02/2019
16:15, 25/02/2019
UAC sẽ xuất khẩu 100% sản phẩm được sản xuất tại Đà Nẵng sang thị trường hàng không vũ trụ trên thế giới. Nói về cơ hội hội nhập kinh tế từ dự án này, vị đại diện thông tin “UAC sẽ xuất khẩu 25 triệu USD vào năm 2021, 82 triệu USD vào năm 2022 và tạo ra hơn 180 triệu đô la xuất khẩu hàng năm vào năm 2026”.
Thêm vào đó, UAC sẽ phát triển các nhà cung cấp tại Đà Nẵng để cung cấp công nghiệp, hậu cần và các dịch vụ cơ sở khác gián tiếp sử dụng thêm 1000 đến 2000 người. “UAC mong muốn được hợp tác chặt chẽ với các trường đại học kỹ thuật và dạy nghề Đà Nẵng trong việc phát triển ngành hàng không vũ trụ” – dại diện BQL cho hay.
Trong khi đó, thông điệp từ UAC – tập đoàn này cam kết về vấn đề bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn cho nhân viên và cải thiện cộng đồng nơi UAC hoạt động. UAC mong muốn được đóng góp từ thiện cho các vấn đề về sức khỏe, giáo dục và môi trường và mong muốn nhận được sự hợp tác này.