Thị trường nội địa sẽ là phao cứu sinh của doanh nghiệp dệt may?

NGUYỄN HÀ 24/08/2020 03:55

Bên cạnh giá bán chịu áp lực giảm, thời gian thanh toán kéo dài hơn, áp lực dòng tiền lớn hơn thì hiện nay, đơn hàng cũng giảm sút khiến doanh nghiệp dệt may khó khăn chồng chất.

Được biết, trong 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 16,18 tỷ USD, giảm 12,1%; xơ, sợi dệt các loại giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp chưa có đơn hàng cho những tháng cuối năm.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam và trên thế giới diễn biến phức tạp, điều đó sẽ gây ra rất nhiều xáo trộn và khó khăn cho các doanh nghiệp. Trong đó, 2 quý cuối năm thật sự sẽ là thử thách lớn đối với ngành dệt may khi khách hàng tại các thị trường xuất khẩu lớn là Mỹ, EU đều đã hủy đơn hàng do các thị trường đồng loạt đóng cửa. Tỷ lệ bị hủy đơn hàng trung bình từ 30% - 70%.

Nhà máy II của Công ty TNHH May TBT dự kiến đi vào hoạt động đầy đủ sẽ tạo công ăn việc làm cho 300 lao động địa phương

Nhà máy của Công ty TNHH May TBT tại huyện Thanh Hà (Hải Dương) hiện đang tạo công ăn việc làm cho 300 lao động địa phương.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng, đơn hàng giảm mạnh khiến hàng tồn kho tăng cao, cùng với áp lực chi trả tiền lương nhân công đã khiến doanh nghiệp khó khăn chồng chất khó khăn. Để cố gắng duy trì, 80% doanh nghiệp trong ngành dệt may đã buộc phải cắt giảm lao động và phần lớn doanh nghiệp phải tìm mọi cách duy trì hoạt động ở mức 50% công suất. 

Theo dự báo từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam, xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong những tháng cuối năm tiếp tục giảm từ 14-18% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt khoảng 32,75 tỷ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019.

Ông Lê Viết Thụ, Giám đốc Công ty TNHH May TBT cho biết, bức tranh của ngành dệt may nói riêng và các ngành hàng khác nói chung đến năm 2021 vẫn chưa sáng do ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh COVID-19. Hiện, Công ty TBT đang gặp khó khăn do các đối tác của Mỹ, Anh… buộc doanh nghiệp phải giảm giá sản phẩm.

“Bên cạnh giá bán chịu áp lực giảm, thời gian thanh toán kéo dài hơn, áp lực dòng tiền lớn hơn thì hiện nay, đơn hàng cũng giảm sút khiến doanh nghiệp giảm sản lượng sản xuất khoảng 10%. Chúng tôi ước tính doanh thu từ quý II đến hết năm sẽ giảm nhiều, trong đó sản lượng cả năm giảm khoảng 10% và 15 % giá trị. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn đang nỗ lực để duy trì ổn định việc làm cho người lao động”, ông Thụ chia sẻ.

Đại diện Bộ Công Thương nhận định, dịch bệnh có thể vẫn tiếp tục kéo dài, do đó, những tháng cuối năm doanh nghiệp dệt may cần bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa. Đồng thời tối thiểu hóa sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận bằng việc quản trị chi phí sản xuất, giữ vững chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp dệt may cũng đã tự tìm hướng đi riêng, thay đổi cơ cấu sản xuất, tăng sản lượng mặt hàng mà thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn như sợi nhiều hơn sản phẩm may mặc; liên kết chuỗi trong sản xuất từ khâu sợi, dệt, nhuộm để các đơn vị trong chuỗi cùng ổn định và phát triển. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đã tuyên truyền, vận động giúp cán bộ, công nhân viên hiểu đúng về tình hình thực tiễn để đoàn kết, sẻ chia cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng hấp dẫn thu hút đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu dệt may

    Tăng hấp dẫn thu hút đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu dệt may

    15:30, 20/08/2020

  • Mở lối cho công nghiệp hỗ trợ: Khập khiễng... dệt may

    Mở lối cho công nghiệp hỗ trợ: Khập khiễng... dệt may

    15:24, 14/08/2020

  • Ngành dệt may tiếp tục gặp khó những tháng cuối năm

    Ngành dệt may tiếp tục gặp khó những tháng cuối năm

    05:30, 11/08/2020

  • EVFTA “mở khóa” quy tắc xuất xứ cho dệt may

    EVFTA “mở khóa” quy tắc xuất xứ cho dệt may

    11:01, 30/07/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thị trường nội địa sẽ là phao cứu sinh của doanh nghiệp dệt may?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO