Việt Nam có chỉ số đánh giá thương mại bền vững khá tốt, vượt trên các quốc gia có mức thu nhập trung bình khác như Thái Lan và Malaysia.
Việt Nam xếp thứ 9/20 nền kinh tế châu Á và Mỹ tham gia bảng xếp hạng “Chỉ số Thương mại Bền vững năm 2018 - Hinrich Foundation 2018”.
Báo cáo này được phát triển bởi Economist Intelligence Unit dưới sự uỷ thác của Hinrich Foudation và được phối hợp công bố với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vào ngày 23/11.
Thông điệp chính của Bảng xếp hạng này đó là, cho dù hoạt động thương mại là một thành phần không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế, các quốc gia không thể xây dựng một nền kinh tế bền vững nếu không quản lý môi trường có trách nhiệm và cam kết phát triển đầy đủ nguồn vốn xã hội.
Theo đó, các quốc gia cố tình “đi tắt đón đầu”, bất chấp tác động đến môi trường và xã hội sẽ không thể tiếp tục xây dựng một nền kinh tế bền vững.
Có thể bạn quan tâm
10:26, 23/11/2018
02:57, 14/11/2018
11:00, 11/11/2018
Đánh giá của Báo cáo “Chỉ số Thương mại Bền vững”, tính bền vững là một yếu tố quyết định trong thu hút FDI và trong việc lựa chọn nhà cung cấp khi chọn đối tác cung ứng. Theo đó, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Theo các chuyên gia được phỏng vấn trong khuôn khổ Báo cáo, tầm quan trọng của tính bền vững đã gia tăng đáng kể trong 20 năm qua – từ một yếu tố “có thì tốt” đã trở thành yếu tố “cần thiết miễn cưỡng” và cuối cùng đã trở thành “một lợi thế cạnh tranh”, một yếu tố giúp các công ty giành được khách hàng và giúp các quốc gia thu hút FDI.
Cụ thể, theo đánh giá của ông Vivek Pathak – Giám đốc Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, bước đi đầu tiên đến với sự bền vững của các doanh nghiệp nhỏ ở châu Á là họ thường tìm kiếm các nguồn vốn từ bên ngoài để phát triển.
Nghĩa là họ cần có khả năng đa dạng hoá nguồn vốn vay, thu hút vốn qua thị trường đại chúng hoặc tư nhân. Khi đó, các yếu tố như quản lý, quản trị và có đảm bảo yếu tố môi trường của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến quyết định việc doanh nghiệp có nhận được các khoản đầu tư hay không?
Theo đó, các doanh nghiệp đang cải thiện sự bền vững cho chuỗi cung ứng của mình bằng cách cải tổ và mở rộng quan hệ với các đối thủ cạnh tranh và các nhà cung cấp.
Đồng tình với quan điểm này, ông Colin Browne – Giám đốc Chuỗi cung ứng của Under Armour cho rằng: “Chi phí nhân công thấp không còn là yếu tố chính khi quyết định đầu tư, thay vào đó là mục tiêu về giá trị trong các chuỗi cung ứng. Cụ thể, “Các mục tiêu đó thường là thời gian sản xuất, chất lượng sản phẩm và mục tiêu giá trị của sản phẩm với thương hiệu. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để cân bằng những điều đó, bao gồm cả nguy cơ địa chính trị, rủi ro danh tiếng, về sự phát triển bền vững hay trách nhiệm xã hội”, ông Colin Browne nhấn mạnh.
Chỉ số thương mại bền vững đo lường năng lực của 20 nền kinh tế, bao gồm: 19 nền kinh tế châu Á và Mỹ trong việc tham gia vào hệ thống thương mại quốc tế theo cách thức hỗ trợ các mục tiêu dài hạn ở cấp độ quốc gia và quốc tế nhằm tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường cũng như củng cố vững chắc nguồn vốn xã hội.
Chỉ số bao gồm 24 chỉ báo được phân loại thành 3 nhóm đại diện cho 3 lĩnh vực: tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nguồn vốn đầu tư cho xã hội và đánh giá xem liệu một quốc gia có tham gia vào thương mại bền vững hay không?