Bất chấp những trở ngại và những thay đổi chính sách gần đây, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng tăng trưởng.
>>>Kỳ vọng vực dậy thị trường bảo hiểm năm 2024
Đó là nhận định của TS. Bùi Duy Tùng, Giảng viên Đại học RMIT khi trao đổi với DĐDN.
- Ông nhìn nhận thế nào về một năm siết chặt thị trường bảo hiểm Việt Nam? Phải chăng đây cũng là “cú hích” cho thị trường bảo hiểm phát triển bền vững hơn?
Việc triển khai Thông tư 67/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm thể hiện sự chuyển dịch pháp lý đáng kể trong lĩnh vực bảo hiểm Việt Nam, đặc biệt liên quan đến sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư thông qua TCTD.
Các biện pháp nghiêm ngặt như cấm TCTD tư vấn, giới thiệu, bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng 60 ngày trước và sau khi giải ngân toàn bộ khoản vay... có thể xuất phát từ nhu cầu giải quyết thiếu hụt niềm tin và những lo ngại đạo đức nảy sinh, đặc biệt liên quan đến bancassurance.
Những quy định nói trên tạm thời làm giảm doanh số bảo hiểm, đặc biệt trong bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, nó có thể là chất xúc tác cho sự tăng trưởng bền vững và có đạo đức hơn đối với thị trường bảo hiểm trong dài hạn.
- Thị trường Việt Nam vẫn được coi là “mảnh đất màu mỡ” cho bảo hiểm phát triển, thưa ông?
Thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn tương đối non trẻ so với các nền kinh tế phát triển hơn. Tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm thấp, mặc dù dân số đông và GDP ngày càng tăng, cho thấy tiềm năng đáng kể chưa được khai thác.
Khi nền kinh tế tiếp tục phát triển, nhu cầu về các sản phẩm bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe dự kiến sẽ tăng lên.
Chi tiêu chăm sóc sức khỏe của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 23,3 tỷ USD vào năm 2025. Xu hướng này cho thấy thị trường các sản phẩm bảo hiểm y tế đang phát triển khi các cá nhân và doanh nghiệp tìm cách giảm thiểu rủi ro liên quan đến chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng.
>>>Ngăn chặn vấn nạn bán bảo hiểm kiểu... “bia kèm lạc”
Ngoài ra, việc mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở các thành phố cấp 2 và cấp 3 ngày càng được chú trọng do quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Điều này có thể làm tăng nhu cầu về các sản phẩm bảo hiểm ở những khu vực này...
Bất chấp những trở ngại gần đây và những thay đổi về quy định, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng đáng kể.
“Chìa khóa” để hiện thực hóa tiềm năng này nằm ở khả năng của ngành trong việc thích ứng với môi trường pháp lý đang thay đổi, khôi phục niềm tin của người tiêu dùng, tận dụng chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cũng như các tiến bộ công nghệ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Những năm tới có thể sẽ là những năm then chốt trong việc xác định quỹ đạo của ngành bảo hiểm ở Việt Nam.
- Theo ông, cần có thêm giải pháp nào để thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam?
Ngành bảo hiểm đang ngày càng sử dụng các công nghệ kỹ thuật số, như AI cho các giải pháp bảo hiểm được cá nhân hóa, blockchain để minh bạch và ngăn chặn gian lận cũng như tăng tương tác với khách hàng và cung cấp dịch vụ. Điều này cần được đẩy mạnh hơn để phát triển bền vững thị trường.
Ngoài ra, việc thiết lập một môi trường pháp lý mạnh mẽ hơn, tương tự như mô hình châu Âu là vô cùng quan trọng. Khung pháp lý bảo hiểm cần hướng dẫn rõ ràng về tính minh bạch của sản phẩm, thực hành bán hàng có đạo đức và bảo vệ người tiêu dùng.
Hoạt động bancassurance của Việt Nam gây áp lực buộc khách hàng mua bảo hiểm như một điều kiện để được chấp thuận khoản vay đã dẫn đến sự biến dạng trên thị trường, làm tổn hại đến niềm tin và nhận thức của khách hàng về bảo hiểm nhân thọ. Chiến lược bán hàng “cưỡng bức” này không chỉ gây ra những lo ngại về đạo đức và quy định mà còn có nguy cơ tạo ra hình ảnh tiêu cực về bảo hiểm nhân thọ.
Để điều chỉnh lại mô hình bancassurance theo hướng tăng trưởng bền vững, các biện pháp như giám sát quy định chặt chẽ hơn, chương trình giáo dục khách hàng, đào tạo đạo đức bán hàng cho nhân viên bán hàng, nâng cao tính minh bạch về các điều khoản và điều kiện cũng như chuyển đổi sang cách tiếp cận lấy khách hàng làm trung tâm hơn là rất cần thiết.
Những giải pháp trên có thể giúp thị trường bảo hiểm Việt Nam khôi phục tính toàn vẹn và niềm tin của khách hàng, và hướng tới một thị trường trưởng thành hơn, tập trung vào khách hàng hơn.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Chặn biến tướng bán bảo hiểm kiểu “bia kèm lạc”: Cần tăng cường kiểm tra, giám sát
04:00, 28/02/2024
FWD bắt tay Microsoft nâng cao trải nghiệm khách hàng, định hình tương lai bảo hiểm
14:00, 29/02/2024
Khách hàng “tố” bảo hiểm Hanwha Life Việt Nam thiếu trách nhiệm?
03:00, 28/02/2024
Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiến nghị tăng lương hưu 8%
00:00, 20/02/2024