Tính lại bài toán điện - than

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên 10/04/2022 15:00

Giải quyết ngay những vướng mắc trong Hợp đồng mua bán nhiên liệu sơ cấp, mua bán điện giữa các bên và trên hết là tính lại bài toán năng lượng.

Tháng 4 này, trong khi chưa có nguồn bổ sung mới như kỳ vọng để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế, khi đường dây mới để tăng năng lực truyền tải ra miền Bắc chưa có, hay việc mua điện công suất lớn từ Trung Quốc không dễ, thì việc cấp điện phải đương đầu thêm với nỗi lo mới. Đó là than không đủ cho phát điện.

Thực tế, than cho sản xuất điện hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu, trong nước việc khai thác ngày càng khó khăn, chi phí hầm lò lớn. Đây là vấn đề mà ngành than cần phải tính tới và có giải pháp thay thế nếu muốn phát triển bền vững.

Gỡ vướng nguyên liệu cho sản xuất điện

Diễn biến mới của tình hình thế giới cũng như khu vực đang cho thấy các vấn đề tồn tại, khó khăn cần được giải quyết. Theo đó, yêu cầu các tập đoàn thực hiện ngay các giải pháp nhằm huy động bổ sung sản lượng phát điện từ các nguồn bổ sung.

Thứ nhất, các đơn vị sản xuất than (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc), khí (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) nâng cao năng lực sản xuất nhiên liệu sơ cấp trong nước; tăng cường ký kết các hợp đồng mua bán than, khí với các đối tác truyền thống và các đối tác mới.

Thứ hai, nâng cao trách nhiệm trong việc hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để bảo đảm huy động tối đa các nguồn điện. Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia và các đơn vị truyển tải phải đặt vào trạng thái luôn sẵn sàng để thực hiện được các mục tiêu này.

>>Ngành than và sự thiếu hụt của ngành điện

 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với Đại sứ Úc tại Việt Nam để tìm kiếm, bảo đảm nguồn cung than cho sản xuất điện của Việt Nam

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với Đại sứ Úc tại Việt Nam để tìm kiếm, bảo đảm nguồn cung than cho sản xuất điện của Việt Nam

Thứ ba, giải quyết ngay những vướng mắc trong Hợp đồng mua bán nhiên liệu sơ cấp, mua bán điện giữa các bên.

Về dài hạn, yêu cầu các Tập đoàn phối hợp chặt chẽ để báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính và cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến giá điện, giá nhiên liệu sơ cấp, vướng mắc trong thanh quyết toán liên quan đến sản xuất điện.

Bên cạnh đó, các Tập đoàn, các đơn vị phải tự kiểm tra và các cơ quan chức năng của Bộ bao gồm Vụ Dầu khí và Than, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết Điện lực, Thanh tra Bộ, Vụ Kế hoạch sẽ phải làm tốt việc thanh tra, kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ của mình để bảo đảm rằng kế hoạch đã ban hành ra thì phải được thực hiện nghiêm túc.

Tính toán lại nguồn nguyên liệu nhập khẩu

Để bảo đảm nguồn cung ứng than cho điện từ nguồn nhập nhẩu, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương đề nghị phía Australia cân đối sản lượng than trong nước để cung cấp cho phía Việt Nam.

Đề nghị Đại sứ Australia hỗ trợ kết nối các nhà cung cấp của Australia với các Tổng Công ty nhà nước của Việt Nam như Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam để cung ứng mỗi năm khoảng 5 triệu tấn than cho sản xuất điện ở Việt Nam.

Đề nghị Đại sứ hỗ trợ thúc đẩy để tổ chức ngay cuộc họp giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý hai Bên để sớm thống nhất các hợp đồng mua bán than, đưa các chuyến hàng than đá từ Australia về Việt Nam ngay trong tháng 4 này.

Bên cạnh việc cung cấp khối lượng than ổn định, chất lượng tốt, đề nghị phía Australia xem xét, cung ứng than cho Việt Nam với giá hợp lý để có giá thành sản xuất điện ở mức phù hợp, đảm bảo mục tiêu đủ điện cho sản xuất và mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội của Việt Nam.

Bộ Công Thương đã có chỉ đạo cụ thể “đảm bảo cung cấp than cho sản xuất điện”. Theo đó, Bộ yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo năng lực sản xuất than, thực hiện mọi giải pháp đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện theo đúng Hợp đồng mua bán/cung cấp than đã ký (đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện BOT sử dụng than trong nước để tránh xảy ra tình trạng phía Việt Nam phải bồi thường do ngừng máy vì thiếu nhiên liệu).

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long":  “Tại anh, tại ả...”

Năm 2017, Chính phủ đã quyết định cho EVN và PVN được phép khai thác các nguồn khác mà không nhất thiết phải mua than của TKV. Do đó, TKV rất “cẩn thận” trong việc ký kết hợp đồng với EVN. Trong khi, TKV đã chuẩn bị đủ số lượng than để cung cấp cho EVN. Việc này dẫn đến TKV bị tồn kho một lượng lớn than đã nhập về.

Trong bối cảnh hiện nay, đầu vào của than cũng rất cao do tác động từ chiến sự Nga – Ukraine, nguồn than nhập từ Australia cũng như vậy. Trong khi đó, nhiệt điện ở Việt Nam chiếm một tỉ trọng rất lớn, nếu xảy ra tình trạng thiếu điện từ nhiệt điện thì rất nguy hiểm. Như vậy, EVN cũng “rất lo” khi Chính phủ giao rất cụ thể, nên đã phải chuẩn bị phương án dự phòng. Đó là mua điện của Trung Quốc và Lào.

Hiện, nhiệt điện ở Việt Nam chiếm gần 50%, do đó nguyên liệu đầu vào cho điện chủ yếu phụ thuộc vào TKV.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận khách quan, thời gian qua nguồn cung cấp than cho điện không đầy đủ. Trong một vài tháng tới, đặc biệt là mùa khô thì thủy điện cũng sẽ bị giảm công suất, còn năng lượng tái tạo cũng mới chỉ chiếm khoảng 9,8%. Như vậy, nếu không cung cấp đủ than thì ngành điện sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Từ đây, ngành điện mới “kêu” về khả năng thiếu điện.

Nhưng ngành than vừa nhập nhưng cũng đồng thời lại vừa xuất. Nhập vào giá cao thì xuất đi cũng phải giá cao. Vậy tại sao than chỉ nói đến giá nhập mà không đề cập đến giá xuất.

Lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp và cao hơn là sự phát triển của cả nền kinh tế mới là lợi ích căn bản. Để làm được điều này, EVN phải thực thi đúng như cam kết trong hợp đồng mua than với TKV. Về phía TKV, khi nhập than cũng phải ký kết bảo hiểm rủi ro về giá.

Tuy vậy, những cuộc “cãi vã” và đùn đẩy trách nhiệm của EVN và TKV dường như vấn đề quan trọng nhất - giải bài toán chiến lược mang tầm quốc gia về an ninh năng lượng vẫn bị bỏ ngỏ và tiếp tục bị che mờ trong vòng xoáy của các luồng quan điểm lạc lối vì tranh cãi kỹ thuật và tiểu tiết, thay vì đi vào giải những câu hỏi quan trọng nhất.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Chuyển điện than chưa đầu tư sang điện khí, điện gió

    Quảng Ninh: Chuyển điện than chưa đầu tư sang điện khí, điện gió

    00:17, 07/12/2021

  • Tài chính toàn cầu giảm đầu tư vào điện than, các dự án tại Việt Nam ra sao?

    Tài chính toàn cầu giảm đầu tư vào điện than, các dự án tại Việt Nam ra sao?

    05:30, 06/11/2021

  • Năng lượng tái tạo - lựa chọn kinh tế thay thế cho điện than

    Năng lượng tái tạo - lựa chọn kinh tế thay thế cho điện than

    05:05, 04/11/2021

  • Ngành than và sự thiếu hụt của ngành điện

    Ngành than và sự thiếu hụt của ngành điện

    00:32, 05/04/2022

  • Quảng Ninh: Khổ với những bãi thải của ngành than

    Quảng Ninh: Khổ với những bãi thải của ngành than

    04:00, 16/03/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Ngành than cần chú trọng đầu tư mở rộng sản xuất

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Ngành than cần chú trọng đầu tư mở rộng sản xuất

    21:08, 05/11/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tính lại bài toán điện - than
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO