Không được để giải phóng mặt bằng chậm trễ gây ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư vào KCN Liên Hà Thái.
>>>Thái Bình: Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư
Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Quang Hưng tại cuộc làm việc với Công ty CP Green i-Park liên quan đến tiến độ đầu tư hạ tầng KCN Liên Hà Thái.
Tập trung giải phóng mặt bằng
Được biết, KCN Liên Hà Thái có diện tích hơn 588ha, đã giải phóng được hơn 500ha. Công tác GPMB KCN Liên Hà Thái đang gặp một số khó khăn chủ yếu liên quan đến đất ở, đất doanh nghiệp, đất chuyển đổi và việc di chuyển các công trình trên đất. Hiện, huyện Thái Thụy đang tập trung cao độ, phấn đấu giải phóng nốt 80ha trong thời gian sớm nhất để bàn giao cho nhà đầu tư hạ tầng.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Quang Hưng cho biết, mặc dù diện tích GPMB còn lại không nhiều nhưng những vướng mắc hiện nay lại ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ đầu tư toàn bộ dự án và công tác thu hút đầu tư vào KCN Liên Hà Thái.
Do đó, ông Hưng đề nghị, UBND huyện Thái Thụy cần xây dựng đường găng tiến độ GPMB cho từng khu đất, từng lô đất, thậm chí từng thửa đất của từng hộ gia đình. Tiến hành phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, ngành, xã, thị trấn bám sát nhiệm vụ, tiến độ tổ chức thực hiện, không được để GPMB chậm trễ gây ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư. Sớm hoàn thiện hồ sơ để nhà đầu tư thi công hệ thống điện, Đồng thời, khẩn trương kiểm đếm, xây dựng phương án cưỡng chế theo quy định của pháp luật đối với diện tích của doanh nghiệp, hộ dân cố tình dây dưa, cản trở, không chấp hành GPMB. Trước mắt cần tập trung nhân lực ưu tiên tổ chức GPMB đối với toàn bộ diện tích đã và đang có nhà đầu tư nghiên cứu, đăng ký đầu tư vào KCN Liên Hà Thái theo đề nghị của Công ty Cổ phần Green i-Park càng sớm càng tốt.
Về phía Cổ phần Green i-Park, đại diện doanh nghiệp này khẳng định đã tích cực phối hợp với huyện Thái Thụy tổ chức đẩy nhanh tiến độ và thực hiện tốt chính sách GPMB, an sinh xã hội. Doanh nghiệp mong muốn có toàn bộ diện tích dự án để đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và kịp thời bàn giao đất cho các nhà đầu tư đã đăng ký đầu tư vào KCN Liên Hà Thái.
Điểm nhấn trong thu hút đầu tư
>>Thái Bình: Thương mại điện tử con đường để nông sản vượt qua đại dịch
>>TH và “mối lương duyên” với tỉnh Thái Bình
Dự án Khu công nghiệp – Đô thị – Dịch vụ Liên Hà Thái ( GREEN iP-1) nằm trong phạm vi quy hoạch chung xây dựng KKT Thái Bình đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt tại Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 28/10/2019. Dự án có tổng diện tích gần 600ha nằm trên địa bàn xã Thụy Liên và thị trấn Diêm Điền do Công ty Cổ phần GREEN-i-Park làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khoảng 3.885 tỷ đồng.
Theo quy hoạch, đây là KCN tổng hợp đa ngành, công nghiệp công nghệ cao. Các ngành nghề được ưu tiên thu hút đầu tư gồm điện, điện tử, công nghệ thông tin, phần mềm tin học, công nghiệp cơ khí, lắp ráp chế tạo máy, tự động hóa, công nghiệp ô tô, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ công nghiệp, công nghiệp chế biến, sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm đồ uống, dược phẩm, thực phẩm chức năng và sản xuất thiết bị y tế công nghệ cao. Đó là những ngành nghề sản xuất công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao và thân thiện với môi trường.
Hiện KCN Liên Hà Thái đã thu hút 4 nhà đầu tư thứ cấp, trong đó có 3 nhà đầu tư đang triển khai xây dựng nhà máy trên thực địa, gồm: Nhà máy Lotes Thái Thụy Việt Nam, nhà máy Ohsung Vina và dự án của Công ty TNHH quốc tế Nam Tài Thái Bình. Ba dự án này dự kiến trong năm nay sẽ xây dựng xong nhà xưởng chính thức đi vào sản xuất.
Ngay từ khi tiến hành xây dựng, KCN Liên Hà Thái đã được đánh giá là điểm sáng thu hút nhà đầu tư thứ cấp, bởi nhiều lợi thế như, nằm trên tuyến đường bộ ven biển là trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh, là đầu mối giao thông đối ngoại quan trọng của Khu kinh tế Thái Bình. Dự án còn nằm liền kề cảng Diêm Điền, gần sông Diêm Hộ, cách sân bay quốc tế Cát Bi, cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng) khoảng 40km, tạo thuận lợi về giao thông (đường bộ, đường thủy, đường hàng không), và dịch vụ logistics…
Ngay sau lễ công bố Quyết định thành lập, KCN Liên Hà Thái đã có nhiều nhà đầu tư thứ cấp nghiên cứu và quyết định đầu tư. Công ty CP Green i-Park cũng đã ký cho thuê 4 dự án (Công ty TNHH Greenworks Việt Nam; Công ty TNHH Lotes Việt Nam; Công ty TNHH Ohsung Vina và công ty TNHH Nam Tài Group) với tổng vốn đầu tư FDI 440 triệu USD bằng hơn nửa tổng vốn đầu tư FDI tại Thái Bình của 20 năm trước.
Theo tính toán của đơn vị tư vấn lập quy hoạch, hiệu quả đầu tư của dự án Liên Hà Thái, khi đi vào hoạt động, mỗi năm, sẽ đóng góp cho ngân sách của tỉnh trên 500 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 50.000 lao động địa phương.
KCN Liên Hà Thái là KCN đầu tiên được thành lập trong KKT và KCN này được tỉnh giao sứ mệnh tiên phong, đặt nền tảng cho việc thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Thái Bình.
Có thể bạn quan tâm
Thái Bình: Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư
00:24, 21/05/2022
Bất động sản Tiền Hải hưởng lợi gì từ chủ trương phát triển toàn diện KKT Thái Bình?
13:20, 20/05/2022
Thái Bình: Thương mại điện tử con đường để nông sản vượt qua đại dịch
00:42, 01/04/2022
TH và “mối lương duyên” với tỉnh Thái Bình
20:24, 23/02/2022
Thái Bình khởi công, động thổ liên tiếp 5 dự án
14:07, 18/02/2022
Nhiệt điện Thái Bình 2 đã thoát cảnh "án binh bất động"
03:56, 17/02/2022