Đó là chia sẻ của ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban BQL KKT Hải Phòng tại buổi làm việc giữa BQL KKT Hải Phòng với đoàn công tác Khu kinh tế tự do Chungbuk, Hàn Quốc mới đây.
>>>Hải Phòng: Tiếp tục tăng cường hợp tác với Israel và TP. Thâm Quyến, Trung Quốc
>>>Hải Phòng: Kết nối chuyển giao khoa học công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc
Theo ông Lê Trung Kiên, việc TP Hải Phòng tập trung thu hút đầu tư nước ngoài cũng chính là mong muốn được tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng của các doanh nghiệp nước ngoài. Đó là các doanh nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vệ tinh.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác Khu kinh tế tự do Chungbuk, Hàn Quốc, ông Lê Trung Kiên cho biết, TP Hải Phòng mong muốn tỉnh Chungbuk hỗ trợ về việc chuyển giao công nghệ, đào tạo các doanh nghiệp của Hải Phòng tiếp cận với khoa học công nghệ; đưa lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh Chungbuk đến TP Hải Phòng để địa phương tiếp cận và được chuyển giao công nghệ; mong muốn sang trực tiếp để tìm hiểu thêm về Khu kinh tế tự do Chungbuk; tìm hiểu về các trung tâm nghiên cứu, hỗ trợ cho các ngành nghiên cứu...
Đặc biệt là những hoạt động hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại, văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, y tế, khoa học, nông nghiệp và lao động; thúc đẩy hợp tác, trao đổi nguồn lao động. Đồng thời hy vọng, sau buổi làm việc này, 2 bên sẽ nghiên cứu ký kết một biên bản hợp tác cụ thể trên tất cả các lĩnh vực, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác cũng như phát triển kinh tế, xã hội của TP Hải Phòng và tỉnh Chungbuk (Hàn Quốc).
“Ngày 22/9 tới đây, BQL KKT Hải Phòng sẽ tổ chức hội nghị trao giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án đầu tư vào KCN, KKT Hải Phòng trong tháng 9 với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 1 tỷ USD. Trong đó, có 1 dự án đến từ Hàn Quốc đó là Tập đoàn SKC. Ngoài ra, còn có dự án thuộc Công ty TNHH Công nghệ máy văn phòng Kyocera Việt Nam (Nhật Bản) và các nhà đầu tư khác…”, ông Kiên cho biết thêm.
Thực tế, Hải Phòng hiện có rất nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc đến đầu tư. Các lĩnh vực được tập trung đầu tư là: điện tử, phụ tùng ô-tô, máy móc… Các dự án tiêu biểu của Hàn Quốc tại Hải Phòng: Tập đoàn LG, Heesung… Hiện các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư 10 tỷ USD vào địa phương này, chiếm 12% trong tổng số 81,5 tỷ USD vốn đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu về cả số dự án và số vốn đầu tư trong tổng số 42 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại TP Hải Phòng.
Ông Maeng Gyeong Jae - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Khu kinh tế tự do Chungbuk cho biết, Chungbuk là địa phương nằm ở trung tâm Hàn Quốc, giao thông thuận lợi, độ kết nối cao. Chungbuk hiện là địa phương phát triển mạnh về các ngành công nghệ cao, chuyên sản xuất linh kiện điện tử, năng lượng mặt trời, sinh hóa, mỹ phẩm, xe điện, công nghiệp hữu cơ. Đặc biệt, đây cũng là khu vực cốt lõi của các lĩnh vực công nghệ về sản xuất và nghiên cứu bao gồm rất nhiều doanh nghiệp nổi tiếng, hiện đại và cũng tập trung 6 cơ quan y tế của quốc gia Hàn Quốc.
Cũng theo ông Maeng Gyeong Jae, tỉnh Chungbuk đánh giá rất cao về trình độ phát triển KHCN của TP Hải Phòng và mong muốn rằng 2 bên sẽ kết hợp với nhau, trao đổi những công nghệ tối ưu nhất, những công nghệ sẽ giúp ích cho sự kết hợp, phát triển giữa 2 địa phương.
Được biết, Hải Phòng được xác định là thành phố cảng quan trọng, trung tâm công nghiệp, cảng biển; đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ của Việt Nam. Đến nay, TP Hải Phòng đã có 14 KCN được thành lập với tổng diện tích 6.100 ha (3 KCN giai đoạn 1993-2007; 9 KCN giai đoạn 2008-2013 và 2 KCN giai đoạn 2021-2022), 1 KKT với tổng diện tích 22.540 ha (thành lập năm 2008). Tỷ lệ lấp đầy các KCN hiện nay đạt 63,8%; trong đó phần lớn diện tích chưa thu hút đầu tư đang trong giai đoạn thực hiện GPMB, san lấp, lấn biển. Lũy kế đến hết tháng 8/2023, các KKT, KCN đã thu hút được 494 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 24,9 tỷ USD.
Với kết quả thu hút đầu tư trong thời gian qua, TP Hải Phòng đang tiếp tục là một điểm đến được nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế quan tâm. Địa phương này cũng đang nghiên cứu thành lập một KKT mới để tận dụng được dư địa phát triển của KKT Đình Vũ – Cát Hải, tiếp tục trở thành một KKT thành công với khả năng thu hút đầu tư các dự án, công trình quy mô lớn, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Hiện TP Hải Phòng đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư FDI, trong đó có Hàn Quốc.
Theo ông Lê Tiến Châu – Bí thư Thành ủy Hải Phòng, TP Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh tăng cường hợp tác toàn diện với các đối tác Hàn Quốc. Đồng thời mong muốn các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm khảo sát, đầu tư vào các lĩnh vực như xây dựng thành phố thông minh, xây dựng chính quyền điện tử, năng lượng tái tạo, sản xuất linh kiện bán dẫn, phát triển hạ tầng và đô thị, xây dựng bệnh viện và trường học... tạo thành một hệ sinh thái các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hải Phòng.
Trước đó, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng cũng đã phối hợp với Công viên công nghệ Chungbuk và BQL KKT tự do (CBFez) (Hàn Quốc) tổ chức hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam và Hàn Quốc. Lễ ký kết sẽ góp phần triển khai thực hiện thành công chiến lược phát triển KHCN và ĐMST của TP Hải Phòng, hỗ trợ các doanh nghiệp KHCN đón làn sóng chuyển giao công nghệ xanh, công nghệ cao, tiến tới thành lập các cụm, KCN công nghệ, công viên công nghệ theo các lĩnh vực trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm