Thông tư 14/2021 tác động tới doanh nghiệp và nhà đầu tư ra sao?

NGUYỄN LONG 13/09/2021 05:30

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 14/2021 cho phép kéo dài thời gian cơ cấu nợ; các chuyên gia cho rằng điều này sẽ giúp các doanh nghiệp ổn định lại dòng tiền của mình giữa đại dịch.

Chuyên gia đánh giá với thông tư 14 của NHNN, doanh nghiệp sẽ giảm bớt áp lực dòng tiền giữa đại dịch hơn.

Chuyên gia đánh giá với Thông tư 14/2021/TT- NHNN, doanh nghiệp sẽ giảm bớt áp lực dòng tiền giữa đại dịch 

Sau 5 tháng kể từ khi ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung lần 1 Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, NHN vừa ban hành Thông tư 14/2021 sửa đổi lần 2 Thông tư 01, tiếp tục kéo dài thời gian cơ cấu nợ, phạm vi cơ cấu nợ.

Theo đó, NHNN chính thức gia hạn thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Co-Founder & CEO tại AFA Capital Vietnam, so với thông Thông tư 03, Thông tư 14 có một số điểm khác biệt đáng lưu ý.

Thứ nhất, đó là cơ cấu lại thời gian trả nợ, với Thông tư 03, các khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 sẽ được điều chỉnh kéo dài kéo đến phát sinh trước ngày 1/9/2021 tại Thông 14. Bởi do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài nên hoạt động trước thời điểm Hà Nội và TP. HCM phải giãn cách xã hội, Thông tư 14 hỗ trợ cho khách hàng của ngân hàng để giảm bớt áp lực thời gian. 

Thứ hai, về nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi đã được kéo dài từ ngày 31/12/2021 đến 30/6/2022. Một điểm cần lưu ý khi "vắt năm" (kéo dài từ năm này qua năm khác - BT), sẽ có ảnh hưởng đến lợi nhuận của cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng.

Như vậy, điểm nổi bật trong Thông tư 14 là cho phép các ngân hàng kéo dài cơ cấu nợ thêm 6 tháng so với quy định cũ. 

Đánh giá về tác động của Thông tư 14, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam cho biết, tiêu chí của Thông tư 14 là đối tượng người đi vay, khách hàng vay vốn của ngân hàng. Mục đích của Thông tư này thứ nhất là để hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch, kể cả doanh nghiệp không chịu giãn cách theo chỉ thị 16. Doanh nghiệp có khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 sẽ được giãn hoãn và thời gian sẽ được kéo dài tới 30/6/2022. Thứ hai, doanh nghiệp sẽ được miễn giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ. Điều này sẽ tác động trực tiếp giúp doanh nghiệp ổn định dòng tiền khi trong mùa dịch đang phải chi ra nhất nhiều khi dòng tiền không ổn định, thậm chí có nơi dòng tiền bằng 0 và có khi phải đối mặt với các khoản phạt khi không hoàn thiện hợp đồng đúng hạn với khách hàng trong tương lai.

Do dòng tiền đang là điều cần khơi thông trong thời gian hiện tại, nên NHNN đưa ra chính sách giãn nợ, hoãn nợ gốc và nợ vay.

Còn điểm thứ ba, nó sẽ tác động đến cả 3 nhóm đối tượng, đó là cơ cấu nhóm nợ. Doanh nghiệp có các khoản vay trước thời điểm 1/8/2021 mà không có khả năng chi trả nợ trong ngắn hạn, đúng nguyên tắc phân loại nợ sẽ phải chuyển nhóm nợ, từ nhóm 1 sang nhóm 2,3 hoặc nhóm 5, nợ xấu nợ có khả năng mất vốn.

Về tác động với ngành ngân hàng, trước đó với các Thông tư 01, Thông tư 03, NHNN đã cho phép việc hoãn trong việc chuyển nhóm nợ, tuy nhiên Thông tư 01 yêu cầu các Ngân hàng hoãn, giãn nhóm nợ nhưng phải tuân thủ quy định trích lập dự phòng.

Thông tư 14 không điều chỉnh tiến độ trích lập dự phòng, tức là các ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện trích bổ sung phần chênh lệch theo tiến độ cũ, tối thiểu là 30%, 60% và 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung trong các năm 2021, 2022, 2023. Như vậy lợi nhuận của ngân hàng vẫn phản ánh đầy đủ rủi ro của COVID-19 sang các năm tiếp. Điều này sẽ phản ánh trực tiếp vào thị trường chứng khoán.

Cụ thể, thời điểm trước khi các Thông tư 01, Thông tư 03, Thông tư 14 được NHNN công bố nhóm cổ phiếu ngân hàng đã chịu ảnh hưởng rõ rệt và tác động lên chỉ số VN-Index khá nhiều. Sắc xanh của khối ngân hàng có xuất hiện, nhưng tăng rất nhẹ chứ không đột biến. Như vậy thông tin trên thị trường đã được phản ánh khá sớm với Thông tư 14, Thông tư 01 ra đời, lập tức các mã cổ phiếu tăng vọt. Nói cách khác là thị trường luôn muốn thấy các con số lợi nhuận tăng. Sau đó, vào tháng 7-8, thị trường mới thấy các tổ chức trung gian không thể cho thấy kết quả tươi đẹp, nên cổ phiếu bị ảnh hưởng, nhóm ngân hàng đã có sự giảm điểm và tác động lên chỉ số VN-Index. Diễn biến kế tiếp, nhóm này đã có sự ổn định trở lại và tăng nhẹ do nhà đầu tư kỳ vọng vào Thông tư 14, nhưng tác động của Thông tư này thực tế lại không như kỳ vọng. Bởi nhà đầu tư kỳ vọng Thông tư sẽ cho ngân hàng giãn cả nợ và giãn thời gian trích lập dự phòng.

Việc giữ nguyên tiến độ trích lập dự phòng, ngay từ Thông tư 01 đã cho phép giãn tiến độ trích lập dự phòng là một thủ tục hành chính. Trích lập dự phòng không ảnh hưởng đến dòng tiền, nó chỉ là bút toán ghi nhận, nhưng nó ghi vào lợi nhuận của ngân hàng, ông Phan Lê Thanh Long nhấn mạnh.

Theo đó, chuyên gia phân tích thêm là khi NHNN nhận thấy giãn nợ cho khách hàng nhưng không giãn thời gian trích lập dự phòng của khối ngân hàng thì các con số BCTC của các ngân hàng sẽ bị tác động. Nhưng nhìn vào cấu trúc của một số ngân hàng có hiệu quả kinh doanh vững mạnh thì họ đã làm một việc quan trọng là trích lập trước dự phòng cho báo cáo 6 tháng đầu năm, phần lớn các ngân hàng vẫn áp dụng theo Thông tư 01 về thời gian trích lập.

Nhà đầu tư có thể nhìn nhận lại các vấn đề này khi xem xét và đánh giá đúng giá trị cổ phiếu ngân hàng thay cho những kỳ vọng chính sách đặc biệt. 

Bảng so sánh những quy định của Thông tư 14 và Thông tư 03

Thông tư 14/2021/TT-NHNN

(có hiệu lực từ ngày 07/9/2021)

Thông tư 03/2021/TT-NHNN

(có hiệu lực từ ngày 17/5/2021)

1. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ

Khoản 1 Điều 1 sửa đổi Điều 4 của Thông tư 01/2020/TT-NHNN như sau:

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung)) khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

1. Phát sinh trước ngày 01/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.

2. Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 30/6/2022.

3. Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 (mười) ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại điểm b, điểm c, điểm d Khoản này;

b) Số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23/01/2020 và quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 29/3/2020;

c) Số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/01/2020 đến trước ngày 10/6/2020 và quá hạn trước ngày 17/5/2021;

d) Số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 01/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước ngày 07/9/2021.

4. Được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

5. Khách hàng có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.

6. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.

7. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid -19 đối với khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc kể từ ngày đến hạn của từng số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

8. Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thực hiện đến ngày 30/6/2022.

Khoản 2 Điều 1 sửa đổi Điều 4 của Thông tư 01/2020/TT-NHNN như sau:

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung)) khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

1. Phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.

2. Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021.

3. Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 (mười) ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này;

b) Số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23/01/2020 và quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 29/03/2020;

c) Số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/01/2020 và quá hạn trước ngày 17/5/2021.

4. Được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid -19.
5. Khách hàng có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.
6. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.

7. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid – 19 đối với khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

8. Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thực hiện đến ngày 31/12/2021.

2. Miễn, giảm lãi, phí

Khoản 2 Điều 1 sửa đổi Điều 5 của Thông tư 01/2020/TT-NHNN như sau:

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 01/8/2021 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 30/6/2022 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid -19.

2. Việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định tại Thông tư này thực hiện đến ngày 30/6/2022.

Khoản 3 Điều 1 sửa đổi Điều 5 của Thông tư 01/2020/TT-NHNN như sau:

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid - 19.
2. Việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định tại Thông tư này thực hiện đến ngày 31/12/2021

3. Giữ nguyên nhóm nợ

Khoản 3 Điều 1 sửa đổi khoản 2 Điều 6 Thông tư 01/2020/TT-NHNN như sau:

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại nợ trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư này của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/01/2020 đến trước ngày 01/8/2021 như sau:

a) Giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu đối với số dư nợ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư này;

b) Giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày khoản nợ bị chuyển quá hạn đối với số dư nợ quy định tại điểm c, điểm d khoản 3 Điều 4 Thông tư này;

c) Giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày thực hiện miễn, giảm lãi lần đầu đối với số dư nợ quy định tại Điều 5 Thông tư này.

Khoản 4 Điều 1 sửa đổi khoản 2 Điều 6 Thông tư 01/2020/TT-NHNN như sau:

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại nợ trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư này của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/01/2020 đến trước ngày 10/6/2020 như sau:
a) Giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu đối với số dư nợ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư này;

b) Giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày khoản nợ bị chuyển quá hạn đối với số dư nợ quy định tại điểm c khoản 3 Điều 4 Thông tư này;
c) Giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày thực hiện miễn, giảm lãi lần đầu đối với số dư nợ quy định tại Điều 5 Thông tư này.

Có thể bạn quan tâm

  • Gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất của doanh nghiệp

    Gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất của doanh nghiệp

    10:00, 19/02/2021

  • Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát chặt việc giảm lãi suất

    Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát chặt việc giảm lãi suất

    05:04, 12/09/2021

  • Sao kê tài khoản ngân hàng mùa dịch có khó?

    Sao kê tài khoản ngân hàng mùa dịch có khó?

    05:15, 11/09/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thông tư 14/2021 tác động tới doanh nghiệp và nhà đầu tư ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO