Tính đến nay, Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra gần 200 vụ việc phòng vệ thương mại đối với nhiều mặt hàng, gồm cả các mặt hàng xuất khẩu quan trọng như thủy sản, sắt thép, nhôm, gỗ,…
Thông tin vừa cập nhật của Bộ Công Thương, số lượng các vụ việc điều tra, áp dụng các biện pháp bảo hộ phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục gia tăng.
Đến nay, Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra gần 200 vụ việc PVTM đối với nhiều mặt hàng, gồm cả các mặt hàng xuất khẩu quan trọng như thủy sản (tôm, cá tra), sắt thép, nhôm, gỗ…
Trong số đó, Việt Nam đã kháng kiện thành công khoảng 43% vụ việc, đặc biệt là các mặt hàng như cá ba sa, tôm, tiếp tục được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU… với thuế suất bằng 0% hoặc ở mức rất thấp; khiếu kiện 5 vụ ra cơ quan giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong đó 3 vụ đã kết thúc với kết quả tích cực.
Ở chiều ngược lại, đến nay Việt Nam cũng đã điều tra 19 vụ việc PVTM và đang xử lý hồ sơ khởi kiện của nhiều ngành hàng khác. Các sản phẩm các nước đang bị Việt Nam điều tra, áp thuế tương đối đa dạng, từ nguyên vật liệu như sắt thép, kim loại, hóa chất, nhựa, phân bón cho đến hàng tiêu dùng như bột ngọt, đường.
Về vấn đề này, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, để giảm thiểu khả năng bị áp dụng biện pháp PVTM cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
"Bên cạnh việc chú trọng phát triển theo chiều sâu (tăng giá trị gia tăng trong nước), Việt Nam cũng cần theo dõi kỹ để cảnh báo sớm nếu như xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường gia tăng nhanh đột biến”, ông Dũng nói.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh rằng để khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới trong bối cảnh xu thế bảo hộ gia tăng, xung đột thương mại đang diễn biến phức tạp, các nước trên thế giới cũng đang tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước, các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, năng lực phòng vệ thương mại.
Cụ thể như, cần nghiên cứu rà soát và hoàn thiện pháp luật phòng vệ thương mại của Việt Nam đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng bộ, phù hợp và thống nhất với các cam kết quốc tế đồng thời đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, củng cố cơ chế phối hợp thống nhất, xuyên suốt xử lý các vụ việc PVTM giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương; giữa các cơ quan trong nước và ngoài nước; giữa các cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội; hoàn thiện việc kết nối cơ sở dữ liệu hải quan với cơ sở dữ liệu về PVTM để phục vụ công tác điều tra, áp dụng và ứng phó với các vụ việc PVTM…
Có thể bạn quan tâm
04:50, 28/09/2020
05:10, 14/08/2020
05:10, 27/07/2020