Thời gian qua, trong đầu tư, xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN) xuất hiện nhiều điểm tắc nghẽn như: Giải phóng mặt bằng, kế hoạch sử dụng đất muộn, thủ tục hành chính rườm rà…
>>Gỡ khó cho các cụm công nghiệp miền Trung
>>Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ cụm công nghiệp Cẩm Lệ
Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh đã thành lập được 44 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.642,96 ha. Tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 11.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, có 26 cụm công nghiệp đã thành lập đều chậm tiến độ so với đăng ký ban đầu và liên tục phải điều chỉnh tiến độ dự án.
Nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ được xác định thành các nhóm như: Có 14 cụm công nghiệp chậm tiến độ do Nhà nước; 8 cụm công nghiệp chậm tiến độ do cả Nhà nước và nhà đầu tư; 4 cụm công nghiệp chậm tiến độ do nhà đầu tư không triển khai, đang đề nghị lập hồ sơ thu hồi dự án. Việc triển khai các dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn chậm, hạ tầng một số cụm công nghiệp còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa có sẵn diện tích lớn và mặt bằng sạch để kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư gây khó khăn cho công tác phát triển kinh tế của các địa phương.
Điển hình như trên địa bàn huyện Triệu Sơn hiện có 2 CCN là CCN liên xã Dân Lý - Dân Lực - Dân Quyền và CCN Hợp Thắng đã thu hút được nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, hiện tiến độ thực hiện đầu tư của 2 CCN này đang được đánh giá chậm do các dự án chưa hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa làm cơ sở thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào CCN.
Theo ông Lê Phú Quốc, phó Chủ tịch huyện Triệu Sơn cho biết: “Lãnh đạo huyện đang tích cực đối thoại với các nhà đầu tư, giải quyết dứt điểm và kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư. Đồng thời, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách và các quy định của Nhà nước, của tỉnh để tập trung thực hiện bồi thường GPMB các dự án, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các CCN. Đối với những vấn đề ngoài thẩm quyền, huyện đang tích cực phối hợp với doanh nghiệp có đề xuất, kiến nghị gửi lên cấp trên”.
>>Nam Định: Nhiều giải pháp thu hút đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp
Hay tại cụm công nghiệp Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc đang được Công ty TNHH BNB Hà Nội đầu tư hạ tầng giai đoạn 1, với diện tích 12,7 ha, đạt khoảng 30% kế hoạch. Hiện cụm công nghiệp này đang GPMB để đầu tư xây dựng giai đoạn 2. Tuy nhiên, hiện còn một số diện tích chưa GPMB được do hộ dân chưa đồng thuận về giá bồi thường. Công ty TNHH BNB Hà Nội kiến nghị UBND huyện Vĩnh Lộc quan tâm hoàn thành diện tích GPMB.
Theo một lãnh đạo Công ty TNHH BNB Hà Nội chia sẻ: “Việc chưa có mặt bằng sạch để triển khai dự án đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ đầu tư toàn bộ dự án và công tác thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp. Phía công ty đã luôn phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền tổ chức đẩy nhanh tiến độ và thực hiện tốt chính sách giải phóng mặt bằng, an sinh xã hội. Công ty mong muốn sớm có đủ diện tích mặt bằng toàn bộ dự án để đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật”.
Những nguyên nhân trên đã khiến các cụm công nghiệp chậm tiến độ đã và đang để lại nhiều hệ lụy. Đó là hiệu quả sử dụng đất không cao, nhà đầu tư thứ cấp quay lưng, việc chậm triển khai dự án tại các cụm công nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư mà chính người dân trong phạm vi dự án đó cũng bị ảnh hưởng rõ rệt, đặc biệt là cơ hội việc làm trôi qua từng ngày đối với các lao động địa phương.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án các cụm công nghiệp, UBND tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Cụ thể, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu chủ đầu tư: Tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ để hoàn - thiện thủ tục đầu tư thực hiện dự án và tổ chức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; ký cam kết giữa chủ đầu tư với UBND cấp huyện về tiến độ bố trí vốn đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng, lãm rõ trách nhiệm của mỗi bên nếu không thực hiện cam kết; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thu hút dự án thứ cấp đầu tư vào cụm công nghiệp.
Giao UBND cấp huyện chỉ đạo ban giải phóng mặt bằng huyện hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng diện tích cụm công nghiệp; hỗ trợ các chủ đầu tư trong quá trình lập hồ sơ thuê đất với nhà nước; hỗ trợ các chủ đầu tư trong đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp khi có yêu cầu; tăng cường hỗ trợ các chủ đầu tư thu hút dự án thứ cấp đầu tư vào cụm.
UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Công Thương làm đầu mối theo dõi tiến độ của từng cụm công nghiệp đã được thành lập; trong đó lập biểu chi tiết từng nội dung công việc yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành (kể từ ngày thành lập đến khi nghiệm thu, đủ điều kiện thu hút nhà đầu tư thứ cấp) để đưa cụm công nghiệp đi vào hoạt động; trên cơ sở đó, hàng quý tổ chức đánh giá trách nhiệm của từng chủ đầu tư, UBND cấp huyện, các sở, ngành có liên quan trong công tác phối hợp thực hiện dự án; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, có ý kiến chỉ đạo; phối hợp với các ngành tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, chấm dứt hiệu lực đối với các cụm công nghiệp chậm tiến độ mà nguyên nhân cơ bản do chủ đầu tư không đủ năng lực hoặc không tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp.
>>Quảng Nam: Chấm dứt ủy quyền thanh tra cụm công nghiệp ở cấp huyện
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao các sở, ban, ngành tăng cường hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp thu hút dự án thứ cấp đầu tư vào cụm; Sở Tài nguyên và Môi trường sau khi nhận được Hồ sơ đề nghị thuê đất còn lại của chủ đầu tư cụm công nghiệp tham mưu, giải quyết thủ tục thuê đất trình UBND tỉnh; Sở Giao thông vận tải hỗ trợ các chủ đầu tư hoàn chỉnh thủ tục đấu nối giao thông khi có yêu cầu.
Rà soát loại hiện trạng, quy hoạch để báo cáo UBND tỉnh đưa ra khỏi quy hoạch những cụm công nghiệp không đủ điều kiện để thành lập chuyển thành khu sản xuất kinh doanh để thu hút đầu tư. Giao các sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện công tác quản lý cụm công nghiệp theo quy định.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Thanh Hóa, tiến độ đầu tư hạ tầng tại các cụm công nghiệp của tỉnh này sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới, từ đó thu hút nhiều nhà đầu tư thứ cấp, tạo nhiều việc làm cho lao động, làm đòn bẩy cho kinh tế địa phương phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Thanh Hóa: Gỡ điểm nghẽn giúp cụm công nghiệp đẩy nhanh tiến độ
10:37, 26/10/2023
Thanh Hóa: Tháo gỡ những "điểm nghẽn" trong chuyển đổi số
13:42, 19/10/2023
Thanh Hóa: Khai trương cổng dữ liệu mở và ra mắt app Thanh Hóa - S
12:09, 19/10/2023
Doanh nhân Thanh Hóa, xứng đáng lực lượng xung kích trên mặt trận kinh tế
08:00, 13/10/2023