Mặc dù liên tục tăng trưởng ấn tượng, sau những tác động của đại dịch COVID-19, tuy nhiên, để tăng tính hiệu quả và chất lượng trong thu hút nguồn vốn FDI, cần tiếp tục “khơi dòng” chính sách…
>> Thu hút FDI tăng 9%, vượt mốc 31 tỷ USD
Sau hơn 30 năm mở cửa thu hút đầu tư, nguồn vốn đầu tư FDI đã và đang đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Sự tăng trưởng của nguồn vốn này không chỉ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Việt Nam đẩy nhanh thời gian mở rộng thị trường quốc tế, mà ngày càng cải tiến hơn về nhiều mặt trong hoạt động kinh doanh (chuyên môn, công nghệ, kỹ thuật…), mà còn thúc đẩy cải cách thể chế, chính sách pháp luật, môi trường kinh doanh, phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập.
Những con số ấn tượng
Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài công bố cho thấy, tính đến ngày 20/11/2022, tổng vốn đầu tư FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đạt hơn 25,1 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 0,4 điểm phần trăm so với 10 tháng và tăng 10,3 điểm phần trăm so với 9 tháng.
Cụ thể, trong 11 tháng qua, có 1.812 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 14,9% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký đạt hơn 11,5 tỷ USD (giảm 18% so với cùng kỳ, tăng 5,7 điểm phần trăm so với 10 tháng).
Trong đó, vốn đăng ký mới tuy chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021 và biến động địa - chính trị toàn cầu song cũng đang dần được cải thiện, vốn điều chỉnh tiếp tục tăng 18,9%.
Để có những kết quả đã nêu, trước đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1831/QĐ-TTg về danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025, với 157 dự án trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt, trong các cuộc hội đàm với các Tập đoàn lớn của nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam, Thủ tướng luôn đưa ra các thông điệp cam kết bảo đảm môi trường đầu tư thuận lợi.
Cần tiếp tục… “khơi dòng”
Bên cạnh những con số tích cực đã và đang đạt được, thực tế hiện nay, số dự án thu hút được nguồn vốn đầu tư FDI vẫn chưa đạt cả về số lượng và chất lượng, bởi vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế, cần phải có giải pháp đồng bộ để thu hút nhà đầu tư.
Cụ thể, mặc dù Quyết định 1831/QĐ-TTg đã ban hành hơn 1 năm nay, tuy nhiên, thông tin về dự án mới chỉ có tên, mục tiêu dự án, địa chỉ thực hiện, quy mô/thông số kỹ thuật, tổng vốn đầu tư, hình thức đầu tư và địa chỉ liên hệ nhưng chưa được các cơ quan có trách nhiệm triển khai chi tiết thông qua việc kêu gọi công khai bằng các đề án chi tiết và cụ thể. Điều này là trở ngại rất lớn trong việc kêu gọi nguồn vốn đầu tư FDI nếu dự án đủ hấp dẫn.
>>Top 5 địa phương đang thu hút FDI ra sao?
Cùng với đó, những năm gần đây, dù vị thế quốc gia và uy tín của Việt Nam được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, để thu hút được những dòng vốn lớn từ các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới đến từ Mỹ, EU, Nhật, vẫn cần đáp ứng các yêu cầu về sự minh bạch; ổn định; dễ dự báo về thể chế; chính sách pháp luật thực thi nghiêm minh; các cam kết bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư cần được coi trọng.
Chưa kể, quan điểm về kinh doanh đã dần thay đổi, chuyển biến từ lấy sản phẩm, khách hàng làm trung tâm sang hướng lấy xã hội (phạm vi toàn cầu) làm trung tâm. Do vậy, các yếu tố như: năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ con người là các yếu tố quan trọng quyết định lựa chọn điểm đến của các nhà đầu tư. Vì vậy, Chính phủ cần có các biện pháp và hành động cụ thể như: ưu đãi đầu tư cao hơn và lâu hơn cho các ngành nghề lĩnh vực đạt yêu cầu trên; kiên quyết và mạnh mẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp xả thải gây hại môi trường, kiến tạo và giúp đỡ phát triển nông nghiệp sạch.
Đáng nói, dù là quốc gia thực hiện hiệu quả chính sách phòng ngữa COVID-19 hiệu quả và sớm mở cửa trở lại nền kinh tế, giao thương, đi lại thuận lợi, tuy nhiên, thông điệp và thông tin truyền tải về Việt Nam đến các nhà đầu tư còn hạn chế và chưa có độ phủ đủ lớn bằng nhiều ngôn ngữ và tại nhiều diễn đàn (thực tế, trong quá trình tư vấn đầu tư, chúng tôi được hỏi rất nhiều về việc nhập cảnh, đi lại vào Việt Nam). Song song với vẫn đề đã nêu, chính sách cấp visa, thẻ tạm trú dài hạn cũng cần được chú trọng để các thể nhân của doanh nghiệp nước ngoài yên tâm làm việc.
Cuối cùng, Chính Phủ cần có cơ chế giám sát thực hiện sát sao và luôn có kênh phản hồi kịp thời tháo gỡ các khó khăn, khiếu nại của các nhà đầu tư, không ngừng tổ chức các buổi tiếp xúc, đối thoại và hội thảo về thu hút nguồn vốn đầu tư FDI. Trong trường hợp cần thiết, cần sáng tạo tổ chức các tour du lịch “đặc biệt” kết hợp với tham quan tìm hiểu về các địa điểm đầu tư.
Thiết nghĩ, bên cạnh những cải thiện đã nêu, để tiếp tục nâng cao công tác thu hút vốn đầu tư FDI trong bối cảnh hiện nay, lời kêu gọi tốt nhất là những minh chứng từ chính sự thành công của các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang hoạt động tại Việt Nam.
(*) Luật sư Lê Trọng Thêm - Hòa giải viên Trung tâm hòa giải thương mại Quốc Tế Việt Nam (VICMC), Luật sư Điều hành Công ty Luật LTT & Lawyers
Có thể bạn quan tâm
Thái Bình: Đẩy mạnh thu hút FDI công nghệ cao thân thiện với môi trường
01:05, 06/11/2022
Bình Dương thu hút FDI đứng thứ hai cả nước
00:39, 05/11/2022
Thu hút FDI lớn, mở cơ hội cho các nhà phát triển BĐS công nghiệp
03:02, 02/08/2022
Bắc Giang: Bứt phá mới để thu hút FDI
10:15, 08/07/2022
Thu hút FDI 2 tháng đầu năm có gì đáng chú ý?
04:00, 01/03/2022