Tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam luôn duy trì ở mức trên 20% - thuộc loại nhanh trên thế giới.
Trong khi đó người láng giềng đang nắm giữ tới 42% thị trường TMĐT toàn cầu. Điều này đặt ra những thách thức gì cho Việt Nam để duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện nay? Trung Quốc đạt được thành công trên thứ nhất là thanh toán di động, tăng từ 25% người dùng internet di động trong năm 2013 lên 68% trong năm 2016.
Định vị thách thức
Tiêu dùng sử dụng thanh toán di động ở Trung Quốc đạt 790 tỷ USD trong năm 2016 – gấp 11 lần so với Mỹ, với 262 triệu người sử dụng internet di động. Đây cũng chính là điểm khác biệt nhất so với Việt Nam, quốc gia mà phương thức thanh toán chủ yếu vẫn là dùng tiền mặt. Theo ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Giám đốc Phát triển sản phẩm khu vực châu Á công ty OPENWAY thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân là thách thức lớn nhất để TMĐT Việt Nam giữ được đà tăng trưởng 20%/năm như thời gian qua.
Tuy vậy, lượng người thanh toán online hiện nay đang có sự phân hóa về độ tuổi. “Hiện 80% những người thuộc lứa tuổi 8X đổ về họ không có nhu cầu sử dụng thẻ để thanh toán do không am hiểu về công nghệ thông tin. “Trong khi đó, theo phân tích dữ liệu từ big data, chúng tôi thấy rằng giới trẻ hiện nay mới là lực lượng chủ yếu thanh toán online” – Giám đốc OPENWAY trao đổi.
An toàn vẫn là tiêu chí hàng đầu
Với một số vụ mất trộm tiền khách hàng từ thẻ ATM hiện nay càng làm cho nhiều người lo ngại vào mức độ an toàn và bảo mật của các loại thẻ hiện nay. “Giải pháp hiện nay là sử dụng loại thẻ chip EMV, loại thẻ được gắn chip và có bộ vi xử lý ở trong thẻ, chứa toàn bộ thông tin mã hóa, bảo mật và theo chuẩn quốc tế” – ông Quang Trung đề xuất.
Đại diện Tập đoàn Gemalto (Pháp) - một trong những công ty hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực thẻ thông minh cho rằng hiện nay các thông tin trên thẻ từ không còn an toàn, dễ bị các đối tượng lợi dụng. Chính vì vậy, hiện các nước trên thế giới đang đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip EMV. Đặc biệt, nhiều nước đã xây dựng được quy chuẩn thẻ chip riêng dựa trên nền tảng công nghệ như Malaysia, Ấn Độ… “Thách thức đi cùng với cơ hội tại Việt Nam. Cho dù người tiêu dùng Việt Nam dễ đón nhận thương mại điện tử hơn nhiều thị trường khác, vẫn còn con đường dài để phát triển ở phía trước”, Chủ tịch Tập đoàn Garena - Nick Nash nhận định.
Việt Nam vẫn còn kém xa các thị trường khác về doanh số thương mại điện tử. Tuy nhiên, khi các nền tảng thương mại điện tử lớn như Alibaba hay Amazon liên tục tấn công vào thị trường này, rõ ràng tăng trưởng thương mại điện tử ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu.