Kinh tế

Thúc đẩy nguồn tài chính xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam

Yến Nhung 13/09/2024 04:00

Việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính trong nước và quốc tế đóng vai trò quan trọng và cấp bách để hướng tới phát triển bền vững.

Việt Nam đã xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg (ngày 1/10/2021) phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Dự thảo) do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo - Ảnh minh họa: ITN
Việt Nam đã xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách - Ảnh minh họa: ITN

Tuy nhiên, nhu cầu tài chính cho các biện pháp giảm phát thải trong từng lĩnh vực theo cam kết môi trường của Việt Nam đến năm 2030 là khoảng 68,75 tỷ USD. Trong đó, nguồn quốc gia tự thực hiện dự báo khoảng 24,72 tỷ USD, chiếm 36% và nhu cầu đối với nguồn lực hỗ trợ của quốc tế dự kiến khoảng 44,03 tỷ USD, chiếm 64%.

Việt Nam đang rất cần nguồn lực để thực hiện các cam kết về khí hậu theo Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) về thích ứng với biến đổi khí hậu và các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững quốc gia. Do đó, việc huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực tài chính trong-ngoài nước và từ các khu vực khác nhau trong nền kinh tế là rất quan trọng và cấp thiết nhằm đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững.

Nhấn mạnh xanh hóa nền kinh tế là chặng đường chuyển đổi tư duy và chính sách toàn diện, cần có lộ trình cụ thể cũng như huy động đủ các nguồn lực, ông Lê Hoàng Lân, Vụ Tài chính, tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh. Các dự án xanh hiện tại còn dàn trải, phân mảnh, chủ yếu được tổ chức theo từng bộ, ngành, lĩnh vực, thiếu cơ chế hỗ trợ xuyên suốt cho các công nghệ xanh mới và đột phá.

Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc còn tồn tại, thúc đẩy hoạt động tài chính xanh ở Việt Nam, ông Lê Hoàng Lân gợi ý các giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tài chính.

Thứ nhất, đối với nhóm tín dụng xanh, các tổ chức tín dụng cần được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi hoặc có cơ chế chia sẻ lãi suất cho vay với các tổ chức tín dụng để có thể cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh.

Mặt khác, phát triển các ngành kinh tế xanh đòi hỏi đồng bộ các giải pháp, cơ chế từ chính sách thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển của từng ngành, lĩnh vực; trên cơ sở đó mới thu hút và phát huy được tác dụng của nguồn vốn tín dụng xanh. Tăng cường năng lực cho các tổ chức tín dụng trong việc lựa chọn, thẩm định, giám sát các khoản cấp tín dụng xanh.

Thứ hai, đối với nhóm trái phiếu xanh, cần tăng cường minh bạch công bố thông tin của các doanh phát hành trái phiếu xanh, các báo cáo về sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu xanh cần được đánh giá một cách minh bạch, khách quan từ tổ chức có chuyên môn và được công khai để bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể theo dõi nguồn vốn của mình trong từng dự án xanh.

Thứ ba, xây dựng định hướng cho doanh nghiệp các danh mục dự án xanh ưu tiên, ưu đãi theo lộ trình từ nay đến 2050. Để huy động được nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân, các tổ chức tín dụng tham gia vào tăng trưởng xanh, Chính phủ Việt Nam phải khuyến khích thúc đẩy môi trường thể chế, pháp luật để khu vực tư nhân đầu tư vào những ngành chủ yếu gây phát thải như: năng lượng, giao thông, nông nghiệp và sản xuất nhanh hơn, đơn giản hơn, rẻ hơn, doanh nghiệp có áp dụng quy trình tái chế trong quá trình sản xuất, bao gồm: nguyên liệu đầu vào, nhiên liệu trong sản xuất, sản phẩm đầu ra có khả năng tái chế tuần hoàn.

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% đặt ra từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp - Ảnh minh họa: ITN
Việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính trong nước và quốc tế đóng vai trò quan trọng và cấp bách - Ảnh minh họa: ITN

Đồng quan điểm, từ thực tiễn doanh nghiệp, bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc Phát triển Bền vững, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng chỉ ra một số khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận tài chính xanh.

Đầu tiên là thiếu thông tin về các đơn vị cấp tín dụng xanh và chi phí tài chính thực tế, tiêu chí dự án xanh chưa cụ thể, rõ ràng. Trong khi, các quỹ tín dụng xanh đa phần không chấp nhận tài sản đảm bảo, do đó doanh nghiệp cần có bảo lãnh ngân hàng. Đặc biệt, các dự án hầu hết có quy mô nhỏ nên khó tiếp cận vốn vay nước ngoài cộng thêm rủi ro về chênh lệch tỷ giá.

Theo đó, bà Diệp Thị Kim Hoàn đề xuất một số giải pháp quan trọng, nhằm thúc đẩy nguồn vốn xanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.

Cụ thể, cần phát triển khung pháp lý với các tiêu chí đánh giá dự án xanh rõ ràng, có các chính sách hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (như ưu đãi lãi suất, gia hạn thời gian trả nợ, bảo lãnh tín dụng cho các dự án xanh, thủ tục đơn giản); tạo quỹ đầu tư xanh để hỗ trợ tài chính cho các dự án của doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là trong các lĩnh vực (như năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, hạ tầng dựa theo tự nhiên).

Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể liên kết với các tổ chức quốc tế, tham gia vào các dự án hợp tác hoặc nhận tận dụng các chương trình hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế (như World Bank, IFC hoặc ADB…).

“Cần thúc đẩy mạnh mẽ nguồn tài chính xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam,” bà Diệp Thị Kim Hoàn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thúc đẩy nguồn tài chính xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO