Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ từng bước đi vào chiều sâu

NGUYỄN TÙNG ANH, Trưởng phòng Nghiên cứu, FiinRatings 09/02/2024 11:20

Dự báo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ cho năm 2024, FiinRatings kỳ vọng thị trường sẽ duy trì quy mô phát hành thứ cấp và từng bước đi vào chiều sâu.

>>Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản: Tín hiệu vui đầu năm 2024

Điều này có được nhờ mấy lý do sau đây: Thứ nhất, thị trường đã có thời gian làm quen với những quy định mới đặc biệt là các quy định về mục đích sử dụng vốn, về kê khai hoặc công bố thông tin và về đối tượng nhà đầu tư chuyên nghiệp được phép mua trái phiếu riêng lẻ mặc dù Nghị định 08/2023 đã cho phép lùi thời gian áp dụng đến cuối năm 2023.

Việc làm sao để có thể xác định và tìm kiếm được các trái phiếu phù hợp là một thách thức lớn với nhà đầu tư cá nhân

Việc làm sao để có thể xác định và tìm kiếm được các trái phiếu phù hợp là một thách thức lớn với nhà đầu tư cá nhân

Thứ hai, môi trường lãi suất hiện nay tại Việt Nam khá thấp so với giai đoạn trước kia và đặc biệt là trong bối cảnh dự báo trong nửa cuối 2024 và năm 2025 có thể tăng trở lại. Lãi suất trái phiếu của các doanh nghiệp có chất lượng tín dụng tốt hoặc xếp hạng tín nhiệm cao được chào bán ở mức cao hợp lý so với lãi suất tiền gửi cùng kỳ hạn tại ngân hàng đã được không chỉ nhà đầu tư tổ chức mà cả các nhà đầu tư cá nhân có quy mô tài sản lớn có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư.

Thứ ba, xét về nguồn cung phát hành huy động thì chúng tôi dự báo nhiều ngành sẽ huy động trái phiếu trở lại không chỉ tập trung ở ngân hàng và bất động sản như những năm trước kia.

Với các tổ chức tín dụng ngân hàng đều có kế hoạch phát hành trái phiếu nhằm tăng cường năng lực vốn cấp 2 nhằm tạo tiền đề cho tăng trưởng tín dụng các năm sau, cũng như đáp ứng tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn và những quy định về an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Nhu cầu phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản vẫn lớn và khi các dự án dần được tháo gỡ về pháp lý thì cũng làm tiền đề cho hoạt động huy động vốn cũng như tái cơ cấu nợ. Ngoài ra, một số ngành khác như thực phẩm, hàng tiêu dùng,... cũng có thể tiếp tục phát hành trở lại.

Riêng ngành năng lượng tái tạo thì mặc dù nhu cầu vốn dài hạn là rất lớn nhưng có lẽ chúng ta cần thêm thời gian khi các quy định cụ thể rõ ràng hơn cho việc triển khai các dự án trong quy hoạch điện 8.

Tuy nhiên cũng cần phải nhấn mạnh đến tính ổn định này vẫn ở mức thấp so với những năm bùng nổ trước đây và thị trường còn cần thêm nhiều thời gian để hồi phục trở lại. Một mặt, áp lực TPDN đáo hạn sẽ đạt đỉnh vào năm 2024. Mặt khác, tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất vay tại các ngân hàng vẫn ở mức cao tùy theo mức độ rủi ro của khách hàng và dự án… đây có thể coi là những yếu tố tác động chính tới xu hướng thị trường trong năm tới.

>>4 lý do cho kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động năm 2024

Đối với nhà đầu tư, việc áp dụng chiến lược đầu tư vào TPDN riêng lẻ phụ thuộc lớn vào quy mô tài sản mình có và khẩu vị rủi ro của từng người. Trong bối cảnh lãi suất thấp như hiện nay thì việc phân bổ một tỷ trọng phù hợp vào các trái phiếu tốt của doanh nghiệp đầu ngành có độ minh bạch thông tin cao đó có thể là một chiến lược đầu tư phù hợp.

Ông Nguyễn Tùng Anh

Ông Nguyễn Tùng Anh

Tuy nhiên, việc làm sao để có thể xác định và tìm kiếm được các trái phiếu phù hợp là một thách thức lớn với nhà đầu tư cá nhân. Bởi đây là sản phẩm có thu nhập cố định nhưng rủi ro thì cũng không có giới hạn. Do đó, việc tìm kiếm đến các đơn vị quỹ trái phiếu chuyên nghiệp hoặc sử dụng các đơn vị hoặc cá nhân tư vấn chuyên nghiệp, có uy tín và đặc biệt là phải độc lập thì đó là điều nhà đầu tư nên lưu ý.

Nếu như tự thực hiện đánh giá rủi ro, việc tham khảo và đọc hiểu được công bố thông tin là điều nhà đầu tư nên thực hiện kỹ lưỡng, trong đó có việc xác định kết quả xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp hoặc của lô trái phiếu được công bố.

Thực tế thì đây là lĩnh vực mới tại Việt Nam và việc am hiểu và áp dụng xếp hạng tín nhiệm mới chủ yếu được áp dụng tại các định chế tài chính và đầu tư lớn, trong đó có các công ty bảo hiểm, quỹ bảo hiểm, quỹ đầu tư trái phiếu, quỹ hưu trí,... Ví dụ tại FiinRatings, kết quả xếp hạng tín nhiệm đã được một số định chế tài chính quốc tế và một số công ty quản lý quỹ bảo hiểm như PVIAM áp dụng trong việc quản trị rủi ro và tham chiếu cho việc phân bổ tiền gửi và trái phiếu vào các ngân hàng và các doanh nghiệp trong một số ngành.

Nhìn chung, dù là nhà đầu tư cá nhân, chuyên nghiệp hay tổ chức, việc áp dụng và sử dụng hiệu quả kết quả xếp hạng tín nhiệm của các công ty trong nước cần được cải thiện hơn nữa. Mặc dù hoạt động này còn khá mới mẻ tại Việt Nam, các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm uy tín đang dần đánh giá và công bố kết quả cho các ngân hàng và doanh nghiệp.

Khi các kết quả này ngày càng phổ biến và đa dạng hơn, nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư, bảo hiểm, hưu trí có thể nghiên cứu và ứng dụng chúng trong công tác phân tích và đánh giá rủi ro tín dụng. Điều này sẽ giúp thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững hơn. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm, cơ quan quản lý và nhà đầu tư sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của thị trường trái phiếu Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • 4 lý do cho kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động năm 2024

    11:41, 07/02/2024

  • Tín hiệu tích cực từ nợ trái phiếu doanh nghiệp

    11:10, 02/02/2024

  • Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản: Tín hiệu vui đầu năm 2024

    14:00, 25/01/2024

  • Chu kỳ mới trái phiếu doanh nghiệp

    09:55, 25/01/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ từng bước đi vào chiều sâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO