Theo đánh giá của PwC, công nghệ blockchain với các ứng dụng, được đánh giá có tiềm năng thúc đẩy tổng GDP toàn cầu lên tới 1,76 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới.
>> Tiền kỹ thuật số quốc gia: Mơ giấc không xa...
Tại tọa đàm "Cơ hội phát triển kinh tế số quốc gia và khát vọng hùng cường" do VBU tổ chức vừa diễn ra, các chuyên gia đánh giá năm 2022 đang chứng kiến kỷ nguyên phát triển tiếp theo của Internet trên phạm vi toàn cầu, sẽ gồm 4 xu hướng chủ đạo là: Metaverse (Vũ trụ ảo), Web 3.0, AI (Trí tuệ nhân tạo), và Blockchain (Chuỗi khối).
Dù vậy, tại Việt Nam, khuôn khổ pháp lý cho Blockchain vẫn còn chưa hoàn chỉnh, đặc biệt, điều này dẫn đến các ứng dụng trên nền công nghệ Blockchain gặp không ít thách thức, khó khăn trong quá trình thu hút đầu tư và phát triển.
Một chuyên gia cho biết trước đây, đã xuất hiện câu chuyện có một vụ cướp ví tiền mã hóa, tuy nhiên cơ quan chức năng không xử lý được ngay vì không phân định được tiền mã hóa có phải là tài sản hay không.
Lại có trường hợp vào năm 2017, Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre đã ra phán quyết với nội dung huỷ Quyết định 714 của Chi cục Thuế thành phố Bến Tre về việc truy thu hơn 981 triệu đồng tiền thuế giá trị gia tăng và hơn 1,6 tỉ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân đối với một cá nhân vì ông này tham gia trao đổi tiền ảo. Do chưa có luật công nhận tiền ảo Bitcoin là hàng hoá, nên việc cơ quan thuế ra quyết định truy thu thuế trong trường hợp này là mặc nhiên công nhận loại tiền này là hàng hoá trong khi đề án về khung pháp lý để quản lý, xử lý loại tiền này chỉ mới đang được xây dựng. Theo đó, các quyết định xử phạt xoay việc mua bán loại tiền chưa có văn bản hướng dẫn thi hành này, liên quan đến cả pháp luật và thuế.
Cũng năm 2017, trong văn bản gửi cơ quan báo chí, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Như vậy tiền ảo không phải là tiền tệ. Về sau, từ 2018, các Quyết định của Thủ tướng đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng, đặt nền móng cho việc nghiên cứu và ban hành các quy định pháp luật liên quan đến tiền ảo trong tương lai tại Việt Nam. Tuy nhiên, tính cấp bách của việc xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến tiền ảo tại Việt Nam cho đến hiện tại vẫn chưa được luật hóa.
Một ý kiến cho rằng việc không phân định được tiền ảo hay tài sản, không có quy định rõ ràng cũng tạo ra scam (lừa đảo) trên thị trường crypto. “Chúng tôi thẩm định 150 dự án về blockchain nhưng làm thật chỉ khoảng 5-10 dự án, còn lại đa phần là scam. Chưa có khung pháp lý đầy đủ, cụ thể, sự xuất hiện của các GameFi với dòng tiền đổ về Việt Nam khiến nhiều nhà đầu tư chấp nhận đầu tư chục triệu đô và sau đó gần như bị lừa đã phá thị trường, làm doanh nghiệp làm ăn thật mất cơ hội và đi đến các thị trường quốc tế cởi mở như Singapore để đăng ký kinh doanh”.
Chuyên gia Tài chính Phan Minh Ngọc cũng từng có bài viết chia sẻ thực tế tại Singapore, đảo quốc này đã đi đầu, hoan nghênh, chủ động và tích cực đón nhận những startup, những công ty kinh doanh tài sản ảo và gặt hái được nhiều lợi ích cho quốc gia. "Lợi ích này không chỉ đến dưới dạng công ăn việc làm với thu nhập cao cho công dân và nguồn thuế và chi tiêu thu được từ công ty và nhân viên. Hơn thế, những nước đi đầu này còn xây dựng được thành công hình ảnh là một trung tâm tài chính cực kỳ sôi động, hiệu quả, và minh bạch, tuân thủ các quy chế phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của quốc tế, ngày càng trở thành thỏi nam châm hấp dẫn dòng tiền đầu tư nước ngoài đổ vào đây", ông viết.
Còn theo các chuyên gia tại hội thảo, hiện các doanh nghiệp startup của Việt Nam trong thị trường ứng dụng blockchain, có xu hướng đổ về Singapore khi GamFi scam khiến dòng tiền chảy khỏi hệ thống, gây mất niềm tin với nhà đầu tư. Còn khi thị trường này siết lại các luật định, họ sẽ đi đăng ký phát triển ở thị trường khác có khung pháp lý dễ dàng hơn, phát triển thành công thì vẫn sẽ quay lại Singapore như "thị trường cuối".
Một thống kê mới nhất từ Chainalysis xác nhận, Việt Nam là quốc gia đứng đầu về các chỉ số chấp nhận tiền mã hóa trong năm 2021. Song ngành blockchain Việt Nam có thể bị chậm lại bởi các GameFi kém chất lượng, lừa đảo. Việc thiếu hụt nhân sự, chưa có quy định của luật pháp là những yếu tố khiến thị trường này càng khó phát triển hơn, dù đây là thế giới mới mẻ, rộng lớn và "béo bở". Trong khi đó, công nghệ Blockchain là một trong những lĩnh vực công nghệ số nằm trong danh mục ưu tiên nghiên cứu, phát triển, và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Gần đây tháng 3/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa có ý kiến chỉ đạo các bộ: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước đối với việc xây dựng khung pháp lý về tài sản ảo, tiền ảo.
Có thể thấy, tuy đang ở vạch xuất phát nhưng Việt Nam đang có cơ hội lớn cùng với các cường quốc công nghệ trên đường đua cung cấp các sản phẩm, giải pháp đổi mới sáng tạo cho nền kinh tế số của thế giới, đặc biệt là các sản phẩm, giải pháp ứng dụng: AI, Big data, IoT, Metaverse, Marketing 4.0 (Digital Marketing), và Marketing 5.0 (Martech), Blockchain… "Đã có nhiều doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam phát triển và ứng dụng Blockchain hiệu quả vào nền kinh tế số, đóng góp thúc đẩy hiệu quả chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ", chuyên gia nhận định.
Vì vậy, để phát triển hơn nữa công nghệ blockchain với các ứng dụng, được đánh giá có tiềm năng thúc đẩy tổng GDP toàn cầu lên tới 1,76 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới, các chuyên gia kiến nghị tương tự như thanh toán Mobile Money, cơ quan quản lý nên xem xét thí điểm tiền kỹ thuật số quốc gia và tiền mã hóa trên phạm vi nhỏ. Bởi chỉ khi về mặt pháp lý có văn bản chính thức, thí điểm tạo bước đột phá, mới có cơ sở để tiến tới đánh giá đầy đủ, Nhà nước mới có các chính sách khuyến khích phát triển phù hợp.
Có thể bạn quan tâm