Chuyên gia cho rằng, cơ chế thử nghiệm cho vay ngang hàng phải chọn lọc kỹ, đúng nghĩa chỉ kết nối bên vay và bên cho vay, tránh trường hợp hoạt động như tổ chức tín dụng, áp lãi suất "cắt cổ"…
>>Cấp bách đưa cho vay ngang hàng vào khuôn khổ
Theo đó, Dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước đưa ra lấy ý kiến. Cụ thể, các giải pháp Fintech trong lĩnh vực ngân hàng được phép thử nghiệm tại Cơ chế thử nghiệm gồm chấm điểm tín dụng; chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở; cho vay ngang hàng (P2P Lending).
Trong đó, giải pháp cho vay ngang hàng là giải pháp cho vay bằng đồng Việt Nam trên nền tảng số được thiết kế và thực hiện dựa trên ứng dụng công nghệ tài chính do công ty cho vay ngang hàng tham gia Cơ chế thử nghiệm cung cấp để kết nối bên đi vay với bên cho vay. Công ty cho vay ngang hàng là công ty Fintech cung cấp giải pháp cho vay ngang hàng ra thị trường.
Thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech tối đa 2 năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể, tính từ thời điểm được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm.
Công ty cho vay ngang hàng được xem xét cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm khi giải pháp đáp ứng các tiêu chí và các điều kiện. Ngoài ra, người đại diện theo pháp luật, tổng giám đốc (giám đốc) không có án tích, không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và an ninh mạng; không đồng thời là chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tài chính, tín dụng, cầm đồ, kinh doanh đa cấp, là chủ các dây hụi, họ, biêu, phường hoặc đang là thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán…
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trong quá trình thử nghiệm, tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm có trách nhiệm ban hành và cung cấp cho khách hàng hướng dẫn khuyến cáo rủi ro khi tham gia sử dụng giải pháp Fintech trong thời gian thử nghiệm. Tiền của khách hàng được sử dụng theo thỏa thuận giữa công ty cho vay ngang hàng và khách hàng khi thực hiện giải pháp cho vay ngang hàng, phù hợp với quy định tại Nghị định này và pháp luật liên quan.
>>Rủi ro vay ngang hàng
Bình luận nội dung này với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Lee và Cộng sự cho biết, dù Luật các tổ chức tín dụng cấm các công ty không phải là tổ chức tín dụng huy động vốn và cho vay, nhưng trên thực tế rất nhiều công ty thương mại dịch vụ mở app cho vay. Các đơn vị này huy động của các cá nhân góp vốn và cho vay không chỉ cá nhân mà cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có tài sản thế chấp. Trước thực tế như trên, cơ quan quản lý phải luật hóa để kiểm soát chặt hoạt động cho vay ngang hàng.
"Cơ quan quản lý cần phải quy định cụ thể về hạn mức cho vay, để nếu rủi ro xảy ra cũng không gây ảnh hưởng quá lớn đến xã hội. Ngoài ra, cũng phải yêu cầu các công ty P2P có vốn pháp định bao nhiêu, bảo hiểm bao nhiêu phần trăm...", luật sư Nhung đề nghị.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, cơ chế thử nghiệm cho hoạt động P2P Lending đã từng được lấy ý kiến. Theo ông Hiếu, nếu được quản lý chặt chẽ thì P2P Lending có thể giảm bớt gánh nặng cho ngân hàng vì mô hình này phục vụ các khoản vay dưới chuẩn - là phân khúc mà các ngân hàng không thể đáp ứng - do phải tuân theo các điều kiện, quy định rất nghiêm ngặt theo Luật Các tổ chức tín dụng.
Theo đúng nghĩa, cho vay ngang hàng đúng nghĩa chỉ là đơn vị đứng ở giữa "chắp mối" cho bên vay và bên cho vay rồi thu phí. Nhưng theo ông Hiếu, thời gian qua hoạt động của các công ty này rất bát nháo, không ai kiểm soát. Từ đó dẫn đến biến tướng cho vay nặng lãi, không khác gì tín dụng đen.
"Nhiều công ty còn biến tướng theo kiểu thay vì ở giữa kết nối giữa bên vay và bên cho vay, họ còn huy động vốn và cho vay không khác gì tổ chức tín dụng. Do vậy trong cơ chế thử nghiệm, NHNN phải làm sao kiểm soát được tình trạng này. Chưa kể bên cạnh những công ty trong nước, trên thị trường còn xuất hiện một số công ty P2P có vốn nước ngoài. Nhất là sau khi vỡ nợ hàng loạt tại Trung Quốc vào năm 2019, có lo ngại rằng nhiều công ty P2P Trung Quốc sẽ tràn qua Việt Nam hoạt động cho vay nặng lãi nhưng trá hình tín dụng đen", ông Hiếu nói.
“Trong cơ chế thử nghiệm phải chọn lọc kỹ, sao cho các công ty tham gia lĩnh vực này phải đúng nghĩa là cho vay ngang hàng, tức là chỉ kết nối bên vay và bên cho vay, công ty phải có địa chỉ rõ ràng, phải có vốn điều lệ nhất định… Không để mang danh là kết nối nhưng lại hoạt động như tổ chức tín dụng, áp lãi suất "cắt cổ", người vay không trả được nợ thì gây áp lực, chiếm đoạt tài sản”, vị chuyên gia đề xuất.
Có thể bạn quan tâm