Năm 2021 Thanh Hóa đã thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát, khống chế dịch COVID-19 vừa đưa tốc độ tăng trưởng GRDP đứng thứ 5 cả nước.
Theo ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, năm 2021, Thanh Hóa vẫn giữ được mức tăng trưởng kinh tế cao, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 8,85%, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,58%; công nghiệp - xây dựng tăng 15,66%; dịch vụ tăng 3,59%; thuế sản phẩm tăng 2,32%.
20/25 chỉ tiêu chủ yếu được HĐND tỉnh Thanh Hóa quyết nghị đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng vượt xa so với kế hoạch và đạt cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 36.500 tỷ đồng, vượt 37,4% so với dự toán; xuất khẩu ước đạt 5,3 tỷ USD, vượt 33,5% kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư công đạt 8.368,8 tỷ đồng bằng 91% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ nhiều năm gần đây, trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước. Năm 2021, Thanh Hóa thành lập mới hơn 3.600 doanh nghiệp, vượt 20% kế hoạch, đứng thứ 4 cả nước...
Hoạt động sản xuất công nghiệp cơ bản thích ứng an toàn, linh hoạt với diễn biến dịch COVID-19, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2021; chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 ước tăng 16,93% so với cùng kỳ. Các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề, song hoạt động thương mại vẫn duy trì ổn định, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 11,7%, doanh thu vận tải tăng 14,6%.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, để thực hiện thắng lợi 25 chỉ tiêu chủ yếu năm 2022 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đặc biệt là chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11,5% trở lên, ngoài chống dịch COVID-19, cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Trước tiên, Thanh Hóa cần xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế phù hợp với lộ trình kiểm soát dịch COVID-19, trọng tâm là khuyến khích phát triển các ngành, lĩnh vực mới thích ứng tốt với dịch bệnh; đồng thời khẩn trương phục hồi ngành du lịch, dịch vụ và các ngành sản xuất chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
Khẩn trương phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương để được hướng dẫn triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13-11-2021 của Quốc hội để sớm phát huy hiệu quả của các chính sách trong thời gian nhanh nhất, tạo xung lực mới cho phát triển của tỉnh. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy hoạch theo hướng đồng bộ, đảm bảo mối liên kết trong nội bộ vùng, giữa các vùng trong tỉnh và với các tỉnh lân cận.
Tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong lĩnh vực công nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, lấy phát triển theo chiều sâu làm định hướng cơ bản với các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành sử dụng công nghệ cao làm đột phá cho phát triển. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung thu hút, hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, để sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, tạo thương hiệu lớn trên thị trường sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, trọng điểm là các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, ứng dụng hiệu quả công nghệ số và chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh.
Thanh Hóa cần nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, trọng tâm là tập trung rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, mẫu hóa các thành phần hồ sơ, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo thuận lợi nhất cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các nguồn lực đất đai, tài chính, nhân lực. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư; ưu tiên dành các vị trí thuận lợi về hạ tầng kết nối, lợi thế thương mại, bố trí đủ nguồn lực thực hiện giải phóng mặt bằng và các điều kiện cần thiết để thu hút các dự án quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ, phát triển các ngành kinh tế số, xã hội số và chính quyền số, tạo nền tảng số vững chắc cho tỉnh phát triển. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với những tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, để ngành, địa phương, đơn vị trì trệ, thực hiện nhiệm vụ kém hiệu quả; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; quan tâm công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo.
Tỉnh cũng cần huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tạo đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, tập trung vào các lĩnh vực như: hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông và một số công trình hạ tầng quan trọng khác... Tập trung giải quyết các nút thắt trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư có sử dụng đất; rà soát, hoàn thiện các quy định, cơ chế, chính sách về đất đai, bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước và doanh nghiệp thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án, bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch, hài hòa giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp… chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời gia đình người bị nạn trong vụ cháy nhà dân tại Thanh Hóa
21:07, 28/12/2021
Ban Giải phóng mặt bằng TP.Thanh Hóa chi sai gần 56 tỷ đồng
00:06, 28/12/2021
Sở Y tế Thanh Hóa chi bao nhiêu tiền mua kít xét nghiệm của Việt Á?
07:39, 23/12/2021
Thanh Hóa: Xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường cho các sản phẩm tre, luồng
12:09, 18/12/2021