Năm 2022, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Tiền Giang sẽ tăng cường công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để đón đầu làn sóng đầu tư mới.
Theo Báo cáo của Ban Quản lý các Khu công nghiệp Tiền Giang: Tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê lũy kế đến năm 2021 đối với KCN, CCN tại Tiền Giang là trên 608 ha. Dự kiến tổng số lao động ở các KCN, CCN đến cuối năm 2021 khoảng 109.090 người, tăng 6,7% so 2020.
Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 07 KCN với tổng diện tích đất quy hoạch là 2.083,57 ha, trong đó có 04 KCN đã được cấp quyết định thành lập và đi vào hoạt động (Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang, Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp) với diện tích 1.101,74 ha chiếm 52,88% diện tích quy hoạch KCN. Đến nay, các KCN thu hút được 106 dự án (trong đó có 77 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư là 2.202,5 triệu USD (vốn đầu tư FDI) và 4.575,86 tỷ đồng (vốn đầu tư DDI); diện tích đất thuê là 518,93 ha/770,14 ha chiếm tỷ lệ 67,34% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê.
Hiện nay, tỉnh Tiền Giang còn 03 KCN đang kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng KCN: KCN Bình Đông tại xã Bình Đông, Thị xã Gò Công, Tiền Giang với diện tích 211,83 ha, KCN Tân Phước 1 tại xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, Tiền Giang diện tích 470 ha, KCN Tân Phước 2 tại xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước, Tiền Giang diện tích 300 ha.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh quy hoạch 27 CCN với diện tích 1.007,3 ha, gồm: 10 CCN được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có: 05 CCN đang hoạt động thu hút được 79 dự án thứ cấp (trong đó có 06 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 150,3 triệu USD (vốn đầu tư FDI) và 2.306,15 tỷ đồng (vốn đầu tư DDI); diện tích đất thuê là 89,8 ha/120,56 ha, chiếm tỷ lệ 74,5% diện tích đất công nghiệp cho thuê; 05 CCN đang triển khai với tổng diện tích là 233,94 ha, tổng vốn đầu tư kinh doanh hạ tầng là 1.691,27 tỷ đồng, chủ đầu tư đang thực hiện thủ tục về đất đai để triển khai xây dựng; còn lại 17 CCN với tổng diện tích 614 ha mời gọi đầu tư.
Để thực hiện hiệu quả Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cũng như Đề án tái cấu trúc ngành công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong thời gian tới, Tiền Giang Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, cần thiết để thu hút lấp đầy diện tích các khu công nghiệp đang hoạt động hoặc đã triển khai xây dựng hạ tầng ở giai đoạn trước và đầu tư mở rộng diện tích khi có nhu cầu. Chú trọng công tác xử lý môi trường theo đúng các tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước trong quá trình hoạt động và sản xuất của khu, cụm công nghiệp. Thu hút đầu tư các ngành nghề tạo ra các sản phẩm công nghiệp theo hướng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Khuyến khích các cơ sở công nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất. Không tiếp nhận các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường cao.
Đặc biệt, để phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, ông Nguyễn Nhật Trường, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Tiền Giang cho biết: Tiền Giang sẽ tăng cường công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp để lấp đầy diện tích đất công nghiệp cho thuê. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, công tác giải phóng mặt bằng, chính sách đất đai,… nhằm tạo mặt bằng sản xuất công nghiệp.
Năm 2022 tỉnh tập trung thu hút lấp đầy CCN Gia Thuận 1, KCN Long Giang; hoàn chỉnh hạ tầng và thu hút đầu tư dự án thứ cấp vào CCN Gia Thuận 2, CCN Thạnh Tân, CCN Mỹ Phước Tây, CCN Tân Lý Đông; triển khai đầu tư hạ tầng KCN Bình Đông, KCN Dịch vụ dầu khí Soài Rạp, KCN Tân Phước 1, KCN Tân Phước 2.
Mục tiêu của tỉnh trong năm 2022 vẫn là thu hút các dự án lĩnh vực công nghiệp chế biến nông lâm thủy hải sản, công nghiệp công nghệ cao ít thâm dụng lao động, giảm tỷ lệ các dự án gia công, ít ảnh hưởng đến môi trường; mời gọi đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao. Tập trung mời gọi đầu tư từ các quốc gia Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc..., mời gọi đầu tư các tập đoàn kinh tế lớn đến đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý các KCN sẽ tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ. “Chúng tôi phối hợp với các Sở, ngành cùng UBND tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ đối thoại định kỳ cùng doanh nghiệp nhằm kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Hoạt động này thể hiện sự quan tâm thường xuyên, đồng hành của chính quyền địa phương tới doanh nghiệp; đồng thời gián tiếp quảng bá, thúc đẩy sự quan tâm của chính quyền với doanh nghiệp đến đầu tư tại địa bàn tỉnh Tiền Giang.”- ông Trường cho biết.
Có thể bạn quan tâm