Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực trong thời điểm này được đánh giá sẽ tạo thêm cơ hội cho kinh tế Việt Nam phát triển và phục hồi trong thời gian tới.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực trong thời điểm này được đánh giá sẽ tạo thêm cơ hội cho kinh tế Việt Nam phát triển và phục hồi trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1201/QĐ-TTg ngày 6/8/2020 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, nhằm phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan để triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Hiệp định này. Đây được xem như tiền đề quan trọng trong việc triển khai thực hiện hiệu quả do EVFTA mang lại.
Hiểu biết của doanh nghiệp về các FTA còn rất hạn chế
Theo khảo sát 8.600 doanh nghiệp dân doanh Việt Nam (trong khuôn khổ Điều tra PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tháng 3/2019, các doanh nghiệp Việt Nam còn nhận thức khá hạn chế về các FTA, mặc dù hầu hết đều đã “nghe nói” tới các FTA này. Tỷ lệ các doanh nghiệp có hiểu biết nhất định về các FTA tiêu biểu (đã tìm hiểu một số cam kết hoặc đã tìm hiểu kỹ) chỉ là thiểu số (kể cả FTA lớn như CPTPP), cao nhất là AEC cũng chỉ là 37%. Tỷ lệ các doanh nghiệp có hiểu biết sâu về các FTA hầu như rất nhỏ, thấp nhất là với FTA giữa Việt Nam và EAEU (1%), cao nhất là với AEC (3%).
Theo điều tra của VCCI với 250 phản hồi của doanh nghiệp trong 4 ngành sản xuất (dệt may, giày dép, đồ gỗ, điện tử) công bố tháng 4/2016, hai yếu tố lớn nhất cản trở doanh nghiệp hưởng lợi từ các FTA là tình trạng thiếu thông tin về cam kết và cách thức thực hiện (84%) và bất cập trong công tác tổ chức thực thi của các cơ quan quản lý nhà nước. Những vấn đề thuộc về năng lực của doanh nghiệp (năng lực cạnh tranh kém, khó đáp ứng quy tắc xuất xứ và cam kết bất lợi) cũng rất lớn, nhưng vẫn xếp sau các yếu tố gắn với hành động của cơ quan nhà nước.
Đáng nói, trong buổi làm việc giữa VCCI với Đoàn giám sát về việc thực thi hiệu quả của FTA thế hệ mới, bà Nguyễn Thị Thu Trang, giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập nhấn mạnh, kết quả điều tra nói trên có thể vẫn đúng vào thời điểm này và với đa số doanh nghiệp, theo các quan sát của VCCI.
Đã đến lúc xem lại độ mở của nền kinh tế
Nhiều chuyên gia nhận định các tác động tích cực của FTA với nền kinh tế, song cũng nêu nhiều vấn đề cần lưu ý khi tiếp tục thực thi các hiệp định này.
Nhấn mạnh rằng, từ khi thực thi các FTA, xuất khẩu tăng rất nhanh, kéo theo độ mở kinh tế quá lớn (đến 200% GDP), đại biểu Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần phải đặc biệt lưu ý để kiểm soát độ mở của nền kinh tế, bởi nếu các thị trường nước ngoài có vấn đề, thì ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ khó khăn ngay.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng cho rằng, đã đến lúc cần xem lại độ mở của nền kinh tế. Khẳng định việc này không đi ngược lại chủ trương hội nhập, ông Khánh nêu 2 việc quan trọng là cần cập nhật chiến lược FTA, lựa chọn đối tác đàm phán rất thận trọng, có nguyên tắc và cần thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Nhắc đến thông tin nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có xu hướng gia tăng, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội lưu ý, cần cân nhắc giải bài toán này. Bộ Công Thương cần phải đi đầu trong hoạch định chính sách để giải bài toán nhập siêu với các đối tác cạnh tranh với Việt Nam.
Phó trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân hạn chế quá trình thực thi FTA là tính sẵn sàng của các doanh nghiệp trong nước còn quá thấp. Nhiều năm nay, vấn đề này hầu như chưa được cải thiện.
“Đây sẽ là vấn đề phải được cải thiện nếu muốn tận dụng thành công hiệu quả từ các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như EVFTA mang lại”, ông Giàu nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
02:31, 13/08/2020
18:18, 10/08/2020
01:03, 07/08/2020
16:22, 06/08/2020