Đến nay, vẫn còn nhiều hạn chế trong thu hút đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn FDI vào các khu kinh tế ven biển miền Trung khiến đóng góp của các đơn vị vẫn chưa như kỳ vọng.
>>Nghệ An tạo thêm “điểm nhấn” tại Khu kinh tế Đông Nam
Vùng ven biển miền Trung trải dài trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận với bờ biển dài gần 2.000 km, đang có 11 khu kinh tế (KKT) vùng biển và ven biển. Thống kê thời gian qua, các KKT ven biển đã thu hút 254 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 42 tỷ USD và 1.079 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 805,2 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá hoạt động của các KKT ven biển miền Trung thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Cùng với đó, công tác thu hút đầu tư, đặc biệt đầu tư nước ngoài và đóng góp của KKT ven biển miền Trung vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và vùng còn khiêm tốn, chưa tương xứng với quy mô, tiềm năng và lợi thế.
Các chuyên gia cũng cho rằng phần lớn các KKT ven biển miền Trung chưa có được các dự án đầu tư hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật mang tính động lực thúc đẩy sự phát triển của KKT. Bên cạnh đó, liên kết phát triển giữa các địa phương còn hạn chế, thiếu tầm nhìn và cơ chế điều phối chung ngay từ bước quy hoạch phát triển đồng thời thiếu đi “nhạc trưởng” chỉ huy chung, thay vì liên kết lại có xu hướng cạnh tranh xung đột nhau.
Tại Hội thảo khoa học “Đầu tư vào các khu kinh tế ven biển miền Trung” tổ chức ngày 29/11, PGS.TS Bùi Quang Bình – Trường Đại học kinh tế Đà Nẵng cho rằng các KKT ven biển đã và đang trở thành nơi thí điểm vận dụng sáng kiến về cơ chế chính sách phát triển cho các địa phương. Vị này cũng đánh giá quy mô hoạt động kinh tế của các KKT ven biển lớn mạnh và đang khẳng định vị trí trong nền kinh tế của Vùng.
“Các khu kinh tế ven biển đã và đang trở thành trung tâm quy tụ, tập trung nguồn lực và các yếu tố sản xuất của các địa phương như vốn đầu tư bao gồm cả FDI, số lượng lao động có tay nghề, trung tâm và động lực cho các địa phương và có nhiều thành tựu nhất định,… Tuy nhiên, hoạt động thu hút đầu tư của các khu kinh tế ven biển Việt Nam và khu vực miền Trung nói riêng còn những tồn tại, hạn chế”, PGS.TS Bùi Quang Bình nói.
Nhìn nhận về hoạt động của các KKT ven biển hiện nay, TS. Hoàng Hồng Hiệp - Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ cho biết khung thể chế và mô hình phát triển KKT ven biển còn chưa hoàn thiện. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng bên trong và bên ngoài KKT vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, tính kết nối giữa các KKT ven biển với các trung tâm kinh tế Vùng còn nhiều hạn chế.
Vị này cũng cho rằng các KKT đang nặng về thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp, lĩnh vực dịch vụ và đô thị hóa còn chậm phát triển. Hiện tại, các dự án đầu tư vào các KKT ven biển miền Trung chủ yếu là các ngành công nghiệp nhẹ, thâm dụng lao động như dệt may, da giày, lắp ráp hàng điện tử và thiếu các dự án đầu tư vào các ngành công nghiệp/dịch vụ sử dụng công nghệ cao.
“Còn nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Hầu hết các dự án đầu tư vào các KKT ven biển chủ yếu là các dự án kinh tế, thiếu các dự án trong lĩnh vực xã hội như giáo dục đào tạo, an sinh xã hội,... và một số KKT ven biển đang trong tình trạng “khát đầu tư” nên còn có tư duy thu hút đầu tư bằng mọi giá mà không quan tâm nhiều đến yếu tố môi trường và môi sinh cho cư dân địa phương”, TS. Hoàng Hồng Hiệp cho hay.
Dưới góc nhìn nghiên cứu, ThS. Đào Thị Thùy Trang - Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận cho rằng cơ chế chính sách phát triển các KKT thiếu đột phá và chưa đủ mạnh theo yêu cầu phát triển, cơ chế chính sách chung cho tất cả tuy đã tạo ra sự bình đẳng nhưng khá cứng nhắc, không phù hợp với tính đặc thù của các địa phương. Đồng thời, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại các KKT đang đầu tư dàn trải, thiếu cơ sở hạ tầng lớn, hiện đại, đồng bộ theo tiêu chuẩn quốc tế.
