Qua phân tích, TP.HCM nhận thấy 3 phương án đều có cơ sở thực hiện, trong đó, phương án cấp vốn gỡ vướng dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng ở TP.HCM là khả thi nhất.
>>Vì sao TP HCM "lật kèo" vụ “siêu máy bơm” chống ngập?
Đó là nội dung được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường nêu tại buổi họp về phương án vốn cho dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM (giai đoạn 1 - dự án chống ngập 10.000 tỉ).
Chủ động nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ…
Theo đó, ngày 11/12/2023, tại buổi họp về phương án vốn cho dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 - dự án chống ngập 10.000 tỉ, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết , hiện TP đã thực hiện theo kết luận của tổ công tác trung ương đối với dự án này.
Tổ công tác trung ương do Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm tổ trưởng đã chỉ đạo TP đã rà soát, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án ngăn triều 10.000 tỉ, và sau đó UBND TP.HCM cũng đã có công văn ngày 24/11 báo cáo lại tình hình cho tổ công tác.
Đặc biệt, trong thời gian chờ ý kiến của tổ công tác, TP.HCM sẽ tiếp tục chủ động nghiên cứu, chuẩn bị kịp thời các giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Đồng thời tiếp tục thúc đẩy thực hiện dự án, sớm thi công hoàn thành công trình, phát huy hiệu quả đầu tư.
Về nhiệm vụ cụ thể, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường giao Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP (HFIC) khẩn trương phối hợp đề xuất, báo cáo quy trình giải ngân vốn cho dự án (theo phương án HFIC ủy thác và phương án HFIC cho vay), như: thực hiện các thủ tục (trách nhiệm đơn vị phụ trách chính, đơn vị phối hợp, thời gian thực hiện hoàn thành). HFIC phải nêu rõ căn cứ pháp lý hoặc các công việc cần thực hiện, thẩm quyền để thực hiện được quy trình giải ngân.
Đối với các sở ngành, ông Cường giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Sở Tư pháp, HFIC, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam và các sở ngành, đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham mưu cho TP báo cáo, xin ý kiến Thành ủy về phương án vốn khả thi cho dự án (vay vốn hoặc ủy thác qua HFIC).
Đáng chú ý, liên quan đến các giải pháp tháo gỡ, trước đó, TP.HCM đã đề xuất ba phương án gỡ vướng về vốn cho dự án ngăn triều 10.000 tỉ, cụ thể:
Phương án 1: Thành phố thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư khối lượng đã hoàn thành song song cả bằng trả đất và tiền, phù hợp với lịch thanh toán đã thỏa thuận.
Phương án 2: Quỹ đầu tư phát triển TP (HFIC) cho vay từ nguồn vốn hoạt động. Phương án này có thuận lợi khi HFIC có thể chủ động cho vay để nhà đầu tư thi công hoàn thành công trình.
Phương án 3: HFIC sẽ nhận ủy thác cho vay công trình dự án từ ngân sách TP theo quy định của nghị định số 147 Chính phủ ban hành năm 2020. Cụ thể là TP sẽ ủy thác ngân sách (khoảng 1.800 tỉ đồng) cho HFIC để HFIC cho nhà đầu tư vay hoàn thành công trình.
Sau khi công trình được nghiệm thu, TP sẽ thanh toán cho nhà đầu tư theo đúng hợp đồng BT, các phụ lục hợp đồng BT đã ký. Từ đó nhà đầu tư sẽ thanh toán nợ với HFIC. HFIC sẽ hoàn trả lại ngân sách TP đối với khoản vốn đã nhận ủy thác.
Qua phân tích ba phương án, TP.HCM nhận thấy phương án 3 là phương án khả thi nhất, có cơ sở thực hiện. Do đó, trong trường hợp được thông qua các đề xuất nêu trên, TP dự kiến sẽ thực hiện tổ chức điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi và điều chỉnh phụ lục hợp đồng BT để gia hạn thời gian thực hiện dự án.
>>TP HCM: Đề xuất chi 4,3 tỉ USD để xử lý các dự án chống ngập
…cần làm rõ cơ sở pháp lý và thẩm quyền
Trước đó, sau cuộc họp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các thành viên Thường trực Chính phủ về dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (dự án ngăn triều 10.000 tỉ - giai đoạn 1), và đã có một số kết luận.
Cụ thể, Dự án ngăn triều cường 10.000 tỉ được đầu tư theo hình thức BT và đã đạt 90% khối lượng. Trong quá trình thực hiện, dự án đã được Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại nhiều văn bản. Điển hình nhất là nghị quyết số 40 năm 2021.
Báo cáo của UBND TP.HCM, dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp tục triển khai thi công hoàn thành. Việc kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án là rất cấp bách. Nhưng TP.HCM lại chưa báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nghị quyết số 40 của Chính phủ.
Do đó UBND TP.HCM cần khẩn trương thực hiện và báo cáo cụ thể việc thực hiện. Đồng thời xác định rõ các khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý và đề xuất phương án giải quyết cho Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, chậm nhất trong tháng 9.
Chính phủ cũng quyết định thành lập tổ công tác do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang làm tổ trưởng, chủ tịch UBND TP.HCM làm tổ phó. Các lãnh đạo của bộ, cơ quan liên quan làm thành viên. Từ đó gỡ vướng cho dự án thông qua nghị quyết số 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và nghị quyết số 40 của Chính phủ.
Việc xây dựng phương án, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án cần làm rõ cơ sở pháp lý và thẩm quyền quyết định. Việc này phải hoàn thành chậm nhất trong tháng 10. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền của TP.HCM, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Chủ đầu tư … “không nhận lỗi”
Cũng cần nhắc lại rằng, liên quan đến những vướng mắc của dự án và việc nhà đầu tư buộc phải ra thông báo ngừng thi công dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng hồi tháng 5/2023, vẫn đang là chủ đề được dư luận đặc biệt quan tâm.
Đặc biệt, chia sẻ những bức xúc với báo chí, đại diện của Tập đoàn Trung Nam cho biết, ngày 27/4/2023, Tập đoàn Trung Nam - nhà đầu tư dự án đã có thông báo gửi UBND TP HCM về việc tạm dừng thi công dự án này. Việc tạm dừng thi công dự án này cũng là nhằm giải quyết dứt điểm các thủ tục giữa nhà đầu tư, BIDV và UBND TP.
Cũng theo đại diện của Tập đoàn Trung Nam, trong quá trình thực hiện dự án, phía tập đoàn đã cung cấp đầy đủ và nhanh chóng toàn bộ hồ sơ và thủ tục cần thiết liên quan đến vốn giải ngân, gửi cho TP. Tuy nhiên, UBND TP chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án theo biểu “Phụ lục 02A tại Quyết định số 2240/QĐ-NHNN để thực hiện thủ tục tái cấp vốn. Và việc chậm xác nhận từ phía UBND TP đã xảy ra từ tháng 9/2017”. Do đó, BIDV đã công bố tạm dừng tái cấp vốn cho dự án.
Về phía địa phương, đại diện lãnh đạo UBND TP HCM cho biết: TP sẽ không chịu trách nhiệm vì đây là dự án triển khai theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) nên khi công trình hoàn thành thì thành phố mới nghiệm thu, có kết quả thành phố mới thanh toán cho nhà đầu tư theo đúng cam kết trong hợp đồng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chủ đầu tư vay vốn từ ngân hàng nên đơn vị này đã yêu cầu TP xác nhận về mặt khối lượng để hoàn tất giải ngân. Do đó, TP kiểm tra xong phần nào thì xác nhận phần đó, vướng mắc thủ tục nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm.
Liên quan đến việc ngừng thi công dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM, cũng cho biết, nguyên nhân dừng là do thiếu vốn, chậm giải phóng mặt bằng. Việc ngưng thi công và chỉ duy trì triển khai tại các vị trí xung yếu có nguy cơ gây mất an toàn cho công trình.
Có thể bạn quan tâm
11:11, 22/05/2023
22:30, 12/05/2023
00:21, 27/11/2022
06:29, 21/08/2021
05:00, 03/07/2021