Thuế thu nhập cá nhân - Cần cho phép khấu trừ chi phí hợp lý

GIA NGUYỄN 07/12/2022 03:50

Xoay quanh câu chuyện thuế thu nhập cá nhân, không chỉ bất cập ở việc cào bằng mức sống, theo chuyên gia, việc không cho phép khấu trừ chi phí đầu vào cũng là một trong những tồn tại cần giải quyết…

>> Thuế thu nhập cá nhân – Không thể mãi cào bằng mức sống

Theo Báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê, giá bình quân xăng dầu trong nước trong 10 tháng đầu năm 2022 tăng 36,01% so với cùng giai đoạn năm trước, giá gas tăng 15,35%, giá ăn uống ngoài gia đình tăng 4,6%, giá gạo tăng 1,16%, giá các mặt hàng thực phẩm tăng 0,95%,... từ đó cho thấy, chi phí tiêu dùng đã tăng đáng kể thời gian qua.

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, chi phí tiêu dùng đã tăng đáng kể thời gian qua - Ảnh minh họa: ĐĐK

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, chi phí tiêu dùng đã tăng đáng kể thời gian qua - Ảnh minh họa: ĐĐK

Không chỉ chi phí tiêu dùng gia tăng, mà theo lộ trình học phí tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP mức tăng học phí hàng năm cũng tăng đáng kể, cụ thể, từ năm học 2022 – 2023, là khoảng 7,5%/năm với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và 12,5%/năm với giáo dục đại học công lập.

Trong khi đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân không cho phép khấu trừ chi phí đầu vào dẫn đến Chính phủ mất đi một công cụ điều tiết phân bổ thu nhập của người nộp thuế.

Theo các chuyên gia, thay cho cách tiếp cận “khấu trừ trọn gói” với những bất cập như nêu trên, cách tiếp cận “khấu trừ chi phí hợp lý” sẽ giảm nhẹ những bất cập này, đồng thời có thể khuyến khích hành vi tiêu dùng tốt, chẳng hạn như chi tiêu cho hàng hóa thiết yếu và hàng khuyến dụng.

Chẳng hạn như, các khoản thanh toán học phí, chi phí học tập, sách vở... cần được cho phép khấu trừ đến một tỷ lệ nhất định trên tổng thu nhập (ví dụ: tối đa 20% trên tổng thu nhập). Chính sách này cũng đồng thời khuyến khích việc sử dụng hóa đơn để tránh gian lận thuế, minh bạch hóa các hành vi giao dịch, giảm quy mô kinh tế ngầm.

>> Sớm sửa các quy định bất bình đẳng về thuế thu nhập cá nhân

Theo các chuyên gia, thuế thu nhập cá nhân cần

Theo các chuyên gia, thuế thu nhập cá nhân cần cho phép khấu trừ chi phí hợp lý để giảm gánh nặng cho người nộp thuế - Ảnh minh họa: BLĐ

Cũng theo các chuyên gia, nếu xem mức giảm trừ gia cảnh là ngưỡng thu nhập tối thiểu để đảm bảo mức sống cơ bản của người dân, những người có thu nhập dưới ngưỡng phải được Nhà nước trợ cấp. Nếu những người có thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng phải chịu thuế phần thu nhập vượt trên, những người có thu nhập dưới 11 triệu đồng phải được trợ cấp một tỷ lệ nhất định trên phần thu nhập thiếu hụt.

Ví dụ, một người có thu nhập 5 triệu đồng/tháng, tức thấp hơn mức giảm trừ gia cảnh 6 triệu đồng, có thể nhận được mức trợ cấp 5 - 10% tính trên chênh lệch 6 triệu đồng, tức 300.000 - 600.000 đồng/tháng. Chính sách này không chỉ nhân văn, mà còn giúp cải thiện hơn nữa tính công bằng dọc giữa nhóm có thu nhập đạt ngưỡng và nhóm chưa đạt ngưỡng chịu thuế.

Thông tin với báo chí, Luật sư Trần Xoa - Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang cho rằng, Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành chưa hợp lý và công bằng. Đơn cử như khoản học phí giữa người lao động trong nước và người nước ngoài làm việc ở Việt Nam.

Cụ thể, theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, khoản tiền học phí theo quy định cho con của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, theo bậc học từ mầm non đến THPT do người sử dụng lao động trả hộ thì không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động. Bên cạnh đó, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được khấu trừ khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi về phép mỗi năm một lần trước khi tính thuế… Ngược lại, người lao động trong nước lại không được khấu trừ khoản tiền mua vé máy bay, không được khấu trừ khoản học phí cho con khi tính thuế thu nhập cá nhân.

“Đây là điều bất hợp lý, vì vậy, Bộ Tài chính cần đề xuất sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng tiền học phí cho con của người lao động Việt Nam cũng được trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân. Ví dụ, người lao động có con đang học bậc mầm non, tiểu học thì quy định mức học phí được khấu trừ là 1 triệu đồng/tháng/người con; bậc THCS và THPT mức học phí được khấu trừ 1,5 triệu đồng/tháng và sinh viên nâng lên mức 2 triệu đồng/tháng”, ông Xoa đề xuất.

Bên cạnh những vấn đề đã nêu, các chuyên gia cũng cho rằng, chính sách thuế thu nhập cá nhân hiện nay có nhiều bất cập, chưa theo kịp mức sống của người dân và lạm phát. Chẳng hạn, tiền thuê nhà đối với người lao động không được trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân,... Vì vậy, cần nghiên cứu, xem xét sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng chấp nhận các chi phí hợp lý liên quan tới thu nhập tính thuế như tiền thuê nhà, bởi chi phí này rất lớn đối với người lao động, hơn nữa số lượng người chưa mua được nhà ở các thành phố phải thuê nhà trọ, phòng trọ rất nhiều.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề xuất, nên quy định khấu trừ chi phí lãi vay ngân hàng khi người dân mua căn nhà đầu tiên để ở, chính sách này không chỉ góp phần giảm bớt gánh nặng cho người dân, mà còn tạo điều kiện cho nhiều người dân được mua nhà, thúc đẩy thị trường nhà ở phát triển.

Có thể bạn quan tâm

  • Thuế thu nhập cá nhân – Không thể mãi cào bằng mức sống

    Thuế thu nhập cá nhân – Không thể mãi cào bằng mức sống

    04:00, 06/12/2022

  • Sửa Luật thuế thu nhập cá nhân: Xin đừng đủng đỉnh

    Sửa Luật thuế thu nhập cá nhân: Xin đừng đủng đỉnh

    06:44, 02/12/2022

  • Sớm sửa các quy định bất bình đẳng về thuế thu nhập cá nhân

    Sớm sửa các quy định bất bình đẳng về thuế thu nhập cá nhân

    03:50, 01/12/2022

  • Cần sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân

    Cần sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân

    03:50, 28/11/2022

  • Cần xem xét thay đổi toàn diện quy định về thuế thu nhập cá nhân

    Cần xem xét thay đổi toàn diện quy định về thuế thu nhập cá nhân

    04:00, 26/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thuế thu nhập cá nhân - Cần cho phép khấu trừ chi phí hợp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO