Tháo điểm nghẽn pháp lý bất động sản

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến - Trường Đại học Luật Hà Nội 28/09/2023 10:00

Có hai vấn đề cơ bản được nhận diện là rào cản cho sự phát triển của thị trường BĐS là điểm nghẽn về vốn và điểm nghẽn về cơ chế pháp lý.

 Dự thảo Luật Đất đai năm 2013 đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất; xây dựng hệ thống thông tin thị trường BĐS gắn với thông tin đất đai. Ảnh: Q.N

Dự thảo Luật Đất đai năm 2013 đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất; xây dựng hệ thống thông tin thị trường BĐS gắn với thông tin đất đai. Ảnh: Q.N

Về pháp lý, những sửa đổi, bổ sung của Dự thảo Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi) sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS.

Thứ nhất, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có những bổ sung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở 03 cấp: Cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện. Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đảm bảo tính thống nhất, tương thích, đồng bộ. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thứ hai, Dự thảo khẳng định nguyên tắc thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm và quy định cụ thể các trường hợp thuê đất trả tiền một lần phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định. Quy định điều kiện giao đất, cho thuê đất, hạn mức sử dụng đối với các tổ chức tôn giáo phù hợp với quỹ đất hiện có của địa phương.

Thứ ba, quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng. Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư.

Thứ tư, quy định cụ thể việc khai thác hiệu quả quỹ đất phụ cận để phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển KT-XH và các cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai, chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn. Dự thảo bỏ quy định về khung giá đất; quy định cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (HĐND cấp tỉnh) trong việc xây dựng bảng giá đất; bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch.

Thứ năm, Dự thảo tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch. Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất.

Thứ sáu, Dự thảo tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường BĐS, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất. Đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất; xác lập yêu cầu xây dựng hệ thống thông tin thị trường BĐS gắn với thông tin đất đai; thực hiện đăng kí bắt buộc về quyền sử dụng đất và đăng kí biến động đất đai, có chế tài cụ thể, đồng bộ ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng kí tại cơ quan nhà nước; mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Thứ bảy, đặc biệt, trong quản lí tài chính về đất đai và giá đất, quán triệt tinh thần Nghị quyết số 18, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bỏ khung giá đất của Chính phủ, đồng thời, Điều 153 quy định cụ thể nguyên tắc định giá đất: (1) Theo mục đích sử dụng đất định giá; (2) Theo thời hạn sử dụng đất và các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất; (3) Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường; (4) Tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất theo quy định của pháp luật.

Thứ tám, Dự thảo bổ sung quy định về điều tiết nguồn thu từ đất của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về ngân sách trung ương để hỗ trợ cho phát triển; quy định UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương quy định mức điều tiết để hỗ trợ cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi và cho người có đất bị thu hồi (Điều 148).

Thứ chín, Dự thảo bổ sung quy định người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi (Điều 172). Quy định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp theo hướng quy định về nguyên tắc, điều kiện, hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, Nhà nước có chính sách khuyến khích tập trung đất để ứng dụng khoa học, công nghệ sản xuất nông nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Bất động sản chuyển nhượng không dành cho nhà đầu tư “tay mơ”

    Bất động sản chuyển nhượng không dành cho nhà đầu tư “tay mơ”

    04:34, 27/09/2023

  • Doanh nghiệp bất động sản vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng

    Doanh nghiệp bất động sản vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng

    01:20, 27/09/2023

  • Sửa Luật Kinh doanh bất động sản: Có nên thể chế hóa condotel?

    Sửa Luật Kinh doanh bất động sản: Có nên thể chế hóa condotel?

    04:00, 26/09/2023

  • Sở hữu bất động sản theo nhu cầu thật bằng dự án giá trị thật

    Sở hữu bất động sản theo nhu cầu thật bằng dự án giá trị thật

    14:14, 25/09/2023

  • Thị trường bất động sản mới phục hồi khoảng 30%

    Thị trường bất động sản mới phục hồi khoảng 30%

    05:00, 25/09/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tháo điểm nghẽn pháp lý bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO