Bộ Y tế đã thông tin về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế hiện nay, song nhiều ý kiến cho rằng, người bệnh còn phải mòn mỏi chờ đợi bởi những chỉ đạo từ cơ quan này chỉ có tính chất “chung chung”…
>>Giải bài toán thiếu thuốc men, vật tư y tế
Một bệnh nhân ở Hải Dương bị đục thủy tinh thể, khi đến khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương, được yêu cầu chỉ định mổ, nhưng phải đợi khoảng 2 tháng bởi thiếu thủy tinh thể phù hợp. Một bệnh nhân khác ở Nghĩa Tân (Hà Nội), khi đến khám tại Bệnh viện E cũng được yêu cầu chỉ định mổ, nhưng không thể tiến hành do vật tư y tế mà bệnh nhân cần không có. “Tôi đi khám từ tháng 4, nhưng bác sỹ bảo khoảng tháng 9 mới mổ được, vì lúc đó mới có dụng cụ để phẫu thuật”, bệnh nhân này than thở.
Theo lời người nhà một bệnh nhân phải phẫu thuật xương đùi tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thì họ đã phải đợi 2 tháng mới được mổ bởi thiếu một dụng cụ khớp nối để ghép xương.
Giám đốc một bệnh viện tại Hà Nội cho biết, có tình trạng bệnh nhân bảo hiểm y tế phải tự đi mua từ những sợi chỉ, băng gạc, dụng cụ… mang vào bệnh viện để bác sỹ thực hiện ca mổ, nếu không ca mổ phải hoãn hoặc chuyển tuyến điều trị.
Thực tế tình trạng thiếu thuốc cũng đang diễn ra ở nhiều bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh công lập ở tỉnh Thái Nguyên. Bệnh viện Phổi Thái Nguyên đang có hàng ngàn bệnh nhân điều trị ngoại trú. Thời gian tới, một số loại thuốc điều trị bệnh phổi mãn tính phát cho bệnh nhân sẽ hết, nhưng kết quả đấu thầu thuốc tập trung cấp bộ chưa được công bố thì khi hết thuốc chưa biết sẽ giải quyết thế nào.
Còn tại TP.HCM, cuối tháng 4/2022, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nhiều bệnh nhân ghép thận đã không được cấp phát thuốc chống thải ghép (đây là loại thuốc được bảo hiểm y tế chi trả), vì bệnh viện không còn thuốc. Để bảo đảm sức khỏe cho mình, bệnh nhân đã phải tự tìm mua thuốc ngoài thị trường với chi phí không nhỏ.
Thậm chí, nhiều bệnh viện còn thiếu cả thuốc gây mê. Điều này rất nguy hiểm cho bệnh nhân vì thuốc này vô cùng khó mua bởi là thuốc thuộc diện phải kiểm soát.
Một số tỉnh, thành phố khác như Hậu Giang, Cần Thơ, Khánh Hòa, Phú Thọ, Thái Bình… vài tháng qua thiếu một số thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc an thần, thuốc chống đông, thuốc điều trị các bệnh tiểu đường, huyết áp, viêm gan, ung thư, dạ dày và vật tư y tế do chậm đấu thầu mua sắm, ảnh hưởng đến quyền lợi bệnh nhân.
>>“Trị bệnh” loạn giá trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế
Mới đây, Bộ Y tế cũng đã thừa nhận tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi, chủ yếu là các loại thuốc, vật tư y tế thông dụng thuộc thẩm quyền mua sắm của các địa phương, đơn vị, gây ảnh hưởng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo Bộ Y tế, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra; do vậy một số địa phương, đơn vị không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm, mặc dù Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị.
Nhằm khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đã chủ động đôn đốc các đơn vị tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan.
Đồng thời lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hoá, dịch vụ dùng trong khám bệnh, chữa bệnh. Việc xây dựng và lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại các đơn vị phải đảm bảo tính chủ động, công khai, minh bạch, có tính kế thừa và dự phòng hợp lý để tránh tình trạng bị động giữa các kỳ kế hoạch làm ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc cung ứng thuốc, vật tư y tế liên quan tới nhiều lĩnh vực quản lý khác nhau, song với chỉ đạo có tính chất "chung chung" như trên của Bộ Y tế, không biết người bệnh sẽ còn phải mòn mỏi chờ đợi đến bao giờ?
Trước đó, nói về tình trạng khan hiếm thuốc hiện nay, theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã thẳng thắn, thực tế một số bệnh viện công trên toàn quốc xảy ra tình trạng thiếu vật tư y tế, thuốc men, sinh phẩm, thậm chí thiếu cả thiết bị y tế không phải là câu chuyện mới.
Có nhiều ý kiến cho rằng, do nhiều cán bộ y tế gặp sai phạm, dẫn đến tình trạng sợ không dám làm, không dám mua sắm thuốc, vật tư, song nguyên nhân sâu xa là do hệ thống pháp luật vẫn còn thiếu, bất cập, không cập nhật kịp với tình hình.
“Khi hoàn thành việc đấu thầu mua sắm thuốc men, trang thiết bị y tế, còn một quy trình nữa là thẩm định. Việc thẩm định trong thời gian qua cũng còn bất cập, nhiều cán bộ thẩm định đã vướng vào vòng lao lý, nên có tình trạng cán bộ thẩm định không dám làm. Trường hợp thẩm định xong, gửi lên Bộ Y tế để phê duyệt lần cuối cũng bị ngâm ở đó, gần như không ai dám xét duyệt”, ông Trí nói.
Phân tích thêm nguyên nhân, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, hiện Luật Đấu thầu đã có, nhưng thông tư, nghị định hướng dẫn đặc thù riêng cho ngành y tế chậm ban hành, hoặc văn bản hướng dẫn còn bất cập, khó hiểu và khó áp dụng. Điều này đã gây tâm lý e dè cho các bệnh viện trong việc mua sắm vật tư tiêu hao.
Một số ý kiến khác thì nêu ra, xảy ra tình trạng thiếu thuốc như hiện tại, phần lớn do quy trình đấu thầu thuốc chữa bệnh tập trung hiện nay rất phức tạp, phải tuân thủ gần 20 bước, liên quan nhiều cơ quan chức năng khác nhau, mỗi cơ quan chậm vài ba ngày, thậm chí một, hai tuần là dẫn đến kết quả đấu thầu chậm.
Để khắc phục vấn đề này, một số ý kiến cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, giảm thủ tục hành chính trong quy trình đấu thầu thuốc tập trung.
Đồng thời phải quy định rõ thời gian giải quyết cho từng khâu, từ khi lập kế hoạch, nhu cầu sử dụng thuốc của các đơn vị, tổng hợp nhu cầu và trình các cơ quan chức năng xem xét, thẩm tra, thẩm định, ban hành kế hoạch đấu thầu, mời thầu, đến công bố kết quả đấu thầu.
TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cũng đồng thuận với kiến nghị cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn Luật Tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu…
Ngoài ra, cần có quy định riêng cho ngành y tế, vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Điều này sẽ giúp ngành y tế có cơ chế pháp lý minh bạch, có thể điều chỉnh các quan hệ nảy sinh liên quan đến vấn đề này. Đồng thời cũng tạo khung khổ pháp lý rõ ràng, minh bạch cho các đơn vị tham gia đấu thầu yên tâm thực hiện.
Có thể bạn quan tâm
Lo sai phạm trong đấu thầu: Nhiều bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế
00:20, 04/06/2022
Bãi nhiệm, cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
12:09, 07/06/2022
Trả hồ sơ vụ cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang để làm rõ hành vi sai phạm
17:58, 26/05/2022
Bộ Y tế cảnh báo hai sản phẩm bảo vệ sức khỏe của Hoàng Hường
11:00, 12/05/2022
Vụ Việt Á: Một cán bộ y tế ở Phú Thọ nhận “hoa hồng” hơn 2 tỷ đồng
00:06, 29/04/2022
Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang có thể đối diện với mức án nào?
00:06, 13/03/2022
Bộ Công an bắt tạm giam cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang
15:51, 11/03/2022
Buộc thôi việc Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường
22:25, 09/02/2022
Loạt sai phạm tại Bộ Y tế được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ
12:00, 29/01/2022