KCN Nhật Bản đã thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng trong chuyến đi khảo sát thực tế tại KCN Nhật Bản.
>>>Cấp bách bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số
Theo báo cáo của KCN Nhật Bản - Hải Phòng, hiện KCN có 50 doanh nghiệp đã được cấp giấy phép đầu tư. Các doanh nghiệp trong KCN luôn tuân thủ đúng các quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường. KCN được xây dựng và vận hành liên tục các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; hệ thống thu gom nước mưa tràn mặt riêng biệt. Hệ thống thu gom nước thải công nghiệp được đấu nối bằng đường ống ngầm (100% doanh nghiệp đấu nối). Nước thải được các doanh nghiệp xử lý sơ bộ đạt tiêu chuẩn. Hệ quan trắc tự động, liên tục KCN đã hoàn thành việc lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động cho nhà máy xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp....
Qua kiểm tra kết quả cho thấy, các thông số nước thải nằm trong giới hạn cho phép theo các chỉ tiêu trong Quy chuẩn hiện hành. KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung, đảm bảo công suất xử lý lượng nước thải của 100% các doanh nghiệp thứ cấp, chất lượng nước thải sau xử lý luôn đạt quy chuẩn hiện hành; lắp đặt đầy đủ các thiết bị và vận hành liên tục hoạt động của hệ thống quan trắc tự động để giám sát chất lượng nước thải sau xử lý.
Theo KCN Nhật Bản: Đến nay, có 100% các doanh nghiệp đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN. Nhà máy xử lý nước thải tập trung sau khi được nâng cấp cải tạo có tổng công suất là 4.000 m3/ngày đêm, xử lý theo công nghệ sinh học, được vận hành thường xuyên, liên tục. Nước sau xử lý đạt QCVN 40:2011/BTNMT. Kết quả giám sát, quan trắc nước thải định kỳ đều cho thấy nước thải đạt quy chuẩn cho phép. Chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại được phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý theo đúng hợp đồng ký kết với đơn vị có đủ chức năng. Ngoài ra, khối lượng chất thải cũng được tổng hợp báo cáo định kỳ.
Theo ông Bùi Đức Quang - Phó Chủ tịch HĐND TP. Hải Phòng: Qua khảo sát thực tế, nghe báo cáo Phó Chủ tịch HĐND TP. Hải Phòng đã đánh giá KCN Nhật Bản - Hải Phòng là đơn vị làm tốt, bài bản các nội dung từ quản lý điều hành đến tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Đáng chú ý, việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý nước thải, khí thải, chất thải rắn và tiếng ồn được đơn vị thực hiện nghiêm túc trên cơ sở tự giám sát theo cam kết, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời. Đơn vị cũng lắp đặt đầy đủ các thiết bị và vận hành liên tục hoạt động của hệ thống quan trắc tự động để giám sát chất lượng nước thải sau xử lý tại hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định.
Trước một số khó khăn, hạn chế phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện, Phó Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng đề nghị công ty Phát triển KCN Nhật Bản - Hải Phòng tiếp thu, rà soát các đầu việc chưa thực hiện tốt để hoàn thiện; phối hợp chặt chẽ với địa phương, đơn vị liên quan trong thực hiện các quy định của Pháp luật về bảo vệ môi trường. Từ đó kịp thời cập nhật các quy định mới để áp dụng phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị.
Bên cạnh đó, với một số kiến nghị của đơn vị liên quan quá trình thực hiện công tác bảo vệ môi trường, ông Quang cho biết, sẽ tiếp thu, ghi nhận và sẽ có ý kiến với các cấp có thẩm quyền xem xét trả lời.
Mới đây, Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND thành phố giám sát tại UBND huyện Thủy Nguyên và Làng nghề đúc cơ khí Mỹ Đồng. Theo báo cáo của huyện Thủy Nguyên, huyện có diện tích tự nhiên 26.187,8 ha, dân số trên 330.000 người, phân bố ở 35 xã và 02 thị trấn. Trên địa bàn huyện đã hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị lớn, nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động, cùng với các làng nghề làm tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tốc độ đô thị hóa nhanh làm gia tăng dân số cơ học, gia tăng chất thải sinh hoạt, gây nhiều ảnh hưởng xấu đến môi trường. Công tác thu gom, xử lý rác thải tại các xã, thị trấn trong thời gian qua đã được các cấp, các ngành quan tâm. 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã xây dựng đề án và triển khai, tổ chức thực hiện, thành lập tổ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, vận động đóng góp kinh phí xã hội hóa.
Hàng năm, các cấp chính quyền từ huyện đến thành phố đã quan tâm dành khoản kinh phí nhất định để hỗ trợ UBND các xã, thị trấn thực hiện vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt; mua sắm, trang bị xe đẩy tay, thùng chứa rác, bảo hộ lao động cho người tham gia thu gom, vận chuyển rác thải. Về cơ bản, UBND huyện Thủy Nguyên đã kịp thời tham mưu, quản lý, giám sát công tác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn, không để xẩy ra các điểm nóng phức tạp về ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, UBND các xã chưa phối hợp chặt chẽ với các tổ chức từ khâu thu phí đến việc chi trả lương, phụ cấp cho người lao động làm công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; hầu hết giao khoản cho hợp tác xã hoặc tổ thu gom. Công tác quản lý, xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường còn buông lỏng. Làng nghề đúc Mỹ Đồng, Làng nghề bún Thiên Hương có nhiều hộ đang hoạt động sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư và các cơ sở trong khu làng nghề tập trung đều chưa có khu xử lý nước thải, chất thải... tiềm ẩn nguy cơ lớn về ô nhiễm môi trường.
Qua đi khảo sát thực tế tại Làng nghề đúc Mỹ Đồng, nghe báo cáo và ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, phát biểu tại buổi giám sát, ông Bùi Đức Quang - Phó Chủ tịch HĐND thành phố cho biết: Thủy Nguyên có địa bàn rộng, dân số đông nhưng UBND huyện đã quan tâm, triển khai quyết liệt, thực hiện khá tốt các quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường, đề nghị huyện Thủy Nguyên tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn; quan tâm bảo vệ nguồn nước, xử lý nước thải, chất thải sinh hoạt...
Tại buổi kiểm tra thực tế, ông Quang đề nghị UBND huyện tiếp thu các ý kiến các thành viên Đoàn giám sát đã chỉ ra để bổ sung, hoàn thiện lại báo cáo gửi Đoàn giám sát. Đối với những kiến nghị của UBND huyện, Đoàn giám sát tiếp thu, tổng hợp để có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu cơ chế, giải pháp tháo gỡ.
Có thể bạn quan tâm