Riêng quý III năm 2019, Shopee lỗ hơn 250 triệu USD. Người ta tự hỏi Shopee, và rộng hơn nữa, thương mại điện tử ở Việt Nam bao giờ mới hết lỗ.
Từ khá lâu, tất cả các nghiên cứu đều đưa ra những con số rất khả quan và đẹp đẽ về tiềm năng của thương mại điện tử Việt Nam. Google dự báo giá trị nền kinh tế số của Việt Nam năm 2019 là 12 tỉ USD, tăng lên thành 43 tỉ USD vào năm 2025 và đóng góp lớn nhất chính là lĩnh vực thương mại điện tử.
Cuộc đua đốt tiền chưa thấy điểm dừng
Hàng loạt công ty, lớn cũng có, bé cũng có, đua nhau nhảy vào làm thương mại điện tử. Thị trường Việt Nam trở nên sôi động vào loại bậc nhất của khu vực.
Nhưng thực tế lại không như những con số trên báo cáo. Một loạt công ty, cả lớn lẫn nhỏ, háo hức đến rồi lại nhanh chóng ra đi. Vuivui của Thế giới di động, Robins của tập đoàn sở hữu BigC cũng ngậm ngùi đóng cửa.
Đến giờ, thị trường chỉ còn trụ lại vài siêu đại gia đang đua nhau đốt tiền để tồn tại. Lazada lỗ hơn 5.000 tỷ đồng, Shopee gần 3.000 tỷ, Tiki 1.000 tỷ. Sendo vừa huy động thêm 60 triệu USD để đốt tiếp. Cuộc đua đốt tiền chưa thấy điểm dừng.
Thực tế, dù đã phát triển hơn 20 năm nay, thương mại điện tử thế giới cũng đang chưa đem lại lợi nhuận.
Nhắc đến thương mại điện tử, người ta thường nghĩ ngay đến Amazon và những con số khổng lồ của ông tổ thương mại điện tử này. Amazon cùng với Apple là 2 công ty đầu tiên đạt mức giá trị 1.000 tỷ USD. Chỉ trong quý 3/2019, doanh thu của Amazon lên tới 70 tỷ USD. Riêng tiền vận chuyển giao hàng đã là gần 10 tỷ USD.
Nhưng đáng chú ý là trong 70 tỷ USD doanh thu quý 3 thì lãi chỉ có 2,1 tỷ. Đặc biệt, đóng góp phần lớn vào con số 2,1 tỷ USD lãi kia lại không đến từ thương mại điện tử, mà là từ dịch vụ cho thuê hạ tầng điện toán đám mây Amazon Web Services (AWS).
Điều đó cho thấy, ngay cả đối với công ty thương mại điện tử hàng đầu thế giới, thương mại điện tử vẫn là một con voi còi, ăn nhiều mà lợi ít. Các công ty thương mại điện tử thực chất lại kiếm tiền không phải trực tiếp từ thương mại điện tử.
Tình hình lỗ triền miên của các công ty thương mại điện tử bây giờ gợi nhớ lại cuộc chiến gọi xe giữa Grab và các đối thủ ở Việt Nam mấy năm vừa rồi.
Có thể bạn quan tâm
19:55, 08/10/2019
08:56, 02/10/2019
01:54, 22/09/2019
16:22, 17/09/2019
Uber, Grab và các ông lớn gọi xe khác cũng khuyến mãi liên tục, đốt tiền không tiếc tay để lôi kéo khách hàng. Chứng kiến cuộc đua gọi xe khốc liệt, người ta cũng tự hỏi, đến khi nào thì gọi xe mới có lãi.
Bây giờ đã có câu trả lời: Gọi xe sẽ không bao giờ có lãi.
Bởi vì đến thời điểm này, các công ty gọi xe đã lộ ra chiến lược: Lấy gọi xe làm nền tảng, chấp nhận lỗ để kiếm lợi nhuận từ các dịch vụ ăn theo. Grab, Go-Viet đã dần từng bước phát triển các dịch vụ tài chính, bất động sản dựa trên các cuốc xe và sẽ sinh lời từ đấy.
Có thể thương mại điện tử Việt Nam cũng sẽ đi theo con đường đó. Các công ty thương mại điện tử chấp nhận sẽ mãi lỗ, lấy khách hàng, sau đó triển khai các dịch xung quanh để kiếm lợi nhuận. Hãy chờ xem, khi nào họ bắt đầu xoay trục.