Chiều 31/10, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có phần trả lời chất vấn liên quan đến định giá đất đai trong cổ phần hóa DNNN.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng
Có thể bạn quan tâm
13:59, 07/04/2018
01:00, 24/01/2018
05:30, 11/01/2018
16:58, 02/06/2017
14:48, 16/11/2016
15:23, 11/02/2016
Trả lời đại biểu Quách Thế Tản (đoàn Hòa Bình) về định giá đất đai trong cổ phần hóa DNNN, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: "Việc quản lý đất đai doanh nghiệp ở địa phương thuộc về tỉnh, thực tế nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách đất đai của Nhà nước, không thu hồi và không thực hiện đấu giá theo quy định Luật Đất đai".
Trước năm 2011, đất thuê phải tính giá trị, vị trí, giá thuế. Từ năm 2013, tính tiền thuê đất theo sát giá trị thị trường, doanh nghiệp phải nộp ngân sách phần chênh lệch. Từ đầu năm 2018, giá trị đất của doanh nghiệp nhà nước trước cổ phần hoá phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp chuyển đổi mục đích phải thu hồi đấu giá theo quy định.
Ông Dũng khẳng định: “Việc quản lý chặt chẽ về đất đai trong quá trình cổ phần hóa thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh”.
Liên quan đến việc một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa, lợi dụng việc di dời cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không qua đấu giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận việc vừa qua có một số trường hợp không đấu giá, khiến dư luận tâm tư.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 126, khi chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần, phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa phải được xem xét trước thời điểm cổ phần hóa.
Sau khi cổ phần hóa, đất phải được sử dụng đúng theo phương án đã phê duyệt. Nếu doanh nghiệp chuyển đổi phải thu hồi và đấu giá theo quy định. Việc quản lý đất đai của doanh nghiệp trước và sau cổ phần hóa rất hệ trọng. Dù doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp Nhà nước hay thành phần khác khi chuyển đổi vẫn phải thu hồi đấu giá.
Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: Việc quản lý đất đai không ảnh hưởng đến cổ phần hóa doanh nghiệp. "Nghị định 126 đã nêu rất rõ địa phương nơi doanh nghiệp cổ phần hóa phải phê duyệt phương án sử dụng đất. Một số doanh nghiệp sử dụng đất đai ở nhiều địa phương nên còn gây ra những khó khăn. Do đó cần phải có sự vào cuộc của các cấp, cấp ngành". - ông Dũng nói.
Liên quan đến vấn đề quản lý đất đai, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cũng đặt câu hỏi chất vấn việc quá nhiều văn bản pháp luật liên quan đến đất đai gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thông tin, hiện nay số văn bản của ngành TNMT là khoảng 600, trong đó riêng đất đai có trên 60 văn bản đã ban hành dựa theo quy định của luật, sau đó là các nghị định, thông tin.
"Việc ban hành theo từng nội dung, từng giai đoạn là cần thiết để áp dụng các văn bản pháp luật". - ông Hà nói và cho biết, thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp, in ấn, xuất bản để người dân, doanh nghiệp được tiếp cận văn bản mới. Cùng với đó, bộ này cũng sẽ xây dựng phần mềm tra cứu để tiện phục vụ doanh nghiệp, người dân.
Theo người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, về lâu dài, các văn bản ổn định thì phải hệ thống hóa, liên ngành với cả các lĩnh vực khác nữa. Do đó, chúng ta sẽ xây dựng Bộ Luật đất đai có liên quan đến đất đai về dễ dàng tra cứu sau này.