Thừa Thiên Huế: Hút đầu tư vào các thiết chế cần thiết, thể hiện tính đồng bộ

NGUYỄN HÀ 19/05/2021 01:06

Đón đầu cơ hội thu hút đầu tư sau dịch COVID-19, Thừa Thiên Huế kỳ vọng trở thành một trong những trung tâm sản xuất mới của thế giới trong thu hút dòng vốn FDI dồi dào vào các khu công nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy chế xuất Billion Max Việt Nam cho đại diện nhà đầu tư

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy chế xuất Billion Max Việt Nam cho đại diện nhà đầu tư (Ảnh: Thuathienhue.gov.vn)

Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền trung, có sân bay quốc tế Phú Bài, cảng nước sâu Chân Mây, khu di sản văn hóa thế giới..., những năm qua, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh thu hút đầu tư; tăng cường đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, quyết tâm xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương đến năm 2025.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian qua, tỉnh đã chủ trương xây dựng môi trường đầu tư theo hướng công khai, minh bạch các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn. Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh cùng nhiều giải pháp triển khai cụ thể, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án đầu tư quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Được biết, trong năm 2020, trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có điều chỉnh các phương án xúc tiến đầu tư để thích ứng với tình hình thực tế, trong đó, tỉnh đã tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thành lập Tổ công tác hỗ trợ các thủ tục đầu tư nhằm tạo môi trường thông thoáng, liên thông, một cửa hỗ trợ các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng…; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm nhằm kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm tìm hiểu, đầu tư vào địa bàn.

Nhờ đó, năm 2020, tỉnh thu hút được 32 dự án đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký 10.963 tỷ đồng, trong đó, 06 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 427,38 tỷ đồng, 26 dự án trong nước với vốn đăng ký 10.535 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm có 38 dự án điều chỉnh với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 2.986 tỷ đồng. Tổng cộng năm 2020 thu hút tổng vốn đầu tư khoảng là 14.000 tỷ đồng, vượt khoảng 140% kế hoạch đề ra.

Năm 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế có thêm các dự án đăng ký mới như: Dự án Tổ hợp Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô; Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam; Dự án Khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Vinh Mỹ; Dự án Sân golf quốc tế…

Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong bối cảnh Việt Nam được xác định là điểm đến an toàn của thế giới; nhiều Hiệp định Thương mại tự do có hiệu lực và tận dụng chiến lược của các nhà sản xuất nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất,… Đón đầu cơ hội thu hút đầu tư sau dịch bệnh COVID-19, Thừa Thiên Huế kỳ vọng trở thành một trong những trung tâm sản xuất mới của thế giới trong việc thu hút dòng vốn đầu tư FDI dồi dào vào các khu công nghiệp.

“Trong năm 2021, căn cứ Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị, với mục tiêu đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á, tỉnh sẽ chú trọng thu hút các nhà đầu tư vào hình thành và phát triển khu công nghệ thông tin tập trung; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm giáo dục đào tạo; trung tâm logistic; phát triển lĩnh vực dịch vụ du lịch và nông nghiệp công nghiệp cao; phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu phi thuế quan, khu đô thị, hạ tầng cảng biển”, Giám đốc Nguyễn Đại Vui cho biết.

Giám đốc Vietcombank Huế (bên trái) và Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế (bên phải) trao Bản ghi nhớ hợp tác sau khi ký kết

Giám đốc Vietcombank Huế (bên trái) và Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế (bên phải) trao Bản ghi nhớ hợp tác sau nhằm tăng cường hợp tác giữa hai bên trong việc nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá điểm đến du lịch, góp phần tác động tích cực tới các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Hiện nay, thực hiện “mục tiêu kép” vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa phát triển kinh tế, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tiếp tục hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả cho các nhà đầu tư đang triển khai dự án, các nhà đầu tư đang sản xuất kinh doanh nhằm tăng nguồn thu ngân sách; Tỉnh tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các bất cập, vướng mắc về vốn và các dịch vụ tài chính ngân hàng; tạo sự gắn kết hơn nữa giữa chính quyền và doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục quan tâm tới công tác đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới, để cung cấp, đón đầu các dự án FDI trọng điểm.

Trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định từng bước hình thành hệ thống các khu công nghiệp gắn với phát triển các đô thị, có vai trò dẫn dắt sự phát triển công nghiệp của tỉnh; Tập trung đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô theo hướng nhanh và bền vững, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Đặc biệt, địa phương này sẽ chú trọng thu hút đầu tư các thiết chế cần thiết và thể hiện tính đồng bộ như: hình thành các khu đô thị, hạ tầng cảng biển; khu công nghệ thông tin tập trung; trung tâm y tế chuyên sâu, chuẩn bị sẵn sàng một số quỹ đất để kêu gọi đầu tư các dự án y tế chất lượng cao; trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực; trung tâm logistics trở thành các ngành chủ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới; đẩy mạnh phát triển bất động sản khu công nghiệp.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phép mới 8 dự án với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, bao gồm: Dự án hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải tại Nhà máy xi măng Đồng Lâm; Dự án xưởng sản xuất các sản phẩm tranh Pháp Lam Cung Đình; Dự án Nhà máy cán tôn và sản xuất cấu kiện thép; Dự án khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp tại khu vực đồi Trốc Voi 3 (Khu vực 2); Dự án khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp tại khu vực thôn Hiền Sỹ; Dự án Nhà máy may Hương Sơ; Dự án Nhà ở xã hội tại khu đất ký hiệu XH1, thuộc khu C - Đô thị mới An Vân Dương; Dự án Thành phố truyền thông thông minh.

Có thể bạn quan tâm

  • Giáo dục nghề nghiệp đã sẵn sàng “bắt nhịp” với làn sóng đầu tư vào Việt Nam

    Giáo dục nghề nghiệp đã sẵn sàng “bắt nhịp” với làn sóng đầu tư vào Việt Nam

    16:54, 11/11/2020

  • Vaccine COVID-19: “Cấp bách” bây giờ - “sẵn sàng” cho tương lai!

    Vaccine COVID-19: “Cấp bách” bây giờ - “sẵn sàng” cho tương lai!

    15:04, 18/05/2021

  • Mỹ đẩy mạnh nỗ lực phân phối vaccine Covid-19 ra toàn cầu

    Mỹ đẩy mạnh nỗ lực phân phối vaccine Covid-19 ra toàn cầu

    14:05, 18/05/2021

  • Thừa Thiên Huế sắp lên thành phố trực thuộc TW: Giá đất tăng nhưng khó

    Thừa Thiên Huế sắp lên thành phố trực thuộc TW: Giá đất tăng nhưng khó "sốt"

    17:00, 30/04/2021

  • Động lực nào để Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương

    Động lực nào để Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương

    21:56, 27/04/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thừa Thiên Huế: Hút đầu tư vào các thiết chế cần thiết, thể hiện tính đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO