Quản trị

Thương hiệu Trung Quốc chọn Singapore làm "bàn đạp" tấn công Đông Nam Á

Quân Bảo 07/09/2024 01:32

“Thời gian tới sẽ tập trung nỗ lực mở rộng ra Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v., trong đó các quốc gia Đông Nam Á là ưu tiên hàng đầu”, thương hiệu trà Chagee tuyên bố.

Trọng tâm Đông Nam Á

4.jpeg
Thương hiệu trà Chagee của Trung Quốc

Các thương hiệu tiêu dùng “trẻ” của Trung Quốc đang sử dụng Singapore như một “bàn đạp” để mở rộng ra toàn cầu, tận dụng sự giao thoa văn hóa giữa châu Á và phương Tây ở đất nước này.

Chagee là thương hiệu trà mới nổi của Trung Quốc. Chỉ riêng trong tháng 8, thương hiệu trà này đã mở ba cửa hàng tại Singapore. 3 cửa hàng mới mở đó là một phần trong nỗ lực tiếp cận Singapore — như một “bệ phóng” để khai thác tiềm năng to lớn của khu vực Đông Nam Á và mục tiêu tiếp cận thị trường thế giới.

“Trong 5 năm tới, Chagee sẽ tập trung nỗ lực mở rộng tại tám quốc gia, cụ thể là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Nhật Bản và Hàn Quốc, trong đó các quốc gia Đông Nam Á là ưu tiên hàng đầu”, Lu nói.

Chagee đã thành lập trụ sở chính cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore vào năm 2023 và đang mở rộng thêm đội ngũ ở Đông Nam Á, mặc dù công ty không chia sẻ số lượng nhân viên.

Pop Mart, một nhà bán lẻ đồ chơi sưu tầm có trụ sở tại Bắc Kinh, vừa kết thúc triển lãm đồ chơi thường niên lần thứ hai tại hòn đảo này vào tuần trước với hơn 50 nghệ sĩ tham gia. Pop Mart đang bán sản phẩm của mình tại 30 quốc gia thông qua các gian hàng trực tuyến và cửa hàng truyền thống. Doanh số bán hàng của Pop Mart ở nước ngoài trong 6 tháng đầu năm đã tăng 260% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,35 tỷ nhân dân tệ (189,90 triệu đô la). Điều đó đã giúp thúc đẩy tăng trưởng doanh số chung hơn 60%, bất chấp nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại.

Các giám đốc điều hành của Pop Mart đang cân nhắc thành lập một trụ sở quốc tế tại Singapore.

“Bất kỳ sản phẩm nào chúng tôi muốn ra mắt tại Đông Nam Á, hoặc xem xét liệu nó có thành công hay không, thì Singapore là một nơi lý tưởng để bắt đầu, và sau đó tinh chỉnh từ đó”, Jeremy Lee, Giám đốc Go-to-Market khu vực Đông Nam Á của Pop Mart cho biết.

Trên con đường “đánh chiếm” các thị trường quốc tế, các thương hiệu Trung Quốc “trẻ trung, mới nổi” này đang dùng một chiến lược chung, đó là tận dụng “bản sắc Trung Quốc”.

Bản sắc Trung Quốc

5225867.jpg
Thương hiệu Trung Quốc chọn Singapore làm "bàn đạp" tấn công Đông Nam Á

Khác với các bậc tiền bối, vốn thường sử dụng văn hóa phương tây, thì các thương hiệu mới của Trung Quốc lại đang tận dụng bản sắc văn hóa truyền thống của Trung Quốc. Họ không ngại ngần khoe mình là Trung Quốc, sản xuất sản phẩm gốc gác Trung Quốc, sử dụng các nhân vật và thiết kế trong nước để thâm nhập vào thị trường nước ngoài. Chính điều đó lại đang mang lại cho họ một lợi thế độc đáo, nổi bật hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Ví dụ, cái tên Chagee được lấy cảm hứng từ một vở opera truyền thống của Trung Quốc. Chagee là phiên bản viết tắt của tên gốc của thương hiệu trong tiếng Quan Thoại, phát âm là “bawang chaji”.

Việc giữ nguyên bản sắc Trung Quốc đã có hiệu quả đối với một số công ty, bao gồm các công ty đồ chơi quy mô nhỏ của Trung Quốc đã tham gia triển lãm Pop Toy tại Singapore.

Ví dụ, ngày 23 tháng 8 vừa qua, món đồ chơi nhồi bông mới ra mắt của Hidden Wooo — một thương hiệu Trung Quốc mới ba năm tuổi — đã được mua hết vài giờ trước khi mở cửa triển lãm.

Tuy nhiên, bản sắc văn hóa quá đậm đặc đôi khi cũng là điểm bất lợi cho một vài thương hiệu.

Dodo Sugar có trụ sở tại Hàng Châu, đơn vị tham dự triển lãm Pop Toy, cho biết có thể khó truyền tải khái niệm đằng sau sản phẩm của họ tới khán giả quốc tế vì các thiết kế thường bắt nguồn từ văn hóa hoặc câu chuyện riêng của Trung Quốc.

Công ty vẫn có kế hoạch mở rộng sang Singapore và Thái Lan thông qua quan hệ đối tác địa phương để mở cửa hàng tại các trung tâm mua sắm, đồng thời tham dự nhiều sự kiện hơn như Triển lãm Pop Toy để quảng bá đồ chơi của họ.

Việc tấn công ra thị trường quốc tế cũng khiến các thương hiệu Trung Quốc cũng phải thay đổi thói quen trên mạng. “Các công ty Trung Quốc đang dần chuyển hướng từ WeChat sang YouTube và Facebook”, Lee của Pop Mart cho biết.

Họ cũng đang mở rộng sự hiện diện thương mại điện tử của mình thông qua các nền tảng như Shopee, Lazada và Tiktok Shop.

Ngay như công ty JD.com, một công ty “đi sau” trong việc mở rộng sang thương mại điện tử xuyên biên giới, tuần trước công bố rằng họ đã cải tiến các cách thức vận chuyển và giao hàng đến Singapore.

Việt Nam cũng đang nằm trên “con đường mở rộng” của các thương hiệu mới nổi của Trung Quốc. Chuỗi trà kem giá rẻ Mixue chỉ sau 5 năm thâm nhập đã đạt được mốc 1.000 cửa hàng, trở thành chuỗi đồ uống “rộng” nhất Việt Nam. Hay việc nhiều người xếp hàng cả tiếng đồng hồ để ăn lẩu Haidilao chính là minh chứng cho sức tiến công của các thương hiệu trẻ Trung Quốc ra bên ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thương hiệu Trung Quốc chọn Singapore làm "bàn đạp" tấn công Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO