Thách thức phòng vệ thương mại

HUYỀN TRANG thực hiện 30/10/2020 11:01

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI cho biết, các vụ kiện về phòng vệ thương mại sẽ tác động lớn tới các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 9/2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra gần 200 vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM), với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỉ USD.

Việt Nam đang ngày càng phải đối diện nhiều hơn với các vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặt ra nhiều mối lo cho xuất khẩu hàng hóa.

-Vì sao chỉ trong một thời gian ngắn, hàng hóa Việt Nam lại là tâm điểm của các vụ kiện về PVTM đến như vậy, thưa bà?

Không có câu trả lời chính xác nào cho câu hỏi tại sao năm nay hàng hóa xuất khẩu Việt Nam lại bị kiện nhiều đến thế. Nhất là trong bối cảnh xuất khẩu của chúng ta giảm chứ không tăng đều như mọi năm.

Tuy nhiên, tôi cũng không cho rằng hàng hóa Việt Nam đang là tâm điểm của các vụ kiện PVTM. 200 vụ việc PVTM là rất lớn, thiệt hại cũng rất đáng kể. Nhưng nếu so với Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Braxin, thậm chí là Mỹ, EU thì con số này của Việt Nam vẫn được xem là “may mắn” hơn nhiều.

-Việc liên tiếp dính phải các vụ kiện về PVTM sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hàng hóa xuất khẩu của chúng ta?

Tất nhiên, các vụ kiện phòng vệ kéo theo rất nhiều thiệt hại. Đầu tiên là doanh nghiệp mất tiền của, công sức trong tham kiện, các vụ kiện phòng vệ bao giờ cũng phức tạp, lại ở tận nước nào, chi phí luật sư, tư vấn, đi lại thôi đã tốn kém, chưa nói công sức bỏ ra để tập hợp tài liệu chứng minh, tiếp các đoàn điều tra thực địa…

Tiếp đến là các biện pháp phòng vệ bị áp dụng, sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu vào các thị trường mất thêm một khoản thuế bổ sung, từ đó giảm đáng kể lợi thế cạnh tranh. Đó là chưa kể tới những bất định trong tính toán giá bán sản phẩm, do mức thuế phòng vệ bổ sung có thể thay đổi theo năm, và không biết khi nào mới kết thúc (do có thể gia hạn theo nhiều cách khác nhau).

Tuy nhiên, tùy vào cách thức phản ứng của doanh nghiệp, thiệt hại với mỗi doanh nghiệp là không giống nhau. Doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt, tham gia tích cực vào các cuộc điều tra có thể nhận được mức thuế phòng vệ thấp hơn. Thậm chí ngay cả khi đã bị áp thuế, trong những năm tiếp theo vẫn có cơ hội giảm thuế, thậm chí là thuế về 0% nếu có chiến lược tham kiện thích hợp.

p/Thép Hòa Phát, một trong những doanh nghiệp Việt vừa ở vai nguyên đơn vừa ở vai bị đơn trong các vụ kiện phòng vệ thương mại. Ảnh: HPG

Thép Hòa Phát, một trong những doanh nghiệp Việt vừa ở vai nguyên đơn vừa ở vai bị đơn trong các vụ kiện phòng vệ thương mại. Ảnh: HPG

- Có cách nào để “né” được các vụ kiện này không, thưa bà?

Tôi e là không có cách nào để Việt Nam tránh hoàn toàn được các vụ kiện phòng vệ thương mại. Cách thức khả thi nhất có lẽ là đối mặt. Nếu xác định thị trường xuất khẩu liên quan là quan trọng, không thể bỏ, thì doanh nghiệp phải chấp nhận đầu tư để tham kiện và để chiến thắng hoặc ít nhất là giảm thiểu thiệt hại trong các vụ việc này.

Không phải cứ có vụ việc điều tra là sẽ có biện pháp phòng vệ bị áp dụng. Cũng không phải biện pháp phòng vệ nào cũng nghiêm trọng như nhau, mức thuế trừng phạt trong mỗi vụ việc, giữa mỗi doanh nghiệp là không giống nhau. Và tất cả điều này phụ thuộc vào cách thức doanh nghiệp chúng ta ứng xử, hành động trong mỗi vụ việc.

-Nhiều ý kiến cho rằng, PVTM không phải là “cuộc chơi” của mỗi doanh nghiệp riêng lẻ, mà là “cuộc chơi tập thể” hay nói cách khác là chiến lược hay hành động của cả một ngành sản xuất nội địa sản phẩm liên quan. Bà nhận định thế nào về vấn đề này?

Tất nhiên, kiện PVTM là kiện cả một ngành sản xuất, xuất khẩu sản phẩm liên quan. Vì vậy, đó không phải là cuộc chiến riêng lẻ của doanh nghiệp nào.

Việc liên kết giữa các doanh nghiệp đang sản xuất, xuất khẩu sản phẩm liên quan sang thị trường liên quan với nhau trong ứng phó với vụ kiện là cần thiết. Nhất là khi có những vấn đề chung cho tất cả các doanh nghiệp, cùng thực hiện với nhau sẽ tiết kiệm nguồn lực và cho hiệu quả cao hơn. Từ góc độ này, các hiệp hội ngành hàng có thể có đóng góp đáng kể.

- Vậy bà có lời khuyên gì cho doanh nghiệp trong bối cảnh các vụ việc về PVTM liên tục gia tăng?

Tôi nghĩ với các doanh nghiệp có chiến lược trọng tâm là xuất khẩu, và vào các thị trường có nguy cơ cao, việc chuẩn bị kiến thức về các vụ kiện phòng vệ, chuẩn bị nguồn lực để sử dụng khi cần thiết, bảo đảm các tài liệu sổ sách chứng từ đúng chuẩn mực quốc tế để chứng minh bảo vệ mình khi bị điều tra là điều cần làm.

Ngoài ra, cần thường xuyên cùng các đối tác nhập khẩu cập nhật tình hình thị trường và các nguy cơ kiện cũng là rất cần thiết. Trong các vụ kiện phòng vệ thế này, chuẩn bị càng sớm càng có thêm cơ hội để giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao hàng Việt là tâm điểm của các vụ kiện phòng vệ thương mại?

    Vì sao hàng Việt là tâm điểm của các vụ kiện phòng vệ thương mại?

    04:30, 18/10/2020

  • Bị điều tra 200 vụ kiện phòng vệ thương mại, Việt Nam bốc hơi” 12 tỉ USD: Cách nào hạn chế thiệt hại?

    Bị điều tra 200 vụ kiện phòng vệ thương mại, Việt Nam bốc hơi” 12 tỉ USD: Cách nào hạn chế thiệt hại?

    04:30, 16/10/2020

  • Chuyên gia mách nước để hàng Việt ứng phó với phòng vệ thương mại?

    Chuyên gia mách nước để hàng Việt ứng phó với phòng vệ thương mại?

    04:50, 13/10/2020

  • Việt Nam bị điều tra gần 200 vụ phòng vệ thương mại

    Việt Nam bị điều tra gần 200 vụ phòng vệ thương mại

    15:50, 05/10/2020

  • Gỗ Việt né phòng vệ thương mại như thế nào?

    Gỗ Việt né phòng vệ thương mại như thế nào?

    04:50, 28/09/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thách thức phòng vệ thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO