Tổng Liên đoàn Lao động không nên 'ôm' đầu tư nhà ở xã hội

DIỆU HOA 28/08/2023 00:00

Đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây.

>>Cần có giá trần với nhà ở xã hội

Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngày 3/8, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất chỉ thực hiện dự án nhà ở với tư cách cơ quan chủ quản, không trực tiếp là chủ đầu tư dự án. Dự án nhà ở xã hội này chỉ cho thuê, không bán và dùng tài chính công đoàn làm vốn thực hiện, đầu tư. Nhà ở cho thuê được quản lý vận hành như với nhà do Nhà nước đầu tư.

Nhiều ý kiến cho rằng không nên để Tổng liên đoàn lao động làm chủ đầu tư nhà ở xã hội

Tuy nhiên, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.

Cần đánh giá tác động toàn diện

Cơ quan thẩm tra cho biết, một số ý kiến không tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Lý do, vấn đề này chưa được đánh giá tác động kỹ về nguồn lực, có thể làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến hiệu quả thực hiện dự án, khả năng bảo toàn vốn.

Bên cạnh đó, với cơ chế như Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất nguồn vốn là tài chính công đoàn, chỉ thực hiện dự án nhà ở xã hội để cho thuê, thu hồi vốn chậm, sẽ không có đủ nguồn lực đạt mục tiêu đến 2030, tất cả khu công nghiệp, khu chế xuất đều có thiết chế công đoàn.

Cũng trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết không đồng tình với quy định Tổng Liên đoàn Lao động làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân và đề nghị nghiên cứu lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức chính trị - xã hội này.

Ông Trần Quang Phương nêu quan điểm, tổ chức chính trị - xã hội không nên "ôm" việc này mà nên giao cơ quan hành chính như UBND cấp tỉnh làm. Cũng là nguồn lực của Nhà nước nhưng với tình hình tinh giản biên chế như bây giờ không có đủ người làm việc này.

"Tổng Liên đoàn Lao động làm đúng chức năng nhiệm vụ của tổ chức chính trị xã hội là giám sát, phản biện xã hội, tham mưu chính sách công nhân cho tốt", Ông Phương nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị cân nhắc việc Tổng Liên đoàn Lao động làm chủ đầu tư nhà ở xã hội. Ngay việc cho thuê như đề xuất của Tổng liên đoàn cũng cần có đánh giá tác động toàn diện.

>>Mua bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng sẽ thu hồi

Nhiều ý kiến không tán thành

Như DĐDNđã thông tin trước đó, đề xuất để Tổng liên đoàn lao động làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía cộng đồng chuyên môn. Các chuyên gia đặt vấn đề, 2 Thiết chế Công đoàn chưa phát huy được hiệu quả, trường hợp Tổng Liên đoàn Lao động được giao đặc quyền để đầu tư các dự án nhà ở xã hội có thể tạo ra nguy cơ lãng phí nguồn lực.

Không nên cố gắng gò ép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia trực tiếp đầu tư dự án nhà ở xã hội

LS Trần Tuấn Anh - Giám đốc công ty luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội phân thích: Thứ nhất, Tổng Liên đoàn không phải là tổ chức kinh tế, vấn đề tháo gỡ chính sách để chủ thể này tham gia với tư cách chủ đầu tư vẫn chưa có một giải pháp toàn diện.

Thứ hai, Tổng Liên đoàn không phải là một chủ thể có năng lực phát triển, quản trị và kinh doanh bất động sản có thể gây rủi ro đối với tài chính Công đoàn, gây thất thoát, lãng phí.

Thứ ba, việc trực tiếp tham gia thị trường bất động sản của một chủ thể như Tổng Liên đoàn có thể gây sự bất bình đẳng với các chủ thể khác, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh, phá vỡ sự vận hành của kinh tế thị trường trong phát triển nhà ở xã hội.

Từ những khó khăn vướng mắc trên, vị luật sư cho rằng không nên cố gắng gò ép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia trực tiếp đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng cho rằng tại Khoản 3 Điều 77 Dự thảo Luật Nhà ở có xác định về hình thức phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp, mua, thuê, thuê mua…”, có nghĩa là làm nhà ở xã hội để bán.

Vậy Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có nên làm nhà ở xã hội để bán không hay chỉ nên làm cho người lao động thuê, còn như quy định này thì đây được xác định như một đơn vị kinh doanh bất động sản bình thường không phải đơn thuần là tổ chức chính trị - xã hội.

Điều 77 cũng giới hạn phát triển nhà ở xã hội chỉ cho đoàn viên công đoàn, vậy những người công nhân, người lao động vì một lý do nào đó chưa phải là đoàn viên công đoàn thì họ sẽ không được quyền mua nhà ở xã hội.

"Như vậy, Luật đang bỏ sót một đối tượng công nhân, người lao động chưa phải là đoàn viên công đoàn. Ngoài ra, Luật đang giới hạn đối tượng là đoàn viên công đoàn đang làm việc tại khu công nghiệp mới có quyền mua nhà ở xã hội còn đoàn viên công đoàn làm việc tại các cụm công nghiệp sẽ không được mua" - ông Châu bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

  • TP.HCM giám sát việc triển khai các dự án nhà ở xã hội

    TP.HCM giám sát việc triển khai các dự án nhà ở xã hội

    03:00, 25/08/2023

  • Mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội: Xem xét các trường hợp yếu thế

    Mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội: Xem xét các trường hợp yếu thế

    12:00, 23/08/2023

  • Hải Phòng: Phấn đấu hoàn thành 33.500 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030

    Hải Phòng: Phấn đấu hoàn thành 33.500 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030

    03:00, 22/08/2023

  • Hải Dương: Hơn 1 vạn người dân có nhu cầu nhà ở xã hội

    Hải Dương: Hơn 1 vạn người dân có nhu cầu nhà ở xã hội

    02:00, 22/08/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tổng Liên đoàn Lao động không nên 'ôm' đầu tư nhà ở xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO