Trước hành động tăng lãi suất của Mỹ mới đây, thị trường chứng khoán Trung Quốc bỗng nổi lên như một nơi trú ẩn an toàn, khi thị trường tài chính toàn cầu lao dốc.
>>Khủng hoảng của thị trường chứng khoán Trung Quốc có tác động tới Việt Nam?
Thị trường chứng khoán Trung Quốc được xem là thị trường ít được thèm muốn nhất chỉ vài tháng trước, dưới tác động kép của chính sách zero-Covid và các chính sách kinh tế khắc nghiệt của Bắc Kinh. Nhưng giờ đây, thị trường này lại nổi lên như một nơi trú ẩn an toàn khi hầu hết các kênh đầu tư toàn cầu chìm sâu trong đà giảm.
Trong khi các nhà giao dịch rút tiền khỏi tài sản rủi ro khiến chỉ số S&P 500 và chỉ số MSCI lao dốc trong tuần vừa qua, thì thị trường Trung Quốc lại tăng khá tốt. Điển hình là Chỉ số CSI 300 của các cổ phiếu nội địa lớn nhất Trung Quốc đã tăng gần 4% trong tháng 6, còn sự sụt giảm của Chỉ số Hang Seng Hồng Kông nhỏ hơn nhiều so với chỉ số chuẩn của Hoa Kỳ, với những đợt phục hồi ấn tượng từ các công ty công nghệ như Alibaba Group Holding đến Meituan.
Sự thay đổi của chứng khoán Trung Quốc dường như nhấn mạnh khả năng phục hồi của thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới đối với xu hướng toàn cầu, sau khi bùng phát đại dịch phần lớn nằm trong tầm kiểm soát của Bắc Kinh và việc nới lỏng chính sách để thúc đẩy tăng trưởng bắt đầu “đơm hoa kết trái”. Song lo ngại về suy thoái vẫn gia tăng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất mục tiêu lên 75 điểm cơ bản, mức cao nhất kể từ năm 1994 để kiềm chế lạm phát.
Kerry Craig, chiến lược gia về thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management cho biết: “Trong những thị trường mới nổi, chúng tôi nhận thấy cơ hội ngày càng tăng ở Trung Quốc và khu vực châu Á. Việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại, mặc dù chậm, cùng với sự hỗ trợ của chính sách tài khóa và tiền tệ với bội số vốn chủ sở hữu rất thấp là dấu hiệu tốt cho các nhà đầu tư dài hạn, những người có thể chịu đựng sự không chắc chắn ngắn hạn còn lại do COVID-19 gây ra”.
Chỉ số CSI 300 đã tăng trở lại 12% kể từ khi chạm mức thấp nhất trong hai năm vào tháng 4, do đặt cược các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng sẽ ngăn chặn đà suy thoái của nền kinh tế. Dữ liệu kinh tế quan trọng của Trung Quốc trong tháng 5 cho thấy, sự phục hồi đang được củng cố khi sản xuất công nghiệp tăng trưởng trở lại, doanh số bán lẻ sụt giảm được thu hẹp và đầu tư tài sản cố định đáp ứng kỳ vọng.
Trong bối cảnh việc mở cửa trở lại bị ảnh hưởng bởi các đợt bùng phát virrus nhỏ lẻ và đóng cửa một phần ở Bắc Kinh, Thượng Hải, thị trường dường như đã đạt được sự đồng thuận rằng, mức độ thiệt hại tồi tệ nhất đối với nền kinh tế đã qua, định giá cổ phiếu đã đến lúc đủ hấp dẫn để hồi sinh.
Stephen Innes, một đối tác quản lý của SPI Asset Management cho biết, Trung Quốc ủng hộ quan điểm rằng, đại lục đã rất nhanh nhẹn trong việc giữ cho các động cơ xuất khẩu và sản xuất quay vòng bất chấp những hạn chế về tính di chuyển.
