Gần 3000 tấn giá đỗ ngâm chất độc bị phát hiện tại Đắk Lắk đã gây chấn động dư luận, hoang mang trong cộng đồng. Tuy nhiên, câu chuyện trách nhiệm vẫn “mơ hồ”…
Mới đây, Công an tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra 6 cơ sở sản xuất giá đỗ tại TP Buôn Ma Thuột, phát hiện hơn 20 tấn giá đỗ ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine (một loại chất cấm độc hại) khiến dư luận bàng hoàng. Thông tin từ cơ quan chức năng cho thấy, nhóm người này đã bán khoảng hơn 2.900 tấn giá đỗ ngâm chất cấm trong năm 2024, sản lượng 8-10 tấn/ngày tiếp tục khiến dư luận “choáng váng”.
Trong đó, đáng chú ý, với riêng Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo cung cấp 350-400 kg giá đỗ/ngày cho Bách Hóa Xanh, dùng nhãn mác in các thông tin "không hóa chất", "không chất kích thích", "không chất bảo quản", "vì sức khỏe của mọi người"...
Điều vô cùng quan ngại và khiến dư luận không khỏi hoang mang khi loại thực phẩm này không chỉ xuất hiện tại các chợ truyền thống mà đã len lỏi vào những cửa hàng, siêu thị lớn, nơi vốn được xem là một địa chỉ đáng tin cậy. Vậy nhưng, chúng vẫn nằm chễm chệ trên kệ hàng để người tiêu dùng yên tâm, tin tưởng mua về sử dụng mà không biết rằng, chúng tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Bởi theo lý giải của các chuyên gia, những hóa chất độc hại trong thực phẩm bẩn có thể gây ngộ độc tức thì hoặc dẫn đến các bệnh mãn tính, nguy hiểm như ung thư, tim mạch. Cần phải nói thêm rằng, hiện nay, các bệnh này ngày càng gia tăng và đang "trẻ hóa", phần lớn bắt nguồn từ thực phẩm không an toàn. Sự tràn lan của thực phẩm bẩn khiến người tiêu dùng mất đi sự an tâm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán - thời điểm nhu cầu thực phẩm tăng cao.
Đáng nói, trả lời báo chí về vụ việc, các cơ quan quản lý nhà nước như Cục quản lý thị trường, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk đều cho rằng vụ việc "không thuộc quản lý" của đơn vị mình.
Thông tin trả lời báo chí ngày 29/12 vừa qua, một Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị chủ yếu kiểm tra các thủ tục hành chính. Cụ thể gồm giấy phép kinh doanh, điều kiện kinh doanh, nghĩa vụ về thuế cho Nhà nước chưa…?
Theo vị này, Cục Quản lý thị trường không kiểm tra chất lượng sản phẩm, bởi việc này thuộc về Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk.
Trong khi đó, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản cho hay, trong 6 cơ sở sản xuất giá đỗ bị công an bắt, chỉ có cơ sở của Lâm Đạo là đơn vị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP để sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Nhưng đơn vị chỉ cấp và quản lý khâu sơ chế, đóng gói, kinh doanh giá đậu xanh. Còn việc dùng hoá chất trong quá trình sản xuất là khâu trồng trọt. Trong khi đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk) nói không quản lý khâu trên.
Thẳng thắn nhìn nhận, thực tế hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật cũng chưa có quy phạm nào quy định rõ trách nhiệm này thuộc về cơ quan nào quản lý. Nhưng theo điều 35, của Nghị định 115 năm 2018 quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thì ở đây người có thẩm quyền xử phạt là thanh tra được giao nhiệm vụ của các ngành như ngành y tế, ngành nông nghiệp phát triển nông thôn và công thương cũng có quyền lập biên bản xử phạt hành chính, khắc phục hậu quả đối với hành vi quy định tại Điều 5 quy định về hóa chất cấm trong sử dụng sản xuất thực phẩm.
Bên cạnh đó, dư luận cũng bức xúc cho rằng, vì sao hàng nghìn tấn giá đỗ nguy hiểm ấy lại được “phù phép” các loại giấy tờ hợp lệ để ngang nhiên lưu hành ngoài thị trường cũng cần phải làm rõ?!
Trở lại câu chuyện trách nhiệm, thiết nghĩ, trong khi dư luận đang sục sôi vì cả chục tấn giá đỗ ngâm hóa chất độc hại tiêu thụ trên thị trường Đắk Lắk mỗi ngày, mong chờ sự vào cuộc quyết liệt từ phía các cơ quan nhà nước, chính sự né tránh trách nhiệm càng làm cho người dân thêm phần hoang mang và lo lắng.