Nhà sản xuất vải và sợi bông hàng đầu thế giới, Texhong Textile Group đang có những toan tính mới tại Việt Nam, nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngành dệt may từ Trung Quốc.
>>Dệt may, giày dép Việt Nam và “bài toán” nguyên phụ liệu
Đại dịch COVID-19 dường như đã đi qua. Nhưng, bóng ma của những cuộc phong tỏa kéo dài đã khiến các nhà sản xuất gặp phải vấn đề nghiêm trọng về chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, những căng thẳng thương mại từ cuộc thương chiến Mỹ - Trung cũng đã làm cho các công ty phương Tây buộc phải tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ từ Trung Quốc trong vòng hai năm qua.
Một số cũng đang tận dụng cơ hội để tìm kiếm những lợi ích khác nhau, từ mức thấp hơn của thuế quan và chi phí lao động ở các khu vực khác trên thế giới như Đông Nam Á.
Mặc dù, làn sóng di dời sản xuất khỏi Trung Quốc là mới đối với các nhà sản xuất sản phẩm công nghệ cao như điện thoại thông minh, nhưng nó đã xảy ra hơn một thập kỷ đối với các nhà sản xuất truyền thống như dệt may hay là giày dép, một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc.
Một công ty đi trước xu hướng đó là Texhong Textile Group, một trong những nhà sản xuất vải và sợi bông hàng đầu thế giới. Công ty đã tìm thấy một mảnh đất màu mỡ để phát triển, đó chính là Việt Nam, đất nước hiện chiếm gần 40% sản lượng và còn dư địa phát triển hơn nữa.
Texhong lần đầu tiên vào Việt Nam vào năm 2006, khi hầu hết các công ty dệt may vẫn khá hài lòng với các hoạt động ở Trung Quốc. Tại Việt Nam, họ đã đầu tư tổ hợp 5 nhà máy sợi ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai) vào năm 2006, với tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD. Năm 2012, Texhong tiếp tục xây dựng một nhà máy sợi 300 triệu USD ở Quảng Ninh.
Tiếp đó, năm 2014, Texhong đã nhận giấy chứng nhận đầu tư và chính thức khởi công Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Texhong Hải Hà (Quảng Ninh), với tổng vốn đầu tư 215 triệu USD. Tập đoàn này đồng thời cũng rót thêm 300 triệu USD để thực hiện Dự án Chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may tập trung tại chính Khu công nghiệp Texhong Hải Hà. Theo Thông tin Chính phủ, với tổng số tiền đầu tư lên đến hơn 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, Texhong hiện là một nhà sản xuất sợi bông lớn nhất nước.
Và lợi ích của việc đa dạng hóa cũng thể hiện trong các kết quả ấn tượng mới nhất của Texhong. Theo báo cáo thường niên được công bố vào giữa tháng 3 cho thấy, doanh thu của Texhong đã tăng 35,5% năm ngoái lên mức cao kỷ lục 26,5 tỷ NDT (3,9 tỷ USD). Tỷ suất lợi nhuận cũng có sự cải thiện lớn trong giai đoạn đó, 22,1%, đã tạo ra một sự kết hợp mạnh mẽ thúc đẩy lợi nhuận tăng gấp bốn lần lên 2,69 tỷ NDT (400 triệu USD) trong năm.
>>>Doanh nghiệp dệt may chuyển đổi số thích ứng "bình thường mới"
>>>Xu thế “xanh hóa” ngành dệt may
Mới nhất, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tham dự nhiều hoạt động, trong đó có các cuộc làm việc với các đối tác của Bộ Công Thương như Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và gặp gỡ các doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam.
Tại cuộc làm việc với Tập đoàn Texhong, ông Hong Tian Zhu - Chủ tịch Tập đoàn đã khẳng định tương lai của Texhong gắn với Việt Nam, với hơn một nửa lượng vốn đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn hiện tập trung ở Việt Nam, trị giá hơn 1,5 tỷ USD và sử dụng tới hơn 25.000 lao động. Các sản phẩm chính của Tập đoàn là mặt hàng sợi và vải dệt kim phục vụ xuất khẩu với nguồn bông nhập khẩu từ nhiều nước, trong đó chủ yếu từ Mỹ.
Có thể nói, động thái của Texhong đang cho thấy những toan tính của tập đoàn này khi nhắm đến một thị trường rộng rãi của ngành dệt may Việt Nam trên thế giới. Theo một nghiên cứu của Văn phòng Dệt may (OTEXA) và Chứng khoán Rồng Việt cho thấy, thị phần của Việt Nam trên thị trường dệt may Mỹ đã tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây, tăng lên 15% vào năm 2020 từ 12% trong hai năm trước đó.
Thêm vào đó, trái tim của ngành dệt may, thành phần trung tâm của doanh nghiệp Texhong, cụ thể là bông, lại là một sản phẩm chủ lực của Mỹ. Bông từ Mỹ nổi tiếng với việc truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm giải trình chuỗi cung ứng. Ngoài ra, khách hàng gần đây của Texhong đã thể hiện sự ưa thích đối với sản phẩm của Mỹ hơn là bông của Trung Quốc.
Như dữ liệu bức tranh lớn mới nhất cho thấy, Mỹ là nhà cung cấp bông lớn nhất sang Việt Nam, chiếm hơn 50%. Trong khi đó, Texhong là một trong những nhà mua bông Mỹ lớn nhất cho cả Việt Nam và hoạt động ở Trung Quốc, với ước tính họ đã mua 9% tổng số bông của Mỹ xuất khẩu vào năm ngoái, chiếm hơn một nửa lượng mua vật liệu trong thời gian đó.
Và với những căng thẳng thương mại từ cuộc thương chiến Mỹ - Trung, việc dịch chuyển thương mại và sản xuất ra khỏi Trung Quốc là điều cần thiết với Texhong, trong khi Việt Nam và Mỹ lại đang là những đối tác thương mại chiến lược.
Điều này được cho là đã tác động lớn đến các kế hoạch của Texhong trong những năm tới, có thể sẽ tiếp tục là việc đổ nhiều nguồn lực hơn nữa vào Việt Nam với các kế hoạch bao gồm việc tăng tốc trong đa dạng hóa sản phẩm bằng việc xây dựng một cơ sở mới ở Việt Nam. Thêm vào đó, với việc đánh giá Việt Nam là một "môi trường hoạt động thuận lợi" đối với các công ty dệt may quy mô lớn, có vẻ như Texhong sẽ còn kế hoạch xa hơn nữa tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Dệt may, giày dép Việt Nam và “bài toán” nguyên phụ liệu
03:30, 09/05/2022
Doanh nghiệp dệt may chuyển đổi số thích ứng "bình thường mới"
04:00, 29/04/2022
Doanh nghiệp dệt may gặp nhiều "sóng lớn"
00:45, 31/03/2022
Xu thế “xanh hóa” ngành dệt may
11:00, 23/03/2022
Ngành dệt may "minh chứng” cho sức sống mãnh liệt của doanh nghiệp Việt Nam
15:21, 08/02/2022
“Vực” ngành dệt may, da giày sau “bão” dịch
03:30, 29/01/2022
Triển vọng ngành dệt may năm 2022
04:00, 10/01/2022
Bất ngờ Vinatex lãi lớn, các doanh nghiệp dệt may khác ra sao?
05:00, 26/12/2021
Doanh nghiệp dệt may và logistics “bắt tay” vượt khủng hoảng
03:30, 17/12/2021