Thay đổi tư duy “đại bàng, chim sẻ” trong thu hút FDI

Diendandoanhnghiep.vn Vấn đề quan trọng hiện nay khi chọn nhà đầu tư nước ngoài là không cần quá chú trọng đến câu chuyện “đại bàng hay chim sẻ”.

>>Nhiều "ông lớn" FDI chọn Việt Nam là thị trường trọng điểm

Điều chúng ta cần là họ phải tạo ra được sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước để doanh nghiệp trong nước lớn mạnh lên.

GS. TS Hoàng Văn Cường Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.

GS. TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.

GS. TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội chia sẻ với DĐDN về việc 205 doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc đến Việt Nam.

- Ông bình luận như thế nào khi có hàng loạt “ông lớn” như Samsung, Hyundai và hơn 200 doanh nghiệp Hàn Quốc đến Việt Nam?

Thị phần đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đang được đánh giá là cao nhất trong các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này thể hiện sự thích ứng giữa hoạt động sản xuất và quản trị của Hàn Quốc với nguồn nhân lực, môi trường đầu tư, thị trường của Việt Nam. Đây là cơ sở cho sự dịch chuyển dòng vốn FDI của Hàn Quốc sang Việt Nam ngày càng nhiều hơn.

Tuy nhiên, việc thu hút FDI vào Việt Nam không chỉ để giải quyết vấn đề việc làm. Mặc dù, trước đây chúng ta cần vốn và đang dư thừa lao động nên mong muốn có nhiều nhà đầu tư vào để sử dụng lao động.

Nhưng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Việt Nam đang thay đổi dần mô hình tăng trưởng theo hướng tạo ra giá trị gia tăng cao. Do đó, việc thu hút FDI không còn dừng lại ở việc sử dụng nhiều lao động, mà hướng đến chuyển giao công nghệ, những ngành đòi hỏi có kỹ thuật công nghệ tiên tiến, hiện đại chất lượng lao động có trình độ cao và sử dụng lao động Việt Nam.

Đồng thời, phải kéo theo các doanh nghiệp hỗ trợ đi kèm để tạo ra sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, nhằm tạo nên chuỗi giá trị.

Về lâu dài, khi doanh nghiệp trong nước tiếp cận được các khâu sản xuất trong chuỗi giá trị đó, thì sẽ dịch chuyển công nghệ sản xuất từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước để tạo ra sự lớn mạnh của doanh nghiệp trong nước. Đây là yêu cầu đặt ra cho việc thu hút đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

- Đánh giá về việc chọn lọc đầu tư FDI, có ý kiến chuyên gia cho rằng tư duy “đại bàng, chim sẻ” đôi khi không còn đúng. Điều cần quan tâm là trong thu hút FDI chúng ta chưa đạt được mục tiêu lan tỏa đầu tư tới khu vực doanh nghiệp trong nước. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Như tôi đã nói, trước đây chúng ta thu hút FDI với mục tiêu giải quyết việc làm, sử dụng nhiều lao động. Còn hiện nay thu hút FDI để tái cấu trúc lại tăng trưởng cho nền kinh tế.

Tất nhiên, chúng ta không thể “ngay lập tức” tái cấu trúc mà vẫn phải thông qua một số các nhà đầu tư lớn nước ngoài. Trước hết, các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam phải có khả năng liên kết với doanh nghiệp trong nước để tạo nên chuỗi giá trị.

Các doanh nghiệp trong nước phải đóng vai trò là những doanh nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI. Còn nếu các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam nhưng “đảm nhận” trọn vẹn tất cả các khâu, từ sản xuất chính cho đến công nghiệp hỗ trợ thì khi đó vai trò lan toả của đầu tư nước ngoài sẽ không còn. Đặc biệt, sẽ không giúp doanh nghiệp trong nước đón nhận được sự chuyển giao công nghệ cho sản xuất trong nước.

Như vậy, vấn đề quan trọng hiện nay khi chọn nhà đầu tư nước ngoài là không cần quá chú trọng đến câu chuyện “đại bàng hay chim sẻ”. Điều chúng ta cần là họ phải tạo ra được sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước để doanh nghiệp trong nước lớn mạnh lên.

Muốn như vậy thì không thể thu hút các doanh nghiệp FDI sản xuất gia công, vì sẽ không có công nghệ cao và không thể chuyển giao cho các doanh nghiệp trong nước. Chỉ có những doanh nghiệp FDI sản xuất khâu cốt lõi công nghệ cao thì mới có thể đưa doanh nghiệp trong nước trở thành “vệ tinh” sản xuất các khâu phụ trợ, và chuyển giao dần công nghệ sang cho doanh nghiệp trong nước.

>>ESG - điều kiện thu hút FDI chất lượng cao

>>Sửa đổi chính sách ưu đãi đón vốn FDI mới

- Cũng có ý kiến cho rằng, trong thu hút đầu tư FDI hiện nay chúng ta mới chỉ nhìn vào dòng vốn đầu tư và quá “rộng rãi” trong cấp phép các dự án 100% vốn đầu tư FDI. Đây là một kẽ hở lớn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư FDI “đi xe miễn phí” vào Việt Nam, thưa ông?

“Tiêu chuẩn” thu hút FDI trước đây của Việt Nam khá đơn giản, vì chúng ta đang cần vốn, muốn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Nhưng hiện nay chúng ta đang thu hút FDI thế hệ mới, cho nên vấn đề vốn và việc làm không còn là “trọng tâm”.

Điều chúng ta cần ở các doanh nghiệp FDI lúc này là tạo ra được công nghệ cốt lõi và phải có khả năng liên kết và lan toả được với các doanh nghiệp trong nước. Nếu doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam nhưng không chỉ ra được phương án sản xuất cái gì, các doanh nghiệp trong nước sẽ liên kết như thế nào thì sẽ không đạt “tiêu chuẩn” và cũng không phải là tiêu chí để chúng ta thu hút đầu tư.

- Ông có đề xuất gì về chiến lược thu hút FDI thế hệ mới?

Chúng ta đã có chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, và qua tổng kết thu hút FDI giai đoạn cũ thì nhận thấy, Việt Nam chỉ đứng vai trò làm gia công. Việc này có thể đưa Việt Nam rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình.

Năng suất lao động của Việt Nam thấp không phải do người Việt Nam thiếu chăm chỉ, không có kỹ năng lao động cao. Điều cơ bản là Việt Nam đang nằm ở khâu sản xuất gia công có giá trị thấp cho doanh nghiệp nước ngoài.

Chính vì vậy, chiến lược thu hút FDI thế hệ mới với tiêu chí hàng đầu là công nghệ. Doanh nghiệp FDI nào có công nghệ cốt lõi, có khả năng tạo ra sự liên kết, lan toả cho các doanh nghiệp trong nước thì sẽ là tiêu chí để được lựa chọn.

Thu hút FDI ngày nay cũng khác trước là không “ngồi chờ” mà chủ động đi tìm nhà đầu tư có khả năng đáp ứng được yêu cầu công nghệ và có thể chuyển giao cho doanh nghiệp trong nước.

Nếu chỉ biết “chờ đợi” doanh nghiệp FDI tự tìm đến thì có thể gặp được doanh nghiệp tốt, nhưng cũng có thể gặp phải doanh nghiệp không có chỗ “trú chân” nên “trôi dạt” đến. Khi đó, vừa mất công đón tiếp thậm chí còn thu hút “nhầm”.

- Trân trọng cảm ơn ông!

 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Thay đổi tư duy “đại bàng, chim sẻ” trong thu hút FDI tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1715632748 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1715632748 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10