Theo dữ liệu của Bloomberg, chứng khoán Trung Quốc đã tách khỏi chứng khoán Mỹ kể từ tháng 4. Tương quan 120 ngày giữa chỉ số CSI 300 và S&P 500 hiện thấp hơn 0,1 điểm. Đồng nghĩa với việc hai thị trường di chuyển hoàn toàn trong một nhịp, nhưng theo các hướng hoàn toàn trái ngược nhau.
Mô hình như vậy đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm nơi trú ẩn khỏi cơn bão do FED gây ra. Các thương nhân nước ngoài đã mua 49,5 tỷ Nhân dân tệ (7,4 tỷ USD) cổ phiếu giao dịch bằng Nhân dân tệ thông qua liên kết Stock Connect (Chương trình Kết nối chứng khoán) với Hồng Kông trong tháng này. Trước đó, họ đã bán ròng lượng cổ phiếu trị giá 21,9 tỷ Nhân dân tệ trong 3 tháng tính đến tháng 5 khi các lệnh phong toả tại Trung Quốc diễn ra.
Wang Qi, Giám đốc điều hành của MegaTrust Investment tại Hồng Kông cho biết: “Các nhà đầu tư toàn cầu nên xem xét nghiêm túc cổ phiếu loại A của Trung Quốc, do mối tương quan thấp với phần còn lại của thế giới và lợi ích đa dạng hóa tiềm năng đối với danh mục đầu tư toàn cầu. Chúng tôi không nói cổ phiếu A hoàn toàn miễn nhiễm với rủi ro lãi suất của Mỹ. Nhưng chúng tôi tin rằng thị trường Trung Quốc sẽ phục hồi hơn và có thể giao dịch khác với phần còn lại của thế giới ”.
>>JPMorgan: Chiến sự Nga – Ukraine làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu
Theo JPMorgan Asset Management, chắc chắn, việc Mỹ tăng lãi suất dự kiến sẽ có tác động sâu sắc đến các thị trường mới nổi bao gồm Trung Quốc, vì hầu hết các nền kinh tế ở châu Á phải tuân theo chính sách thắt chặt để giảm thiểu tác động lan tỏa đến áp lực tăng giá.
Việc nới lỏng chính sách của Trung Quốc cho đến nay đã phần nào bị hạn chế, không có việc cắt giảm lãi suất cho vay chính thức, vì việc nới lỏng tích cực làm gia tăng tỷ lệ lãi suất với Mỹ gây rủi ro cho dòng vốn.
Các nhà quản lý quỹ toàn cầu bao gồm Thornburg Investment Management dự đoán rằng, suy thoái ở Mỹ gần như là chắc chắn sau khi tăng lãi suất, còn Trung Quốc sẽ là thị trường lớn duy nhất có thể đặt cược, do sự khác biệt trong chính sách tiền tệ của nước này với các quốc gia phương Tây.
Lee Homin, chiến lược gia khu vực Châu Á tại Lombard Odier cho biết, việc cắt giảm hơn nữa tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, lãi suất thế chấp và thậm chí cả chi phí đi vay chuẩn đều nằm tay Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Điều đó khiến chính phủ nước này trở thành nhà hoạch định chính sách ôn hòa duy nhất trên toàn thế giới.
“Sự chuyển hướng ôn hòa này chắc chắn sẽ tạo ra một điểm neo cho thị trường, không giống như các thị trường khác, nơi hỗ trợ chính sách đang bị rút lại nhanh chóng. Chúng tôi thích thị trường này hơn so với các thị trường mới nổi khác, nơi có nhiều dòng vốn biến động do thắt chặt của các ngân hàng trung ương chủ chốt”.
Có thể bạn quan tâm
08:04, 16/06/2022
17:27, 18/06/2022
05:45, 03/08/2021
14:01, 12/05/2022
11:00, 19/02/2022
04:50, 13/02/2022