Không chỉ khiến doanh nghiệp quan ngại về gánh nặng chi phí, việc chính thức thu phí cảng biển của TP. HCM từ 1/4 tới đây còn được cho sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi của doanh nghiệp.
>>Khởi động thu phí cảng biển tại TP. HCM: Doanh nghiệp lại lo gánh nặng… chi phí
Trong bối cảnh Chính phủ đang có nhiều biện pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp,… việc UBND TP. Hồ Chí Minh khởi động thu phí cảng biển tại thời điểm hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp không khỏi lo lắng khi gánh nặng về chi phí tiếp tục hiện hữu.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, trước thực trạng đã nêu, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản không khỏi lo lắng, và cho rằng, thời điểm hiện nay, việc vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển là chưa phù hợp, làm tăng gánh nặng về chi phí, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn và chưa thực sự phục hồi.
Thực tế, với hàng loạt chi phí phát sinh, cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và những biến động gần đây của thị trường trong và ngoài nước, doanh nghiệp thủy sản thực sự đứng trước nhiều thách thức.
>>> Thu phí cảng biển TP HCM: Tiền thu phải đầu tư, nâng cấp đường vào cảng
Trao đổi với PV, ông Huỳnh Thanh Lĩn – Giám đốc Xuất nhập khẩu, Công ty TNHH Hải Vương (Khánh Hòa) cho biết, doanh nghiệp đang đối diện với vô vàn khó khăn về chi phí như: chi phí cước tàu biển tăng phi mã từ 2021 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; giá xăng dầu leo thang chưa có tiền lệ, làm cho chi phí vận chuyển nội địa đồng loạt tăng theo; dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, doanh nghiệp vẫn hàng ngày phải chi nhiều khoản chi phí phòng dịch để cố gắng duy trì sản xuất;...
“Việc triển khai thu thêm phí hạ tầng cảng biển vào lúc này không chỉ tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, mà còn làm giảm khả năng phục hồi sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp do chi phí tăng cao”, ông Lĩn chia sẻ.
Theo ông Lĩn, với mức thu phí của TP. HCM đã đưa ra đối với doanh nghiệp ngoài tỉnh, Công ty TNHH Hải Vương sẽ phải chịu mức phí là 01 triệu đồng/container xuất nhập khẩu, với quy mô của Hải Vương hiện nay, xuất nhập khẩu 01 năm từ 400 - 450 container thì khoản phí phải chịu thêm là từ 400 - 450 triệu đồng/năm.
Còn theo ông Lê Văn Tiến – Giám đốc Xuất nhập khẩu, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau), tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay còn khá phức tạp, đặc biệt là những ngày cuối tháng 2 vừa qua khi số ca nhiễm không ngừng tăng cao. Năm 2021, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thủy sản… Việc TP. HCM áp dụng thu phí cảng biển từ ngày 01/04/2022 càng tạo thêm nhiều áp lực cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, khiến khó khăn lại chồng chất khó khăn.
“Việc áp dụng mức thu phí như đã công bố, khiến mỗi tháng doanh nghiệp phải phát sinh thêm từ 200 - 300 triệu đồng, nếu tính cả năm con số này cũng lên tới 2,4 – 3,6 tỷ đồng, đây là con số không nhỏ trong lúc doanh nghiệp đang rất khó khăn như hiện nay”, ông Tiến chia sẻ.
Đáng nói, không chỉ tạo thêm gánh nặng về chi phí, đe dọa năng lực phục hồi của doanh nghiệp, việc thu phí cảng biển tại TP. HCM còn được cho tồn tại nhiều bất cập khi các doanh nghiệp mở tờ khai tại hải quan TP. HCM và các doanh nghiệp mở tờ khai ngoài TP. HCM lại phải chịu 2 mức phí khác nhau (mức phí của các doanh nghiệp mở tờ khai ngoài TP. HCM cao gấp đôi doanh nghiệp mở tờ khai tại địa phương này). Việc này, không chỉ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp với nhau, mà còn có thể tạo nên làn sóng các doanh nghiệp ở tỉnh đổ xô về TP. HCM mở tờ khai hải quan dẫn đến ùn ứ hồ sơ, thủ tục và hàng hóa.
Bên cạnh đó là việc thiếu công khai, minh bạch trong thu và sử dụng phí này vào mục đích gì, đầu tư, xây dựng tuyến đường nào để phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu đến các cảng biển của TP. HCM... tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến lạm thu nhưng mục tiêu đề ra không thực hiện.
Thực trạng đã nêu khiến dư luận hết sức quan ngại, trong khi, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình với mục tiêu phục hồi và phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025: tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.
Cùng với đó là tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân; phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả;… Thế nhưng, việc UBND TP. HCM khởi động thu phí cảng biển tại thời điểm hiện nay dường như đang đi ngược lại những Chủ trương phục hồi và phát triển kinh tế.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, ngày 25/02/2022, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 908/BCT-ĐB đề nghị UBND TP. HCM tham khảo đầy đủ ý kiến các bộ, ngành có liên quan như: Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, các Hiệp hội doanh nghiệp trước khi chính thức áp dụng thu phí để đảm bảo hài hòa lợi ích, phù hợp với các cam kết quốc tế, cũng như tránh ảnh hưởng đến quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước đối tác.
Có thể bạn quan tâm
Khởi động thu phí cảng biển tại TP. HCM: Doanh nghiệp lại lo gánh nặng… chi phí
03:30, 02/03/2022
Thu phí cảng biển TP HCM: Tiền thu phải đầu tư, nâng cấp đường vào cảng
11:00, 28/02/2022
Sau nhiều lần tạm hoãn, TP HCM thử nghiệm thu phí cảng biển
11:23, 17/02/2022
Đề nghị dừng thu phí cảng biển năm 2021 và giảm 50% năm 2022
02:00, 20/10/2021
Đề xuất lùi thời gian thu phí cảng biển TP HCM: 3 tháng là quá ngắn!
04:00, 23/06/2021