Với AI mã nguồn mở, Trung Quốc dường như đang triển khai một chiến lược có thể tái định hình cuộc chơi công nghệ toàn cầu.
Kể từ khi DeepSeek "làm mưa làm gió" vào đầu năm 2025, giới công nghệ Trung Quốc gần đây liên tục tung ra thị trường hàng loạt dịch vụ AI chi phí thấp. Đáng lưu ý, các mô hình AI này hầu hết đều là mã nguồn mở – một bước đi có thể mang tính quyết định trong cuộc cạnh tranh trực diện với những dịch vụ cao cấp của OpenAI hay Google.
Chỉ trong hai tuần qua, các công ty Trung Quốc đưa ra không dưới 10 sản phẩm mới hoặc nâng cấp lớn. Baidu tung ra Ernie X1 để cạnh tranh trực tiếp với R1 của DeepSeek. Alibaba theo sau với các mô hình AI và agent nâng cấp. DeepSeek cũng đã nâng cấp lên phiên bản V3. Thậm chí cả Meituan – một dịch vụ giao đồ ăn – cũng tuyên bố đầu tư hàng tỷ USD vào AI.
Những điều này không chỉ là hiện tượng nhất thời mà là biểu hiện của một chiến lược dài hạn: các nhà phát triển Trung Quốc đang nỗ lực thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu với mục tiêu xa hơn là chiếm lĩnh thị trường thế giới.
Trung Quốc đã thành công trên thị trường toàn cầu nhờ sản phẩm giá rẻ – từ xe điện đến pin mặt trời – qua đó áp đảo các đối thủ cạnh tranh địa phương và đẩy họ vào thế khó. Kịch bản này nhiều khả năng sẽ lặp lại trong cuộc đua AI, và sự cạnh tranh về giá có thể nhanh chóng lan ra ngoài Trung Quốc, theo nhận định của các chuyên gia.
“Tôi dự đoán trong những tháng tới, Trung Quốc sẽ tung ra hàng loạt mô hình AI mã nguồn mở cho mọi lĩnh vực, từ thị giác máy tính đến robot và tạo hình ảnh,” Balaji Srinivasan – nhà đầu tư công nghệ và cựu đối tác quản lý tại Andreessen Horowitz – viết trên X.
Các mô hình mã nguồn mở hiệu suất cao, tiết kiệm tài nguyên được công bố sau cơn sốt DeepSeek đang được nhân rộng và sử dụng trên toàn cầu, bao gồm cả ở Mỹ và Ấn Độ. Tốc độ ứng dụng nhanh đến mức một số doanh nghiệp và cơ quan chính phủ ở các quốc gia này đã tuyên bố hạn chế truy cập vào DeepSeek trên thiết bị của nhân viên.
Bằng cách cung cấp mã nguồn mở, các nhà phát triển Trung Quốc đang tái định hình thị trường và khiến người ta đặt dấu hỏi về hiệu quả của các khoản đầu tư hạ tầng khổng lồ mà các ông lớn công nghệ Mỹ như OpenAI hay Microsoft đã cam kết.
“Nếu bạn cho rằng mục tiêu của các công ty Trung Quốc phát triển mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) là phá vỡ thị trường và giành thị phần, thì họ đã đạt được điều đó,” James Wilton, đối tác điều hành và là nhà sáng lập công ty tư vấn công nghệ Monevate, nhận định.
Vậy các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ kiếm lợi nhuận từ đâu? Dự báo của Balaji Srinivasan có thể là lời giải. “Rõ ràng mục tiêu của họ là loại bỏ lợi nhuận từ phần mềm AI, bởi họ kiếm tiền chủ yếu từ phần cứng tích hợp AI,” ông cho biết và nhấn mạnh, xuất phát từ “điểm mạnh cốt lõi của Trung Quốc là xuất khẩu các sản phẩm vật lý hơn là phần mềm.”
