Mới đây, “gã khổng lồ” thương mại điện tử của Mỹ đã thông báo họ sẽ xây dựng 10 trung tâm dữ liệu khu vực địa phương ở 6 quốc gia: Úc, Ấn Độ, New Zealand, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
>>>Amazon và toan tính sau thương vụ “bom tấn” MGM
Nikkei Asia mới đây cho biết, Amazon đang có kế hoạch bổ sung mạng lưới các trung tâm dữ liệu khổng lồ của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương bằng cách xây dựng các trung tâm dữ liệu địa phương.
Amazon Web Services (AWS), công ty con trong lĩnh vực điện toán đám mây của Amazon sẽ cung cấp cho khách hàng hàng loạt các giải pháp kỹ thuật số, chẳng hạn như lưu trữ và xử lý dữ liệu. AWS đang chạy đua để xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn, trị giá hàng tỷ USD ở châu Á.
Phil Davis, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản của AWS, cho biết, công ty của ông đã nhận ra một cơ hội mới: "Chúng tôi đang thấy nhiều quốc gia nhỏ hơn có thể không cần đến các trung tâm siêu dữ liệu. Họ cần các trung tâm dữ liệu địa phương hơn".
Trong khi đó, các trung tâm địa phương nhỏ hơn sẽ cho phép khách hàng của AWS có thể sử dụng các dịch vụ như: chơi game trong thời gian thực và phát video trực tiếp, cũng như các ứng dụng mới, bao gồm lái xe tự hành và thực tế ảo, trong toàn khu vực. Và bằng cách xây dựng nhiều trung tâm dữ liệu địa phương, AWS sẽ có thể củng cố vị thế của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thực tế cho thấy, kể từ khi đi tiên phong trong dịch vụ điện toán đám mây cách đây 16 năm, AWS đã phát triển và mang về nguồn lợi nhuận lớn cho Amazon khi chiếm hơn một nửa lợi nhuận ròng của Amazon trong những năm gần đây và riêng trong nửa đầu năm 2021 lĩnh vực này đã chiếm tới 52,6%.
Tuy nhiên, có thể kế hoạch “đông tiến” của Amazon sẽ gặp phải rào cản lớn nhất của họ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương khi mà một đối thủ nặng ký của họ trong khu vực, Alibaba cũng đang tìm cách mở rộng kinh doanh đám mây ra châu Á, cạnh tranh trực tiếp với các ông lớn phương Tây.
Gần đây, “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc cũng đang có kế hoạch mở các trung tâm dữ liệu đầu tiên tại Hàn Quốc và Thái Lan vào năm 2022, nhằm mục đích mở rộng hoạt động kinh doanh đám mây của mình ra nước ngoài. Và với động thái này, Alibaba đang tiến thêm một bước trong cuộc đối đầu trực diện với Amazon.
Mặc dù thị phần trên thế giới của Alibaba trong mảng đám mây còn khá khiêm tốn, nhưng họ được coi là doanh nghiệp số 1 ở Trung Quốc trong lĩnh vực này. Giờ đây, họ đang muốn mở rộng các trung tâm dữ liệu ra quốc tế, đặc biệt là sang các khu vực khác của châu Á, bao gồm Singapore, Philippines và Indonesia.
Các trung tâm dữ liệu mới của Alibaba có thể giúp các doanh nghiệp ở các quốc gia hoặc khu vực đó truy cập vào các dịch vụ đám mây của Alibaba cũng như giúp các công ty Trung Quốc mở rộng sự hiện diện của họ ở nước ngoài.
Điện toán đám mây đang được coi là động lực chính thúc đẩy lợi nhuận cho Alibaba trong dài hạn, mặc dù hiện tại chỉ chiếm khoảng 8% tổng doanh thu của họ ở thời điểm này. Thương mại điện tử mặc dù vẫn là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của đại gia công nghệ nhưng sự phát triển đã chậm lại trong những năm gần đây.
Hiện tại, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Alibaba là nhà cung cấp dịch vụ đám mây công cộng lớn nhất tính đến cuối năm 2020 với 19,2% thị phần, theo IDC. Trong khi Amazon chỉ đứng thứ hai với 10,5% thị phần. Có thể thấy, kế hoạch mở rộng của Amazon tại khu vực sẽ gặp không ít khó khăn với một rào cnr lớn mang tên Alibaba.
Có thể bạn quan tâm
OpenCommerce có khả năng thách thức Alibaba?
18:22, 01/03/2022
Alibaba “nhảy” vào thời trang “siêu nhanh”
05:08, 27/10/2021
Cổ phiếu Alibaba nếm “trái đắng”, đối thủ JD.com hái “quả ngọt”
04:45, 21/11/2021
Amazon và toan tính sau thương vụ “bom tấn” MGM
04:00, 19/03/2022
Amazon và Facebook: Những mảnh đời trái ngược…
04:29, 06/02/2022
Cách mua hàng trên Amazon hiệu quả, tiết kiệm chi phí
14:57, 01/01/2022