Những năm qua, tỉnh Thái Bình đã chủ động tham gia liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong đó chú trọng thúc đẩy thương mại, dịch vụ tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập.
>>>Thái Bình: Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp
Thêm cơ hội cho doanh nghiệp
Theo ông Trần Huy Quân – Giám đốc Sở Công thương Thái Bình: Những năm qua, kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình ngày càng phát triển toàn diện, trong đó thương mại, dịch vụ phát triển theo hướng văn minh hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp.
Hạ tầng giao thông được quan tâm đẩy mạnh đầu tư tạo điều kiện kết nối vùng miền, thúc đẩy lưu thông hàng hóa. Sản xuất công nghiệp của tỉnh đi theo hướng phát triển các ngành có công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu, lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng cao. Sản xuất nông nghiệp chú trọng đẩy mạnh sản xuất hữu cơ tạo nguồn hàng hóa, sản phẩm dồi dào, phong phú, đa dạng.
Thái Bình hiện có 64 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao, 25 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Các sản phẩm này đều có quy mô sản lượng khá, được sản xuất theo tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm, ISO, HACCP. Đây là những điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn của tỉnh.
Theo ông Đỗ Văn Vẻ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết: Năm 2022 vừa qua, các doanh nghiệp của tỉnh Thái Bình không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, quy mô, lĩnh vực hoạt động có chuyển biến phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Năm 2022, đã có 1.137 doanh nghiệp mới được thành lập, nâng tổng số doanh nghiệp hiện có lên 9.771 doanh nghiệp. Điều đáng nói, đây là năm đầu tiên vượt mốc 1.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ở địa bàn tỉnh.
Phân tích về sự phát triển nhanh về số lượng doanh nghiệp trong năm, ông Vẻ nhận định: Thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã chủ động tham gia liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng. Việc liên kết này sẽ tạo bước tiến mới trong việc thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển.
Theo ông Vẻ, liên kết vùng đồng bằng sông Hồng đã mang lại khả năng thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp tốt hơn, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, cơ hội kinh doanh gia tăng được xem là những nguyên nhân thôi thúc doanh nghiệp “nhập cuộc”.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng nâng cao trình độ quản lý, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, ngành nghề sản xuất kinh doanh và tạo được sự tăng trưởng ổn định và bền vững.
Trong năm 2022, cũng lần đầu tiên tỉnh Thái Bình có 3 doanh nghiệp đạt giải thưởng thương hiệu Quốc gia là: Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng, ThaiBinh Seed và Mikadom. Trong tổng thu ngân sách của tỉnh năm 2022 đạt 12,468 nghìn tỷ đồng thì số thu từ thuế và phí của các doanh nghiệp chiếm hơn 8,7 nghìn tỷ đồng.
Những đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Bình tiếp tục tăng trưởng hai con số với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9,52% so với năm 2021, đồng thời giải quyết hàng trăm nghìn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế-xã hội của địa phương.
Đánh thức những tiềm năng
Theo ông Trần Huy Quân – Giám đốc Sở Công thương: Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành, triển khai nhiều cơ chế chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ của tỉnh. Tiêu biểu phải kể đến đề án phát triển ngành công thương. Đề án đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Kế hoạch phát triển thương mại điện tử. Các chương trình khuyến công, khuyến thương đã hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đổi mới phương thức kinh doanh, kết nối cung cầu thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, Thái Bình đã tổ chức thành công hai hội nghị kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu của tỉnh năm 2022 và phát triển thị trường lúa gạo tỉnh năm 2023. Qua đó đã tập trung giới thiệu, kết nối các kênh phân phối trong tỉnh với các tập đoàn phân phối bán lẻ, trung tâm thương mại siêu thị, chợ đầu mối, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Chúng tôi tiếp tục làm việc với các nhà phân phối, doanh nghiệp đầu mối, sàn thương mại điện tử triển khai các biên bản hợp tác đã ký kết, liên kết đăng tải quảng bá sản phẩm trên các trang thông tin, website, sàn thương mại điện tử trong cả nước. Qua các chương trình kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh được biết đến trên giá kệ của chuỗi siêu thị thuộc các tập đoàn phân phối bán lẻ trong nước và nước ngoài, cũng như tiêu thụ tốt qua một số sàn thương mại điện tử.
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, Thái Bình chủ trương thực hiện công tác xúc tiến xuất khẩu gắn với các hoạt động xúc tiến đầu tư ngoài nước. Trong năm 2022, tỉnh đã tổ chức một số đoàn đi xúc tiến đầu tư và thương mại tại châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước khác; đã thu hút được một số doanh nghiệp về làm việc, tìm hiểu, ký MOU, đăng ký đầu tư tại Thái Bình.
Việc đa dạng và đổi mới các hình thức kết nối đã giúp các loại hình doanh nghiệp có cơ hội quảng bá, đồng thời nắm bắt kịp thời nhu cầu thị trường từ đó điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp, khai thác thị trường, mở đường cho việc đưa hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài và tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu. Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Thái Bình tăng 19,6%, kim ngạch xuất khẩu tăng 13,5%, kim ngạch nhập khẩu tăng 20,1%; xuất khẩu sang thị trường các nước mà Việt Nam đã ký các FTA chiếm từ 32-35%. Tuy nhiên công tác kết nối cung cầu vẫn còn bộc lộ một số hạn chế ảnh hưởng đến phát triển thương mại, dịch vụ.
Cụ thể, hoạt động sản xuất phần lớn có quy mô còn nhỏ, chưa xây dựng được vùng chuyên sản xuất có giá trị lớn, chưa thực sự gắn kết với thị trường, liên kết tiêu thụ chưa sâu và chưa hiệu quả. Một số cơ sở sản xuất còn chậm đổi mới hoàn thiện về nhãn mác, quy cách đóng gói, truy xuất nguồn gốc, thương hiệu sản phẩm; năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng chưa cao. Doanh nghiệp chưa đầu tư đúng mức cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, chưa xác định rõ thị trường chủ lực để tiếp cận, chiếm lĩnh. Bên cạnh đó, hạ tầng logistic, kho bảo quản hàng hóa, dịch vụ hoàn thiện đơn hàng chưa đáp ứng yêu cầu, quy mô và lực lượng kinh doanh của doanh nghiệp còn nhỏ.
Theo lãnh đạo Sở Công thương: Để nâng cao hiệu quả công tác kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, thực hiện liên kết vùng trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tăng cường giao lưu, trao đổi, hợp tác về thương mại, văn hóa giữa các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng và với các địa phương khác trong nước, quốc tế. Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử. Kết nối các nhà phân phối lớn với các doanh nghiệp để thúc đẩy trao đổi nguồn hàng, tạo điều kiện cho người tiêu dùng được trải nghiệm mua sắm sản phẩm đặc sản của các địa phương trong vùng. Sở chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu về sản phẩm chủ lực, sản phẩm truyền thống và các sản phẩm đặc trưng khác của tỉnh, cập nhật năng lực cung ứng, hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến mẫu mã, chất lượng, bao gói, xây dựng mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc, quảng bá thương hiệu sản phẩm.
Phối hợp chặt chẽ với các cục, vụ của Bộ Công Thương, cơ quan Thương vụ ở nước ngoài cung cấp thông tin, dự báo nhu cầu một số thị trường trọng điểm hỗ trợ sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng địa phương tham gia vào chuỗi phân phối nước ngoài. Thái Bình sẽ thu hút, kêu gọi các tập đoàn phân phối lớn đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh như hạ tầng logistics, kho bảo quản, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối; tăng cường thu mua và hỗ trợ sản phẩm địa phương tham gia vào chuỗi phân phối của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, chỉ đạo, hỗ trợ các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa của tỉnh chủ động xây dựng chính sách phân phối hàng hoá, xúc tiến bán hàng linh hoạt; tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại (FTA) để khai thác, mở rộng thị trường giúp doanh nghiệp phát triển và hội nhập thành công.
Có thể bạn quan tâm