“Sự phát triển của các KKT ven biển vẫn chưa tạo ra động lực, sức lan tỏa và đóng góp cho nền kinh tế như kỳ vọng đặt ra, hiệu quả sử dụng nguồn lực còn thấp. Trong số 11 khu kinh tế ven biển miền Trung thì chỉ có 04 khu kinh tế là Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tỉnh), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quãng Ngãi) đã chiếm hơn 80% giá trị sản xuất toàn vùng, 07 khu kinh tế còn lại chiếm chưa đến 20%. Điều này cho thấy hiện có nhiều KKT chưa phát huy một cách hiệu quả, phù hợp với tiềm năng và lợi thế, có sự chênh lệch về trình độ phát triển, mức sống của người dân tại các địa bàn”, Ths. Trang cho hay.
Trong công tác thu hút đầu tư, ông Lê Minh Dương - Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Nam (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhìn nhận đầu tư FDI đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển các KKT ven biển, chiếm trên 60% vốn đăng ký đầu tư vào khu vực. Từ đó, thúc đẩy mạnh sự tăng trưởng giá trị kim ngạch xuất khẩu, đóng góp và gia tăng nguồn thu ngân sách nhà nước hàng năm của các địa phương, hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo thêm rất nhiều việc làm mới cho người lao động...
Nói về hạn chế, vị này cho rằng thể chế, chính sách về KKT ven biển chưa đảm bảo tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và chưa có sự đột phá để phát huy vai trò và đóng góp của các KKT trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, chất lượng, hiệu quả quy hoạch phát triển KKT chưa đáp ứng yêu cầu, việc phát triển theo định hướng bền vững, hài hòa giữa công nghiệp, đô thị và dịch vụ, tạo liên kết, hợp tác, hình thành chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp trong và ngoài KKT chưa được chú trọng đúng mức.
Cùng với đó, loại hình phát triển của các KKT chậm được đổi mới, chưa xác định rõ các ngành then chốt cần tập trung phát triển, gắn với lợi thế của từng khu và khai thác hiệu quả kinh tế biển. Một số KKT ven biển sau thời gian thu hút đầu tư đã bộc lộ nhiều điểm chưa phù hợp dẫn đến thay đổi cơ cấu lĩnh vực thu hút đầu tư.
“Chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào khu kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; số lượng các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch chưa nhiều. Các đối tác lớn như Châu Âu, Bắc Mỹ còn hạn chế. Một số dự án không triển khai, hoặc triển khai rất chậm tiến độ so với kế hoạch đã gây lãng phí nguồn lực của địa phương, là nguyên nhân làm cho lượng vốn FDI thực tế được giải ngân thực hiện đến nay của các dự án đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đạt mức thấp so với vốn đăng ký đầu tư ban đầu”, ông Dương cho biết.
Ngoài ra còn có các vấn đề phát triển bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội, hiệu quả sử dụng đất tại KKT chưa cao, nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển hạ tầng khu kinh tế còn thấp so với nhu cầu, tổ chức bộ máy cơ quan đầu mối quản lý nhà nước đối với KKT ở Trung ương và địa phương chậm được kiện toàn, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ,...
Theo chuyên gia, các KKT ven biển cần có sự đột phá trong tư duy phát triển với những sáng tạo và “cách làm mới” trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Đồng thời, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn lao động kỹ thuật, nhân lực quản lý có trình độ chuyên môn, kỹ năng cao.
Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp đầu tư phát triển, nâng cấp cơ sở hạ tầng đảm bảo thu hút FDI có hiệu quả, tranh thủ và phối hợp nhiều phương thức huy động tối đa các nguồn vốn ODA, các doanh nghiệp tư nhân, thu hút đầu tư theo các hình thức đối tác công tư PPP vào phát triển cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, cần chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược, công ty đa quốc gia từ các nước có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ sạch...tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, phát triển các doanh nghiệp hỗ trợ, tạo hệ sinh thái chặt chẽ, gắn kết, tham gia sâu vào chuỗi giá trị với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI,...
Có thể bạn quan tâm