Mặc dù đã liên tiếp chinh phục được các thị trường khó tính, tiêu chuẩn khắt khe, thế nhưng, ngay tại thị trường nội địa, việc tiêu chuẩn “GAP” cho nông sản dường như còn lỏng lẻo…
>> Năm 2023, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ “khởi sắc”
Theo thống kê của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết năm 2022, cả nước có khoảng 480.000 ha cây trồng được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương (trong đó, rau trồng theo tiêu chuẩn này chiếm khoảng trên 10%), còn số đơn vị được cấp chứng nhận VietGAP là 8.304 cơ sở. Ngoài ra, có gần 90.000 ha được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương; 905 trang trại và 2.543 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP.
So với quy mô trồng trọt và chăn nuôi của cả nước, diện tích cây trồng và vùng nuôi thủy sản, chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGap hiện còn khá khiêm tốn. Đặc biệt, đến nay Việt Nam chưa có quy định bắt buộc các siêu thị, trung tâm thương mại, hay các chợ đầu mối… bán sản phẩm VietGap nên chất lượng các sản phẩm trên thị trường “vàng thau lẫn lộn”.
Trong khi đó, để xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... nông sản Việt hiện phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn khắt khe do các nước đưa ra, trong đó nổi bật là vấn đề an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ.
Chẳng hạn, sản phẩm thủy sản xuất sang thị trường Mỹ, doanh nghiệp phải cung cấp được rõ ràng thông tin nuôi từ vùng nuôi nào, thức ăn được sản xuất từ nhà máy nào, sản phẩm có đáp ứng được quy định vệ sinh an toàn, hàm lượng dinh dưỡng và tạp chất trong sản phẩm... không? Thậm chí, doanh nghiệp xuất khẩu còn phải đảm bảo vấn đề an sinh xã hội, môi trường làm việc an toàn cho cán bộ công nhân viên...
Còn với hàng hóa sản xuất để tiêu thụ ở trong nước, các doanh nghiệp đang lấy chuẩn VietGap hay VietGAHP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) là thước đo cao nhất để đánh giá chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, để người tiêu dùng tiếp cận được những sản phẩm chất lượng như hàng xuất khẩu rất khó, nhất là khi, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ tập trung ở thị trường bên ngoài.
>>Không minh bạch hóa thông tin, nông sản Việt sẽ bị ‘tuýt còi’
Thực tế hiện nay, mặc dù gạo, rau quả, cà phê, thủy sản từ Việt Nam đã xuất sang rất nhiều quốc gia trên thế giới. Thế nhưng, ngay tại Việt Nam, không có nhiều địa chỉ để người dân mua các loại nông sản chất lượng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Theo các chuyên gia, với khoảng 100 triệu dân, Việt Nam là thị trường tiềm năng rất lớn để đẩy mạnh tiêu thụ. Tuy nhiên, từ trước đến nay, các doanh nghiệp hầu như chưa để ý đến.
Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, trong khoảng 280 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của hiệp hội, song hiện chỉ có khoảng 26 thành viên cung cấp hàng thủy sản cho thị trường nội địa thông qua hệ thống siêu thị và các kênh phân phối. Trong khi mức tiêu thụ thủy sản của người Việt Nam trong những năm gần đây đang tăng mạnh với khoảng 27kg/người/năm, không hề kém những thị trường lớn.
Thông tin với báo chí, TS Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch cho biết, trên thế giới, ngoài việc áp dụng các quy định nghiêm ngặt, mỗi siêu thị bán thực phẩm, nông sản ở trong quốc gia đó còn có bộ tiêu chí quy định riêng từng nhóm hàng. Mặt khác, những mặt hàng rau củ họ ký kết trực tiếp với nông dân và có đội ngũ giám sát.
Còn tại Việt Nam, số lượng siêu thị ký kết trực tiếp với nông dân để tiêu thụ rau, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn VietGap hiện còn lẻ tẻ, vì vướng mắc thủ tục pháp lý. Các siêu thị không đủ nguồn lực để thực hiện nên thường phải thông qua đầu mối trung gian nên việc kiểm soát chất lượng càng khó hơn.
Từ đó, vị chuyên gia này cho rằng, để người tiêu dùng lựa chọn được các sản phẩm nông sản và thực phẩm chất lượng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát, kiểm soát chặt hơn việc cấp giấy chứng nhận vùng trồng, an toàn thực phẩm với nông sản. Sau đó, cơ quan chức năng công bố danh sách những cơ sở đạt chứng nhận VietGAP một cách công khai, minh bạch. Các cơ sở này sẽ phải công khai thông tin, lịch sử trồng trọt, giao dịch để các đơn vị liên quan nắm bắt và kiểm soát chặt.
Đặc biệt, các bộ, ngành cần nghiên cứu quy định để yêu cầu các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối…bán những sản phẩm nông sản đạt chất lượng theo tiêu chuẩn đưa ra.
“Hiện tại, đời sống người dân Việt Nam đã được nâng cao hơn nhiều, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nên đòi hỏi những sản phẩm tiêu thụ cũng phải chất lượng, an toàn và tương xứng. Chỉ khi chúng ta làm bài bản và thành công với thị trường nội địa, thế giới mới tin được Việt Nam nghiêm túc trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, coi trọng vấn đề an toàn thực phẩm khi xuất sang thị trường khác”, bà Minh chia sẻ.
Đồng quan điểm đã nêu, nhiều ý kiến cũng cho rằng, đã tới lúc, ngành nông nghiệp cần áp dụng quy trình sản xuất VietGAP trở thành tiêu chuẩn bắt buộc với mọi thành phần tham gia. Việt Nam đã vượt qua giai đoạn phát triển nông nghiệp theo sản lượng, giờ là lúc nông dân cần có tri thức để tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Làm được như vậy, không chỉ giúp người dân Việt Nam sống khỏe, mà còn xây dựng được quy trình từ gốc, bởi nếu được sản xuất theo VietGAP, nông sản gần như đủ khả năng bán khắp thế giới. Điều duy nhất cần làm sau đó, nếu nông sản xuất khẩu đi đâu thì tìm hiểu thêm về yêu cầu riêng của thị trường ấy.
Có thể bạn quan tâm
Hải Dương: Nông dân Việt Hoàng khởi nghiệp thành công nhờ nông sản sạch
05:36, 08/01/2023
Năm 2023, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ “khởi sắc”
00:00, 02/01/2023
Xuất khẩu nông sản năm 2022 lập kỷ lục mới nhờ "đổi mới tư duy"
11:25, 31/12/2022
Vì sao nông sản cần “giải cứu”?
00:00, 26/12/2022
Tiền Giang nâng cao giá trị nông sản
20:44, 15/12/2022