Trong quá trình triển khai hoạt động thanh toán không tiền mặt, Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, TP cũng gặp một số khó khăn, đặc biệt vấn đề bảo mật, an toàn cho người dùng...
>>>Ngày không tiền mặt năm 2024 - Thúc đẩy thanh toán an toàn, bảo mật
Phát biểu tại Hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt", ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết "Ngày không tiền mặt" đã góp phần thúc đẩy Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt của Thành phố.
Tại TP.HCM, với vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, Thành phố đang hướng đến mục tiêu dẫn đầu cả nước về giao dịch không tiền mặt. TP.HCM xác định giao dịch không tiền mặt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành. Và từ năm 2020 đến nay, TP đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp để thúc đẩy hoạt động này, Lãnh đạo TP.HCM phát biểu tại hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt" do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước ), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Napas, Sở Công thương TP.HCM và các đơn vị liên quan tổ chức.
Ông Dũng cho biết, đến nay, 100% bệnh viện công của thành phố đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Trong lĩnh vực thương mại, 3 chợ đầu mối, 222 chợ truyền thống, 237 siêu thị, 48 trung tâm thương mại tại thành phố đều tham gia thanh toán không tiền mặt. Trong cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tỷ lệ đã đạt trên 30%, góp phần phổ biến thanh toán không tiền mặt.
>>>3 xu hướng nổi trội định hình tương lai thanh toán tại Việt Nam
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Dũng cũng thừa nhận trong quá trình triển khai hoạt động thanh toán không tiền mặt, thành phố cũng gặp một số khó khăn, đặc biệt vấn đề bảo mật, an toàn cho người dùng là một trở ngại khiến người dân chưa mạnh dạn sử dụng.
Thanh toán không tiền mặt là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện chủ đề 2024 của TP.HCM là thực hiện hiệu qủa chuyển đổi số và Nghị quyết 98.
Tại hội thảo, lãnh đạo TP.HCM cũng nêu một số biện pháp để vừa đảm tăng trưởng các giao dịch không tiền mặt vừa hạn chế rủi ro, nâng cao nhận thức về bảo mật, an toàn cho người dân.
Thứ nhất, Thành phố sẽ tiếp tục bổ sung hoàn thiện các cơ sở pháp lý để triển khai, cập nhật các vấn đề phát sinh để bổ sung, hoàn thiện các giao dịch không tiền mặt đồng bộ, thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật, thực tiễn và xu hướng phát triển trên thế giới. Cùng với đó, hoàn thiện trách nhiệm các bên liên quan trong giao dịch không tiền mặt.
Thứ hai, đầu tư phát triển hạ tầng, giải pháp thanh toán điện tử hiện đại, bảo mật, tạo điều kiện phổ cập các hình thức thanh toán điện tử, thanh toán không tiền mặt đến các hộ kinh doanh, cửa hàng trên địa bàn. Phát triển các dịch vụ thanh toán đa dạng, mã hoá dữ liệu, phân tích những rủi ro để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Thứ ba, đưa yêu cầu giao dịch, thanh toán không tiền mặt là một nhóm giải pháp bắt buộc trong các sự kiện, lễ hội. Trong đó, đưa thanh toán không tiền mặt thành tiêu chí để triển khai phát triển Đề án Phát triển kinh tế ban đêm.
Thứ 4, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục. Các sở, ban, ngành thành phố, phối hợp với Báo, đài, tăng cường tuyên truyền, giáo dục về giao dịch không tiến mặt cho người dân, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích và an toàn của giao dịch không tiền mặt;
Hướng dẫn người dân cách sử dụng các dịch vụ giao dịch không tiến mặt một cách an toàn, phòng ngừa các rủi ro mất an toàn trong giao dịch. Chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành để hình thành hệ sinh thái số, phục vụ thanh toán thông minh trên địa bàn Thành phố.
Tại hội thảo, ông Lê Thế Chữ - Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ - chia sẻ, cách đây 6 năm, lần đầu tiên tổ chức chương trình Ngày không tiền mặt, việc người dân không mang tiền mặt khi đi chợ, sử dụng dịch vụ công, ăn ở quán bình dân… hầu hết chỉ đơn giản là do... quên ví. Việc chuyển khoản, thanh toán không tiền mặt lúc đó còn ít và khá xa lạ.
Ông cũng cho rằng cùng với sự phát triển nhanh chóng của thanh toán không tiền mặt là những chiêu lừa đảo, chiếm đoạt tiền ngày càng tinh vi, ăn theo những tiện ích của không tiền mặt. Số tiền thiệt hại từ chỗ chỉ vài triệu, nay nhiều vụ đã lên đến cả trăm tỷ đồng.
Do đó, cùng với việc ủng hộ thanh toán không tiền mặt thì mong muốn giảm thiểu rủi ro, đảm bảo tốt hơn an ninh, an toàn khi người dân kích hoạt phương thức thanh toán không tiền mặt sau mở tài khoản đang là nhu cầu thực tế. Chính vì vậy, ban tổ chức đã quyết định chọn chủ đề chương trình Ngày không tiền mặt 2024 là “Thúc đẩy phát triển giao dịch không tiền mặt an toàn.”
Chương trình bao gồm nhiều hoạt động khác nhau như: hội thảo, lễ hội không tiền mặt, cuộc thi hiến kế giao dịch an toàn, livestream bán hàng không tiền mặt, tháng khuyến mại tập trung không tiền mặt, tập huấn giao dịch không tiền mặt an toàn cho công nhân, tiểu thương, đi bộ hưởng ứng ngày không tiền mặt... Tư vấn cho học sinh - sinh viên các kỹ năng về quản lý chi tiêu, kiểm soát tiền, đầu tư tài chính, các mini game thử thách quản lý tài chính…
Tại Lễ hội Ngày không tiền mặt, chương trình workshop “Hiểu biết về tiền” cũng sẽ được tổ chức vào lúc 9g00 ngày 15/6/2024 tại sân khấu Phố đi bộ Nguyễn Huệ. Điều đặc biệt của chương trình là sự xuất hiện, giao lưu, chia sẻ của 2 nhân vật rất nổi tiếng và được giới trẻ vô cùng yêu thích là Lọ Lem và Hạt Dẻ - 2 con gái MC Quyền Linh. Chương trình còn có sự xuất hiện họa sỹ Thăng Fly - người minh họa tranh cho cuốn sách best-seller của Nhà Xuất bản Kim đồng "Khéo khôn với tiền-Tránh những ưu phiền" của tác giả Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN.
Tất cả hoạt động nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động giao dịch, thanh toán không tiền mặt của người dân vừa tiện lợi vừa an toàn.
Có thể bạn quan tâm