Để tránh tạo thêm gánh nặng cho người nộp thuế trước những quy định đã lỗi thời, nhiều ý kiến cho rằng, một số bất cập của thuế thu nhập cá nhân nên được sửa ngay trong năm 2024.
>> Thuế thu nhập cá nhân – Đã đến lúc cần điều chỉnh
Theo dự kiến, từ ngày 01/7/2024, thu nhập của người lao động sẽ được tăng lên khi một loạt quyết định về lương sẽ chính thức có hiệu lực. Điều này đồng nghĩa thu nhập tính thuế của người lao động cũng sẽ tăng.
Thực tế, theo Dự thảo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mức lương tối thiểu đối với người lao động tăng 6% so với mức hiện hành, tương ứng tăng từ 200.000 - 280.000 đồng tùy vùng.
Bên cạnh đó, tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Dự kiến, kể từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%, trong khi thuế thu nhập cá nhân lại đứng yên, đồng nghĩa với việc một số người khi được tăng lương sẽ phải đóng thuế cao hơn, dẫn đến ý nghĩa của các chính sách tăng lương không còn nhiều ý nghĩa.
Đáng nói, lần sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân gần nhất là vào cuối năm 2012, đến nay đã 12 năm. Trong đó, vào đầu tháng 7/2020, do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật này có hiệu lực nên Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc. Như vậy, so với mức 9 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế 3,2 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc, lần điều chỉnh năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh tăng khoảng 22% so với mức năm 2013. Tuy nhiên, nếu ước tính nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân của người nộp thuế, có thể thấy, mức tăng giảm trừ gia cảnh này cũng không tạo ra ảnh hưởng đáng kể về mặt tiết kiệm thuế.
Thực tế, theo tính toán của các chuyên gia, trường hợp một người lao động có thu nhập trước thuế 25 triệu đồng/tháng; có một người phụ thuộc là con; mức chi tiêu trung bình 8-10 triệu đồng/tháng, bao gồm các chi phí sinh hoạt cơ bản, học phí, các chi phí khác như tiền học thêm, tiền khám chữa bệnh... với mức điều chỉnh giảm trừ gia tăng 22%, số thuế thu nhập cá nhân tiết kiệm được chỉ khoảng 400.000 đồng/tháng, chỉ chiếm tỷ trọng gần 5% so với tổng mức chi tiêu cho người phụ thuộc, chưa đủ để tạo nên thay đổi rõ nét trong quyết định chi tiêu.
>> Thuế thu nhập cá nhân – Chờ hơn 3 năm nữa, liệu có phù hợp?
Chưa kể, cho đến nay, nhiều quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân đã cho thấy sự lỗi thời, các quy định trong tính thuế thu nhập cá nhân như: khởi điểm thu nhập chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh, bậc chịu thuế,... không được cập nhật theo biến động của lương tối thiểu, giá cả và lạm phát.
Và trước thực tế đã nêu, thay vì chờ “đúng quy trình” đến năm 2025 mới sửa toàn diện những bất cập của luật này, để giảm gánh nặng cho người nộp thuế, nhiều ý kiến cho rằng, những vấn đề cấp bách cần được sửa ngay trong năm 2024.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, nhiều quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành đã không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống nên bắt buộc phải sửa đổi. Từ mức giảm trừ gia cảnh thấp đến biểu thuế của bảy bậc thuế suất thuế thu nhập cá nhân quá dày, hay những căn cứ theo chỉ số CPI… đều rất bất cập.
Một trong những bất cập lớn nhất hiện nay là mức giảm trừ gia cảnh không dựa vào mức sống tối thiểu, thu nhập bình quân đầu người, cũng không căn cứ vào mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng. Điều vô lý nữa là mức lương tối thiểu theo bốn vùng chênh nhau gần 1,5 lần nhưng mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau.
“Khi những quy định pháp luật đang khiến người dân thêm khó khăn, bức xúc thì cơ quan quản lý như Bộ Tài chính phải đặt lợi ích của người dân lên trên để đề xuất sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân càng sớm càng tốt”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Ngọc Tú – giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cũng cho rằng, với biểu thuế lũy tiến từng phần của sắc thuế thu nhập cá nhân thì “thuyền lên, nước lên”, thu nhập càng tăng thì số thuế phải đóng cũng lên theo. Mức giảm trừ gia cảnh không thay đổi thì việc tăng lương cũng không như kỳ vọng.
“Bất cập lớn nhất của thuế thu nhập cá nhân hiện nay là quy định mức giảm trừ gia cảnh bằng một số tiền cụ thể, được áp dụng trong nhiều năm liên tục. Trong khi đó, giá cả hàng hóa, dịch vụ thay đổi hằng ngày. Giá một tô phở hiện nay đã tăng lên so với cách đây 4 năm; những mặt hàng trong rổ tính CPI như ăn uống, học hành, y tế tăng lên rất nhiều; Chính sách lương cũng được thay đổi liên tục hằng năm để bù đắp cho người lao động phần nào mà giảm trừ gia cảnh lại bất động, đứng yên là quá vô lý.
Chưa kể, nếu so sánh với thuế thu nhập doanh nghiệp mới thấy người làm công ăn lương đang chịu thiệt thòi. Từ khi Luật Thuế thu nhập ra đời, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 32%, thuế thu nhập cá nhân cao nhất là 35%. Từ đó đến nay, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đã được giảm xuống 20% nhưng biểu thuế suất thu nhập cá nhân vẫn còn giữ mức 35%. Chính vì vậy, không nên máy móc chờ CPI tăng lên 20% mới thay đổi mức giảm trừ gia cảnh mà Chính phủ cần sớm tăng mức này lên nhằm tránh gánh nặng thuế cho người dân”, vị chuyên gia này phân tích.
Đồng thời cho rằng, đây cũng là vấn đề cấp bách mà nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập mấy năm qua. Không nên trì hoãn đến năm 2025 mới đưa ra sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh cùng với Luật Thuế thu nhập cá nhân.
“Để làm nhanh trong năm 2024, Bộ Tài chính có thể đưa ra mức tăng giảm trừ gia cảnh sớm để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua”, TS. Nguyễn Ngọc Tú kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Thuế thu nhập cá nhân: Sớm tăng mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với thực tiễn
22:08, 25/02/2024
Thuế thu nhập cá nhân – Đã đến lúc cần điều chỉnh
04:00, 24/11/2023
Thuế thu nhập cá nhân – Chờ hơn 3 năm nữa, liệu có phù hợp?
04:00, 08/09/2023
Thuế thu nhập cá nhân – Cấp thiết nâng mức giảm trừ gia cảnh
04:00, 07/08/2023
Thuế thu nhập cá nhân – Cần đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp thuế
04:00, 31/07/2023