Từ 10/1/2023, ô tô khách giường nằm sẽ bị cấm lưu thông tạii các tuyến đường: Quốc lộ 1- Nguyễn Văn Linh - Võ Chí Công - Nguyễn Thị Định - Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ - xa lộ Hà Nội - Quốc lộ 1.
>>Vì sao TP.HCM muốn cấm xe giường nằm vào nội đô?
Cụ thể, mới đây Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường, vừa ký quyết định “khẩn” về việc tổ chức giao thông đối với ô tô khách có giường nằm trên địa bàn thành phố kể từ ngày 10/1/2023.
Nêu quan điểm về việc vì sao phải cấm xe ô tô giường nằm vào nội đô TP, đại diện lãnh đạo UBND TP.HCM cho rằng, việc tổ chức cấm xe giường nằm lưu thông vào khu vực nội đô nhằm giảm tối đa nguy cơ ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông liên quan đến ô tô khách. Đồng thời, hạn chế tình trạng đón, trả khách không đúng nơi quy định đang diễn biến phức tạp, gây mất an ninh, trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị trên địa bàn thành phố. Đây là đề xuất của Sở GTVT TP.HCM và được UBND TP chấp thuận.
Theo đó, từ 10/1/2023, ô tô khách có giường nằm sẽ bị cấm lưu thông từ 6 - 22 giờ theo vành đai các tuyến đường: Quốc lộ 1 - đường Nguyễn Văn Linh - Võ Chí Công - Nguyễn Thị Định - Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ - xa lộ Hà Nội - Quốc lộ 1.
Các phương tiện này sẽ được lưu thông không hạn chế thời gian vào 2 hành lang ra/vào Bến xe miền Tây và Bến xe miền Đông. Hành lang cụ thể như sau: Hành lang ra vào Bến xe miền Tây: Quốc lộ 1 → đường Kinh Dương Vương → Bến xe miền Tây và ngược lại; Hành lang ra vào Bến xe miền Đông: Quốc lộ 1 → Quốc lộ 13 - đường Đinh Bộ Lĩnh → Bến xe miền Đông → Quốc lộ 13 → Quốc lộ 1.
Theo thống kê, hiện TP.HCM có 5 bến xe khách liên tỉnh (miền Đông, miền Tây, An Sương, Ngã tư ga và miền Đông mới) với 767 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đi và đến 57 tỉnh, thành. TP.HCM cũng có 58 đơn vị vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh với 1.579 phương tiện; có 1.351 đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch với 90.835 phương tiện.
Sau khi chuyển thêm 79 tuyến xe khách từ Bến xe miền Đông (Q.Bình Thạnh) ra Bến xe miền Đông mới (TP.Thủ Đức), tình trạng xe khách đón trả khách không đúng quy định có chiều hướng gia tăng ở Q.1, Bình Thạnh và Thủ Đức.
Ước tính, đã có khoảng 140 trong gần 300 chuyến xe không hoạt động ở Bến xe miền Đông mới mà ra ngoài đón khách theo kiểu “xe dù, bến cóc”.
>>Cấm xe máy vào nội đô năm 2025 là quá vội vàng?
Trước đó, tháng 4/2021, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cũng đã từng nghiên cứu lập vành đai hạn chế xe trên 30 chỗ vào trung tâm, nhằm chấn chỉnh tình trạng "xe dù, bến cóc". Và đây là một trong giải pháp mà Sở Giao thông Vận tải gửi UBND TP.HCM nhằm giảm ùn tắc giao thông.
Theo Sở GTVT, Vành đai hạn chế xe trên 30 chỗ ở khu trung tâm (quận 1, 3, 5, 10) sẽ không áp dụng cho xe đưa rước học sinh, sinh viên, công nhân, ôtô chở khách du lịch cùng các trường hợp đặc biệt khác. Vành đai các tuyến đường giới hạn đang được chờ thống nhất.
Ngoài phương án này, Sở Giao thông Vận tải cho biết sẽ điều chỉnh hoặc bổ sung camera trên các tuyến đường trung tâm và quanh Bến xe Miền Đông tại quận Bình Thạnh. Động thái này được đưa ra trước việc nhiều tuyến đường có hoạt động đón, trả khách sai quy định như Lê Hồng Phong, Nguyễn Chí Thanh, Sư Vạn Hạnh (quận 5); Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm, Phạm Ngũ Lão (quận 1)...
Đặc biệt tại hai địa chỉ số 391, 397 Đinh Bộ Lĩnh đối diện Bến xe Miền Đông, tình trạng đón, trả khách diễn ra thường xuyên như một bến xe thu nhỏ, dù nơi đây chỉ có chức năng giữ xe. Hai điểm này bị phản ánh nhiều năm nay bởi không chỉ ảnh hưởng hoạt động bến xe mà tình trạng ôtô ra vào liên tục gây ùn tắc.
Ở thời điểm đó, Sở Giao thông Vận tải cũng kiến nghị Tổng cục Đường bộ nâng cấp hệ thống xử lý và khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Điều này nhằm hiệu quả hơn trong xác định các xe sai phạm. Ngoài ra, Sở này cũng kiến nghị UBND thành phố sớm chỉ đạo liên quan việc thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ để "phạt nguội".
Có thể bạn quan tâm
00:30, 17/11/2022
09:00, 09/12/2021
04:10, 09/12/2021
02:10, 09/12/2021
11:04, 17/01/2020