Như vậy, với thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất, Trung Quốc có thể tiếp tục hạ giá và mở rộng tiếp cận của các mô hình AI, từ đó gia tăng nhu cầu với phần cứng tích hợp AI do họ sản xuất - có giá trị sử dụng cao và biên lợi nhuận thực tế.
Trong khi Apple phải hủy bỏ dự án kính thông minh, Baidu vừa ra mắt kính Xiaodu tích hợp AI. Không chỉ robot hình người, ngày càng nhiều tivi và tủ lạnh tại Trung Quốc được tích hợp AI, hỗ trợ nhận diện hình ảnh, tối ưu âm thanh, và thực hiện nhiều tác vụ phức tạp khác.
“Trung Quốc sẽ kiếm tiền bằng việc bán các sản phẩm phần cứng sử dụng AI với giá ngày càng thấp và chất lượng ngày càng tốt – từ nhà thông minh, xe tự lái cho tới drone dân dụng và robot thú cưng. Về cơ bản, Trung Quốc đang cố gắng làm với AI như họ từng làm: nghiên cứu, sao chép, tối ưu rồi đánh bại tất cả bằng giá rẻ và quy mô lớn,” Balaji dự đoán.
Sự trỗi dậy của các mô hình AI mã nguồn mở chất lượng cao với chi phí thấp như DeepSeek đang đặt ra thách thức nghiêm trọng cho các công ty công nghệ phương Tây.
Năm ngoái, nhiều nhà đầu tư ở Mỹ đã bày tỏ lo ngại về khả năng thu hồi vốn từ những khoản đầu tư hàng trăm tỷ USD vào AI. Chỉ riêng sự kiện DeepSeek ra mắt đã khiến vốn hóa thị trường công nghệ Mỹ sụt giảm tạm thời hàng nghìn tỷ USD – một tín hiệu cho thấy những lo ngại đó đang dần trở thành hiện thực.
Khi các mô hình mã nguồn mở chất lượng cao đã sẵn sàng, Trung Quốc hoàn toàn có lý do để quảng bá chúng ra toàn cầu. Bất chấp các lo ngại về an ninh dữ liệu, Ấn Độ, Indonesia, Scotland hay Ả Rập Xê Út đã tích cực ứng dụng DeepSeek vào nhiều dịch vụ. Bộ trưởng Công nghệ của Vương quốc Anh cũng từng khen ngợi hiệu quả của mô hình này trong việc nâng cao năng suất.
Đồng thời, các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây của Trung Quốc – nơi lưu trữ và phát triển AI – cũng đang liên tục cắt giảm giá, tạo ra một cuộc cạnh tranh mà nhiều khả năng sẽ lan rộng ra ngoài biên giới.
“Đây là sự phát triển tự nhiên của cuộc chiến giá trong hệ sinh thái công nghệ nội địa Trung Quốc, nay đang lan dần sang các thị trường khác,” Kevin Xu – nhà đầu tư công nghệ và là sáng lập Interconnected Capital tại Mỹ – nói với Bloomberg.
Khi lợi thế công nghệ bị thu hẹp, sẽ ngày càng ít người sẵn sàng trả phí cao cho các mô hình mã nguồn đóng của Mỹ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các nhà phát triển như OpenAI, mà còn đe dọa những ông lớn phần cứng như Nvidia – doanh nghiệp đang hưởng lợi lớn từ việc bán chip và xây dựng hạ tầng AI đắt đỏ.
“Đây là một vấn đề lớn,” Amr Awadallah – nhà sáng lập kiêm CEO của Vectara – cho biết và nhận định: “Chúng ta sắp chứng kiến một xu hướng suy giảm biên lợi nhuận nghiêm trọng trên toàn bộ hệ sinh thái AI – không chỉ đối với các công ty phát triển mô hình, mà cả với những nhà cung cấp hạ tầng đang thúc đẩy ngành này.”