Thách thức hút dòng tiền của TCB

Dương Thuỳ 05/08/2018 14:48

Trong những phiên gần đây, cổ phiếu TCB của NHTMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã vượt qua một số trụ cột trở thành mã đóng góp nhiều nhất cho VN-Index.

Việc TCB có duy trì được trụ đỡ cho VN-Index hay không phụ thuộc vào khả năng quản trị rủi của ngân hàng này. 

Trong vòng hơn tuần qua, mặc dù thị trường chứng khoán đã và đang có sự trồi sụt thất thường, nhưng cổ phiếu TCB đã tăng tới 6,59%.

Cho vay khối doanh nghiệp tăng trưởng mạnh

Ông Trịnh Bằng, Giám đốc khối tài chính kế hoạch của Techcombank cho biết, đến cuối tháng 6/2018, TCB đạt tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu ROAE ở mức 24,3%, cao hơn so với 20,6% cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ sinh lời trên tổng tài sản ROAA đạt 3,16%, so với 1,83% cùng kỳ. Dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 166 nghìn tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cho vay khách hàng cá nhân chiếm tỷ trọng 39%, nhóm doanh nghiệp lớn chiếm 46% và doanh nghiệp SME chiếm 15%.

Có thể bạn quan tâm

  • Khối ngoại có hớ khi mua cổ phiếu TCB?

    Khối ngoại có hớ khi mua cổ phiếu TCB?

    07:14, 18/06/2018

  • Giá cổ phiếu TCB đang ở vùng trũng hấp dẫn

    Giá cổ phiếu TCB đang ở vùng trũng hấp dẫn

    07:11, 08/06/2018

  • Thách thức chào sàn của TCB

    Thách thức chào sàn của TCB

    11:03, 19/05/2018

Trong 6 tháng đầu năm nay, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 15%; lãi ròng từ tài sản tài chính tăng 58% đạt 940 tỷ đồng; thu nhập khác đạt 1.488 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập từ hoạt động đạt 8.659 tỷ đồng, tăng 20%...

5.196 tỷ đồng là tổng lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018.

Bên cạnh doanh thu tăng, ngân hàng cũng giảm trích lập dự phòng rủi ro, nhờ thế lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 5.196 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước và sau thuế là 4.150 tỷ đồng – đây là mức cao kỷ lục của ngân hàng này từ trước tới nay.

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh-Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết, với mức lợi nhuận trước thuế gần 5.200 tỷ đồng, ngân hàng đã hoàn thành 52% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Mặc dù kinh tế toàn cầu đang đối mặt với những rủi ro do chiến tranh thương mại, nhưng TCB tự tin với mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Nếu không xét tăng trưởng từ thu nhập lãi cơ bản- nghiệp vụ truyền thống của các TCTD, thì 3 "ngôi sao" TCB, VPB và HDB đều ghi nhận điểm chung có sự tăng mạnh về thu hoạt động dịch vụ - cho thấy những ngân hàng tư nhân đang nỗ lực cạnh tranh và phát huy lợi thế riêng trong định hướng ngân hàng bán lẻ.

Công thức bí mật của tăng trưởng

Theo Ban Lãnh đạo TCB, để có kết quả tăng tưởng cao, TCB áp dụng phương pháp tiếp cận theo hệ sinh thái nhằm thu hút khách hàng mới. Phương pháp tiếp cận này này hướng tới toàn bộ chuỗi giá trị, bắt đầu từ các khách hàng doanh nghiệp lớn, rồi mở rộng sang nhà cung cấp, nhà phân phối và khách hàng cuối cùng của những doanh nghiệp này. TCB hướng tới cung cấp giải pháp một cửa cho toàn bộ chuỗi giá trị.

Theo ông Nguyễn Đức Hải-Chuyên viên kiểm toán KPMG, tuy TCB không phải là ngân hàng duy nhất sử dụng phương pháp tiếp cận theo hệ sinh thái nhưng đạt hiệu quả cao nhất khi sử dụng phương pháp này. Và đây là công thức bí mật đằng sau sự tăng trưởng của TCB trong những năm qua. Đó là 2 chuỗi giá trị đặc biệt đáng chú ý là: Mối quan hệ đối tác của TCB với Vietnam Airlines đã đem đến cho TCB gần 37.000 khách hàng sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ đồng thương hiệu. Những khách hàng này hiện đang có tổng dư nợ vay mua nhà tại TCB là 6,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 15% tổng dư nợ cho vay mua nhà của ngân hàng. Toàn bộ chuỗi giá trị gồm mảng ngân hàng bán buôn, mảng doanh nghiệp SME và mảng khách hàng cá nhân, đóng góp 8% vào tổng tiền gửi không kỳ hạn và 24% tổng lãi thuần hoạt động dịch vụ của TCB. Trong đó, quan hệ đối tác của TCB với Vingroup là chuỗi giá trị mạnh nhất của ngân hàng này.

Theo ông Hải, công thức bí mật trên đã đưa TCB trở thành một NHTMCP đứng đầu về các chỉ số hiệu quả và sinh lời trong hệ thống TCTD Việt Nam, khi tổng tài sản dù chỉ bằng khoảng 25% các thành viên khối “Big 4”, nhưng lợi nhuận đã đạt tới 70 - 80%. Bên cạnh sự minh bạch trong thông tin, báo cáo tài chính, đây cũng là một trong những tiêu chí tạo sự khác biệt khi thu hút nhà đầu tư…

Rủi ro tiềm ẩn

Trong những phiên giao dịch trở lại đây, nhiều cổ phiếu ngân hàng luôn là trụ đỡ cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này phần nào cho thấy vai trò dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong điều kiện thị trường điều chỉnh. Trong phiên giao dịch gần đây nhất , nhóm cổ phiếu ngân hàng trong những phút cuối phiên đã có cú ngược dòng ấn tượng khi TCB, VCB… đồng loạt tăng điểm, góp phần giúp chỉ số VN-Index có được diễn biến tích cực.

Trong rổ chỉ số VN-index, cổ phiếu được lựa chọn dựa nhiều trên vốn hóa và tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng. Trong số này không phải doanh nghiệp nào cũng có ngành nghề thuận lợi, kinh doanh và sử dụng vốn hiệu quả. Bên cạnh đó, việc nằm trong cổ phiếu trụ cột nâng đỡ chỉ số VN-Index không có nghĩa đảm bảo cho chất lượng cổ phiếu cũng như chất lượng quản trị, kinh doanh tốt của doanh nghiệp.
Việc sát cánh cùng các trụ cột nâng đỡ chỉ số như VIC, VCB, VJC, SAB…, cho thấy dù là tân binh mới nhưng TCB đang là tâm điểm thu hút dòng tiền, góp phần chặn đà rơi của VN-Index. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với TCB, nhất là phải duy trì top ngân hàng vốn hoá lớn, cổ phiếu có tính thanh khoản cao và đặc biệt duy trì vị thế kinh doanh có hiệu quả. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào TCB khi ngân hàng này phải quản trị được nhiều yếu tố rủi ro.

Theo đánh giá Cty chứng khoán HSC, rủi ro lớn nhất của TCB là cho vay lĩnh vực BĐS. Hiện TCB có tỷ trọng cho vay lĩnh vực BĐS và xây dựng cao, chiếm 20,2% tổng dư nợ tại thời điểm quí I/2018. Nếu tính cả cho vay mua nhà, thì cho vay lĩnh vực BĐS và xây dựng của TCB xấp xỉ 47,5% tổng dư nợ, cao hơn 30% so với các ngân hàng khác. Ngoài ra, nợ xấu cũng là rủi ro tiềm ẩn khi nợ xấu hình thành mới là 3.068,4 tỷ đồng (tăng 18,8% so với đầu năm); Nợ nhóm 2 chiếm 1,7% tổng dư nợ (tăng 20,1% so với đầu năm lên 2.802 tỷ đồng); Nợ nhóm 3 chiếm 0,27% tổng dư nợ (giảm 22,7% với đầu năm xuống 444,6 tỷ đồng); Nợ nhóm 4 chiếm 0,57% tổng dư nợ (tăng 103,4% so với đầu năm lên 926,7 tỷ đồng); Nợ nhóm 5 chiếm 1,04% tổng dư nợ (tăng 1,9% so với đầu năm lên 1.697,2 tỷ đồng)…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thách thức hút dòng tiền của TCB
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO