Bất động sản

Thủ tướng yêu cầu rà soát đấu giá đất cao bất thường

Diệu Hoa 21/08/2024 20:09

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 21/8/2024 chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.

img_0527.jpeg
Đất đấu giá ngoại thành Hà Nội xác lập mặt bằng giá mới. Ảnh: DH

Xử nghiêm hành vi trục lợi đấu giá đất

Công điện nêu rõ, vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2024, trong đó có quy định về việc đấu giá quyền sử dụng đất. Một số địa phương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đạt kết quả, góp phần bổ sung nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, có trường hợp cao bất thường được cơ quan thông tin đại chúng phản ánh đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, có thể tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh và thị trường nhà ở, bất động sản.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.

Giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng các Bộ Tư pháp, Tài chính, Xây dựng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất. Kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý và đề xuất phương án xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng gây nhiễu loạn thị trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/8/2024.

Giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đánh giá cụ thể các tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, nhất là các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường (cung, cầu) nhà ở, bất động sản, chủ động điều tiết, giải quyết theo thẩm quyền và có giải pháp xử lý hiệu quả hoặc đề xuất các giải pháp hạn chế các tác động tiêu cực (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền sử dụng đất nhất là các hành vi cấu kết thao túng thị trường, thổi giá để tạo ra thị trường không lành mạnh, không đúng thực tế để trục lợi.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ trên khẩn trương hướng dẫn, tổ chức tập huấn cho các địa phương về các chính sách mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Giá đất nóng "bỏng tay"

Ngay sau các phiên đấu giá
Tràn lan thông tin rao bán, sang nhượng sau các phiên đấu giá. Ảnh: DH

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trước đó, chỉ trong 10 ngày, 2 phiên đấu giá với tổng số 87 lô đất ở 2 huyện ngoại thành là Thanh Oai và Hoài Đức ghi nhận sự tham gia của hơn 2.000 người, với khoảng hơn 3.000 hồ sơ đã gây nên những làn sóng trái chiều trên dư luận.

Trong đó, tại phiên đấu giá của huyện Thanh Oai, lô đất được đấu trúng giá cao nhất là hơn 100 triệu đồng/m2 đã thiết lập thêm kỷ lục trong thị trường đất nền vùng ngoại thành Hà Nội. Đến ngày 19/8, phiên đấu giá 19 lô đất kéo dài hơn 19 tiếng ở xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức đã xô đổ kỷ lục ở huyện Thanh Oai khi mức trúng giá hơn 133 triệu đồng/m2, gấp hơn 18 lần giá khởi điểm.

Đáng chú ý, theo dữ liệu giá của Batdongsan.com.vn, mức giá khởi điểm ở cả 2 phiên có phần thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung khu vực. Trong khi giá trúng lại cao gấp 2-4 lần.

Hiện mức giá phổ biến ở khu vực này chỉ giao động quanh mức 27 triệu đồng/m2. So với mặt bằng chung, mức giá trúng đấu giá từ 63 – 100 triệu đồng/m2 cho những lô đất tại xã Thanh Cao trong phiên đấu giá ngày 10/8/2024 cao hơn gấp 2,3 đến 3,7 lần.

Cũng theo Batdongsan.com.vn ở các xã lân cận thuộc huyện Thanh Oai, mức giá rao bán đất phổ biến ở khu vực này dao động từ 20 đến 30 triệu đồng/m2.

Trong khi đó tại Hoài Đức, giá rao bán phổ biến đất nền ở xã Tiền Yên trong quý 2/2024 là 43 triệu đồng/m2. Trong vòng 1 năm qua, giá đất ở địa phương này đã tăng hơn 48%.

Theo các chuyên gia, kết quả đấu giá đất với mức giá cao như vậy sẽ khiến chi phí giải phóng mặt bằng cho các dự án mới trở nên đắt đỏ hơn. Với mức giá trúng đấu giá cao hơn mặt bằng chung từ 2 đến 3 lần, người dân sở hữu đất ở khu vực xung quanh có tâm lý đẩy giá bán đất của mình theo.

Mức giá đất cao đột biến cũng có thể tạo ra xu hướng đầu cơ đất đai, khi nhiều người đổ xô mua đất với hy vọng kiếm lợi nhuận từ việc giá đất tiếp tục tăng.

Chuyên gia lưu ý điều này có thể gây ra tình trạng dòng tiền bị ứ đọng vào đất, thay vì được lưu thông trong các hoạt động kinh tế khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thủ tướng yêu cầu rà soát đấu giá đất cao bất thường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO