Tham vọng chiếm 15% thị phần bia cả nước 10 năm trước có vẻ vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng Huda đến giờ vẫn có một chỗ đứng nhất định trên thị trường, nhất là thị trường miền Trung.
Ngày 20 tháng 10 năm 1990, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ký quyết định số 402 QĐ/UB thành lập Nhà máy Bia Huế. Với mục tiêu ban đầu nhằm đáp ứng nhu cầu giải khát cho địa phương và khu vực, Nhà máy Bia Huế ra đời với số vốn đầu tư 2,4 triệu USD, công suất 3 triệu lít/năm, theo hình thức xí nghiệp liên doanh có vốn góp từ các đơn vị quốc doanh và ngoài quốc doanh trong tỉnh.
Về tay Carlsberg
Vào giữa những năm 90, các công ty bia địa phương đều lâm vào tình trạng khó khăn. Họ tìm lối thoát bằng cách chuyển hướng sang tập trung sản xuất bia hơi, hoặc sáp nhập với các công ty bia lớn, có tên tuổi để gia công sản phẩm cho họ. Năm 1994, Bia Huế hợp tác với tập đoàn Carlsberg (Đan Mạch) dưới hình thức liên doanh, mỗi bên góp 50% vốn. Từ đó trở đi, công ty TNHH bia Huế (Huda) chính thức ra đời. Từ sản lượng ban đầu là 3 triệu lít/năm, đến năm 2011 Cty Bia Huế đạt sản lượng hơn 200 triệu lít/năm.
Sau gần 2 thập kỷ hoạt động dưới dạng liên doanh, liên kết, tới cuối năm 2011, Carlsberg lộ rõ ý đồ thâu tóm thương hiệu bằng cách mua lại phần vốn của đối tác Việt Nam là ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế để từ một đơn vị liên doanh trở thành công ty 100% vốn nước ngoài.
Hãng bia Đan Mạch đã bỏ ra 1.875 tỉ đồng để mua lại phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp bia lớn nhất miền Trung, công ty bia Huế. Số tiền nói trên bao gồm khoảng 700 tỉ đồng “giá trị hữu hình” (chủ yếu cơ sở vật chất hai nhà máy) và hơn 1.100 tỉ đồng “giá trị vô hình” (chủ yếu thương hiệu Huda). Và doanh nghiệp này đã chính thức trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài thuộc sở hữu của Carlsberg.
Khi thương vụ xảy ra, có một số ý kiến cho rằng, Huda đã bị bán với giá “quá rẻ”. Ông Nguyễn Mậu Chi - tổng giám đốc Công ty Bia Huế lúc đấy, nói rằng, Huda vào thời điểm đó chiếm 8% thị phần bia cả nước. Theo tính toán chiến lược, đến năm 2015 Huda phải chiếm được 15% thị phần bia cả nước, nếu không Bia Huế sẽ “chết”.
Để phát triển, Bia Huế cần đầu tư thêm 2.500 tỉ đồng. Như vậy phía tỉnh Thừa Thiên - Huế phải góp thêm 1.250 tỉ đồng, tỉnh không đủ lực, do đó phải quyết định bán đứt phần của mình cho đối tác. Vì vậy thương vụ này được xem là thời cơ bởi nền kinh tế suy thoái, ít nhà đầu tư, nếu chậm hơn sẽ bỏ lỡ cơ hội.
Ngày 1/12/2011, Huda đã hoàn toàn thuộc về Carlsberg.
Bia của miền Trung
Thời điểm ngay trước khi về tay Carlsberg, mặc dù chỉ chiếm 8% thị phần cả nước, nhưng Huda là số 1 của khu vực Bắc Trung Bộ: 98% thị phần Thừa Thiên - Huế (98%), 95% ở Quảng Trị, 65% ở Quảng Bình, 55% ở Hà Tĩnh. Thế nhưng, thị trường bia phần còn lại của cả nước nằm ngoài tầm với của Carlsberg. Các ông lớn Sabeco, Heineken và Habeco chiếm tới khoảng 80% thị phần. Các thương hiệu bia của Carlsberg chỉ có khoảng trên dưới 10% thị phần, bao gồm cả Huda.
Thành thử, Carlsberg có vẻ như xác định “yên vị” Huda ở miền Trung với những khẩu hiệu kiểu “Đậm tình miền Trung”. Các chương trình marketing cũng rất gắn liền với các hình ảnh đặc trưng của miền Trung, ví dụ như tấm biển quảng cáo (nhiều tranh cãi) phủ xanh Chùa Cầu (Hội An), cầu Trường Tiền hay Ngọ Môn (Huế).
Huda cũng liên tục triển khai các chương trình marketing hoạt động vì miền Trung như “Huda đậm tình miền Trung” hay “Uống bia vàng, giữ gìn biển bạc”. Nhờ những hoạt động này, Huda đã đứng đầu bảng xếp hạng ngành bia của YouNet Media 2 tháng 7 và 8 liên tiếp vừa qua.
Tham vọng chiếm 15% thị phần bia cả nước 10 năm trước có vẻ vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng Huda đến giờ vẫn có một chỗ đứng nhất định trên thị trường, nhất là thị trường miền Trung.
Có thể bạn quan tâm