Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững, theo chuyên gia, cùng với các quy định hiện hành, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong thời gian tới…
>> “Rộng cửa” cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong năm 2023 đạt 296.917 tỷ đồng, tăng so với mức 248.046 tỷ đồng năm 2022. Trong đó, ngân hàng là nhóm ngành phát hành nhiều nhất, tiếp đến là nhóm bất động sản.
Theo các chuyên gia, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 phục hồi, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất xuất phát từ sự cộng hưởng các chính sách chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ và sự chuyển biến của các chủ thể tham gia thị trường. Cùng với đó là hàng loạt giải pháp của cơ quan quản lý được triển khai nhằm tháo gỡ các nút thắt của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trong đó có thể kể đến Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ với các quy định về đàm phán thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản và đàm phán để kéo dài kỳ hạn tối đa không quá 2 năm đối với các trái phiếu đã phát hành trong giai đoạn trước. Đây là chính sách tốt và hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư, cơ cấu lại các khoản nợ để có thời gian điều chỉnh, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, song không ít ý kiến cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức, khi đây là năm đỉnh đáo hạn của trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng kỷ lục, cũng là năm các quy định của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65) chính thức triển khai đầy đủ sau một thời gian giãn, hoãn theo Nghị định số 08/2023/NĐ-CP.
>>Kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng
Nhìn nhận về vấn đề đã nêu, ông Trần Phú Việt - Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm, Khối Thông tin tài chính (FiinGroup) chia sẻ, lượng phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2024 (cả gốc và lãi) khoảng 380.000 tỷ đồng, trong đó 70% tập trung vào 2 nhóm ngành chính là bất động sản và ngân hàng; riêng lượng phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn hơn 110.000 tỷ đồng. Đây là thách thức lớn với doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp vẫn đang “ngập” trong nợ trái phiếu.
Không chỉ FiinGroup, thống kê của MBS cũng cho thấy, tính đến ngày 22/12/2023, có khoảng 103 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu, chiếm tỷ lệ gần 19% tổng dư nợ toàn thị trường, 70% là của nhóm doanh nghiệp bất động sản. Ngoài lượng đáo hạn lớn, năm 2024, các doanh nghiệp phát hành có thể phải chính thức phải tuân thủ các quy định khắt khe của Nghị định 65 do một số quy định giãn, hoãn của Nghị định 08 hết hiệu lực.
Trước thực trạng nêu trên, để thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững, theo các chuyên gia, cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện cơ chế, chính sách trong thời gian tới.
Theo TS Ngô Trí Trung - Trường Đại học CMC, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 sẽ dần thay đổi theo hướng lành mạnh hơn sau giai đoạn thanh lọc, dù khó khăn còn tiếp diễn. Để thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách sửa đổi quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ và người có liên quan tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các luật liên quan.
Đồng thời, khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong cuối năm 2023 và năm 2024.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thị trường trái phiếu đang phục hồi. cùng với đó các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động kiểm soát, phát triển thị trường không ngừng được bổ sung, hoàn thiện theo hướng ngày càng an toàn, lành mạnh và minh bạch. Đây là kênh huy động vốn hiệu quả trong trung và dài hạn của doanh nghiệp, đồng thời góp phần đa dạng hóa thị trường tài chính, vì vậy, cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, chính sách.
Cùng với đó, vị chuyên gia này cũng cho rằng, muốn thị trường lành mạnh, đúng đối tượng là người mua có kiến thức, có kinh nghiệm, có hiểu biết, cần áp dụng tiếp điều kiện, điều khoản của nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nên cân nhắc lộ trình và phân nhóm xếp hạng tín nhiệm. Liệu nhóm nào cần xếp hạng tín nhiệm, nhóm nào không cần xếp hạng tín nhiệm? Ví dụ, ngân hàng thương mại không cần xếp hạng tín nhiệm vì phát hành mục đích rất rõ là để tăng vốn cấp hai và được quản lý chặt chẽ các hệ số an toàn bởi Nhà nước.
Đồng thời đề xuất, cần đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp; đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và dữ liệu… đặc biệt, cần chú ý tới các giải pháp về tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát có trọng tâm để nâng cao chất lượng phát hành của doanh nghiệp phát hành, chất lượng cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm củng cố niềm tin nhà đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
“Rộng cửa” cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
11:30, 14/02/2024
Chu kỳ mới trái phiếu doanh nghiệp
05:20, 12/02/2024
Kỳ vọng “hạ cánh mềm” trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024
05:00, 11/02/2024
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ từng bước đi vào chiều sâu
11:20, 09/02/2024
Trái phiếu doanh nghiệp khởi động phát hành "khiêm tốn" đầu 2024
05:22, 08/02/2024